HĐND TP. Đà Nẵng vừa thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù, góp phần thực hiện chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
HĐND TP. Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội, trong đó có thanh thiếu niên hư, người bán dâm hoàn lương.
Theo đó, TP. Đà Nẵng đề xuất duy trì chính sách hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/1 khóa học nghề. Đối tượng áp dụng gồm lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học; lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương.
Ngoài ra, lao động trong các hộ bị thu hồi đất sản xuất sẽ được thành phố hỗ trợ đào tạo nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Điều kiện để được áp dụng hỗ trợ là người lao động có hộ khẩu Đà Nẵng.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho các nhóm lao động nêu trên mỗi năm bình quân 190 triệu đồng, từ nguồn ngân sách. Mỗi khóa đào tạo nghề kéo dài không quá 3 tháng. Người lao động được hỗ trợ một lần. Những người đã học nghề nhưng bị mất việc có thể xem xét hỗ trợ học nghề khác.
Việc hỗ trợ tiền học nghề cho lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; học sinh bỏ học; lao động là người hoạt động mại dâm; lao động trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất là chính sách đặc thù riêng của TP. Đà Nẵng.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP. Đà Nẵng thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND thành phố về mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mở rộng các đối tượng hưởng chính sách trợ cấp xã hội bao gồm người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng được nhận hỗ trợ với hệ số 1,0 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết bằng 20 lần mức hiện hành.
Người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy nhân tạo có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền mà không có lương hưu, tiền lương, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng được nhận hỗ trợ với hệ số 1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết bằng 20 lần mức hiện hành.
Người khuyết tật nhẹ là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được nhận hỗ trợ với hệ số 1,0 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết bằng 20 lần mức hiện hành.
Đà Nẵng hiện có trên 12.500 người cao tuổi, mỗi năm Thành phố chi 60 tỷ đồng để hỗ trợ với mức 400.000 đồng/người/tháng. Trong đó, chi hơn 4 tỷ đồng cho 850 người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội/ xã hội hàng tháng.
Mở rộng chính sách đối với các đối tượng hộ nghèo
HĐND thành phố cũng thông qua dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 75/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố quy định về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, hỗ trợ đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm kể từ thời điểm thoát nghèo theo chuẩn của thành phố; hộ có mức sống trung bình chuẩn thành phố.
Qua đó, hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo với mức 80 triệu đồng/nhà (trước đây mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà). Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo với mức tối đa 30 triệu đồng/nhà (trước đây mức hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà).
Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm kể từ thời điểm thoát nghèo theo chuẩn của thành phố được vay vốn với mức cho vay, lãi suất, thời hạn như quy định các chương trình tín dụng của Trung ương áp dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo theo chuẩn Trung ương.
Hỗ trợ hộ có mức sống trung bình chuẩn thành phố được vay vốn với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa như chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, lãi suất cho vay bằng 120% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo chuẩn Trung ương quy định trong từng thời kỳ…
Theo chinhphu.vn