“Tại Đức, nhiều ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề như: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng – khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm…” – đây là thông tin từ ông Trần Mạnh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần GHW Hà Nội tại Hội thảo “Di cư lao động châu Âu và cơ hội cho lao động Việt Nam” do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội, Công ty Cổ phần GHW Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Cơ hội du học nghề và làm việc tại Đức và châu Âu
Nhận định về cơ hội cho lao động Việt tại thị trường Đức và châu Âu, ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay, nhiều lao động trẻ Việt Nam đã tham gia chương trình du học nghề. Rất nhiều người đã tốt nghiệp ra trường, được ký hợp đồng làm việc chính thức, được hưởng mức lương cao.
Để giữ chân người lao động, Đức đưa ra chính sách có thể ký hợp đồng làm việc không thời hạn, được định cư và bảo lãnh người thân khi đáp ứng được các yêu cầu của Đức, giúp người lao động ổn định và phát triển sự nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu này.
Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ.
Tùy ngành nghề mà người lao động được đào tạo từ 2 đến 3 năm theo hệ thống đào tạo nghề kép 30% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 70% học thực hành tại doanh nghiệp… Để khi tốt nghiệp, họ có thể làm việc ở doanh nghiệp mình được đào tạo thực hành. Đây là mô hình đào tạo nghề kép của Đức nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh du học nghề, công nhận trình độ, văn bằng một phần hay toàn phần những ngành nghề mà Đức cho phép cũng đang là điểm nhấn của thị trường lao động rộng lớn này. Những cử nhân điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, xây dựng cũng có thể có cơ hội làm việc tại Đức sau khi trình độ, văn bằng được công nhận tương đương toàn phần.
Những người có văn bằng, trình độ được công nhận tương đương một phần thì mới phải học bổ sung để được công nhận tương đương toàn phần theo yêu cầu của Đức để đủ tiêu chuẩn đầu ra, đủ điều kiện làm việc.
/Thu nhập lên đến 4.000 Euro/tháng với lao động có tay nghề
Có thể nói, đối với ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thị trường lao động Đức đang rất thiếu nhân lực được đào tạo bài bản. Nếu có chuyên môn và kỹ năng tốt, văn bằng, chứng chỉ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, người lao động sẽ có thu nhập lên đến 4.000 Euro/ tháng trở lên.
Làm việc tại Đức, người lao động nước ngoài được hưởng những quyền lợi cụ thể như: Mức lương tối thiểu theo giờ là 12 Euro; Được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; Vợ/ chồng và con có thể được bảo hiểm y tế; Vợ/ chồng có thể được cấp thị thực làm việc, con được đi học ở hệ thống công lập miễn phí; Đi lại miễn thị thực trong 27 nước ở khu vực Shengen (Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, vv….)
Đầu tháng 7 vừa rồi (7/7/2023), Chính phủ Đức đã thông qua luật Nhập cư lao động lành nghề mới, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc trong năm 2024 – với các chính sách mới nhằm thu hút được nhiều nhân lực từ nước ngoài. Đây là cơ hội tốt cho các lao động nước ngoài đang hướng đến thị trường lao động Đức.
Đón đầu và nắm bắt xu hướng dịch chuyển của thị trường lao động, một số trường cao đẳng nghề đã tiến hành đào tạo song ngành, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ muốn nắm bắt cơ hội du học nghề hoặc làm việc tại nước ngoài, chinh phục thị trường lao động quốc tế.
Ông Bùi Quang Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Cao đẳng Hà Nội cho biết, Nhà trường đào tạo ngành Điều dưỡng cũng như các ngành khối sức khỏe song song với đào tạo tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…với chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra quốc tế.
Hơn nữa, Nhà trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp của CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan nhằm phát triển chương trình đào tạo, kết nối du học và việc làm. Sinh viên cũng có thể tham gia du học Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình 2+2 (tức hai năm đào tạo tại trường, 2 năm đào tạo tại các quốc gia này). Hoặc có thể chọn lựa học song bằng tại trường, khi tốt nghiệp có thể đi làm việc tại các quốc gia nói trên chương trình hợp tác của Nhà trường mà không phải qua bất kỳ đơn vị môi giới nào!
Với chương trình thực hành lên đến 70% và sớm đi thực tập tại các bệnh viện đầu ngành, sinh viên Cao đẳng Hà Nội sẽ vừa thạo nghề, vừa thạo tiếng để có thể đi làm ngay tại nước ngoài. Đặc biệt, khi học tiếng, sinh viên đồng thời được cung cấp thông tin về văn hóa, cuộc sống, môi trường làm việc tại các quốc gia tương ứng.
Định hướng di cư lao động thời gian tới, ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng: “Di cư lao động trong thời gian tới hướng đến những thị trường chất lượng, thu nhập cao, trọng tâm là các nước phát triển ở châu Âu. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên, nâng dần tỉ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản”.
Được biết, năm 2023, mục tiêu của Việt Nam là đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; Tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống và mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là thị trường Đức trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, thu nhập cao.
Bình MInh