01/06/2020 11:26:04

Cô giáo đánh học sinh bầm tím tay nói gì?

Cô giáo dạy lớp 4 Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) đã dùng thước nhựa đánh bầm tay học sinh do em này viết chậm, bút bị hết mực.

Theo tường trình của cô Phạm Thị Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A6 Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định), vào lúc 9h sáng ngày 29/5, trong tiết Tập làm văn, cô kiểm tra bài và thấy em T. chưa hoàn thành bài cô giao. Việc em T. thiếu bài đã được cô Nhung nhắc nhở vài lần nhưng em vẫn chưa khắc phục. Bên cạnh đó, trong lớp, em T vẫn chưa thực sự chú ý nghe giảng, viết bài chậm.

Bản tường trình của giáo viên

“Do thời gian nghỉ dịch dài, việc học tập bị gián đoạn nên khi học sinh đi học trở lại tôi rất mong muốn rèn học sinh ổn định nề nếp học tập như trước. Khi thấy em T thiếu bài, tôi đã nhắc nhở em. Trong tiết học, em không tập trung viết bài, nên trong lúc mất bình tĩnh, tôi đã dùng thước nhựa đánh vào phần bắp tay của em có để lại vết đỏ”, cô Nhung viết trong bản tường trình.

Lúc đó do học sinh không có biểu hiện kêu đau nên cô và cả lớp vẫn tiếp tục tiết học.

Em học sinh bị cô giáo dùng thước đánh bầm tay

Khi về gia đình mới phát hiện và báo lại cho giáo viên cũng như ban giám hiệu nhà trường. Lúc này cô Nhung mới biết việc làm của mình đã để lại những vết thương trên tay học sinh.

Đến tối 29/5, cô Nhung đã cùng ban giám hiệu nhà trường đến gặp và xin lỗi em T và gia đình.

Hội đồng kỷ luật của Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu cho hay, cô Nhung là một giáo viên trẻ mới ra trường (mới 2 năm công tác) chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và xử lý các tình huống sư phạm trên lớp. Bên cạnh đó với mong muốn học sinh tiến bộ, đạt được các kiến thức cơ bản nên trong lúc mất bình tĩnh cô đã có hành động và phương pháp chưa phù hợp.

Đại diện Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho biết, Sở đã nhận được thông tin vụ việc và đề nghị Phòng GDĐT TP.Nam Định báo cáo. Quan điểm của Sở GDĐT là xử lý nghiêm nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Sau đó, nhà trường đã thống nhất tạm đình chỉ công tác giảng dạy đến hết năm học, bố trí phân công việc phù hợp để cô giáo có thời gian ổn định về mặt tinh thần và nhìn nhận lại lỗi sai để rút kinh nghiệm.

PV (tổng hợp)