Đi thi phải cõng cả ô tô, giường bệnh viện, bàn bếp , thiết bị bếp và hàng tấn máy móc thiết hiện đại của các ngành công nghệ ô tô, điện, điện tử, điện lạnh, điện công nghiệp…. Lạ nhất còn mang cả… chó, mèo, giáo cụ bài trình giảng nghề chăn nuôi thú ý. Vất vả là thế, nhưng thầy cô các đoàn đều vui và tự hào. Đặc biệt kỳ hội giảng năm nay thu hút nhiều nhà giáo trẻ yêu nghề và nhiệt huyết.
Vừa là “lực sĩ”, vừa là nhà setup bài giảng
Không xúng xính quần là áo lượt như các nhà giáo lý thuyết, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đến hội thi vừa là “lực sĩ” khuân vác, bốc xếp, lắp đặt và setup cho chính bài thi của mình và vừa là thầy cô trình giảng lý thuyết và tích hợp thực hành ngay sau đó.
Tại trường cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, từng đoàn xe ô tô chở thiết bị vượt hàng nghìn km từ khắp các tỉnh, thành nối nhau chở các thiết bị đến hội giảng. Trường cao đẳng Việt – Hàn vốn đã rộng lớn, hiện đại, nay các xe tải, xe khách lớn bé ra vào tấp nập, bốc dỡ, tập kết thiết bị dự thi làm khung cảnh náo nhiệt như một cửa khẩu lớn.
Thời tiết miền Bắc mang theo cơn gió lạnh đầu mùa vẫn không ngăn được những giọt mồ hôi ướt đẫm của các nhà giáo. Mỗi nhà giáo đến hội giảng mang theo bài trình giảng được chuẩn bị công phu với tất cả tâm huyết từ ý tưởng sáng tạo, đến thiết kế xây dựng mô hình, thiết bị đào tạo tự làm trực quan sinh động trong phần thi lý thuyết và thực hành.
Vất vả nhất có lẽ là các giảng viên trình giảng nghề công nghệ ô tô. Thiết bị mang theo (giáo cụ thực hành) vừa nhiều, vừa to vừa cồng kềnh và phải mang vác nặng nhọc. Lắp đặt và tháo dỡ mất nhiều thời gian.
Giảng viên Bùi Văn Phong, Khoa Công nghệ ô tô trường Cao đẳng Giao thông Vận tải đường thủy 1 (Hải Dương), tham dự bài trình giảng “Bảo dưỡng phanh ô tô” . Giáo cụ mang theo là chiếc ô tô, cùng các đồ tháo lắp, các thiết bị bảo dưỡng, cờ lê mỏ lết, khay đựng, bàn mát để mài rà má phanh, dung dịch thiết bị, vật tư…
Từ Đồng Tháp, Đoàn Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cũng vượt ngàn cây số mang theo nhiều thiết bị để giảng viên trình giảng bài thi ở 2 nghề Điện, Điện tử và Điện lạnh. Gặp giảng viên Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng bộ môn điện lạnh thuộc Khoa Điện tử – Điện lạnh Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp khi thầy vừa kết thúc trình giảng bài “Gia công đường ống dẫn gas trước khi lắp đặt”, những giọt mồ hôi còn thấm trên vai áo, chỉ vào các thiết bị mang theo thầy Kiệt nở nụ cười sảng khoái, “thi xong thấy nhẹ người ghê”, giờ lại mang các thứ này về trường.
Giảng viên Vũ Ngọc Liêm, trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy Lợi Đồng Nai đến hội giảng ngoài thiết bị còn mang theo các em sinh viên giả định chuyên ngành Logistic chuẩn bị phục vụ cho sân bay Long Thành. Vừa kết thúc bài trình giảng: “Đóng gói hàng dễ vỡ”, thầy Liên phấn khởi cho hay: “Mặc dù thầy trò đi ô tô trên cung đường khá xa từ Đồng Nai tới Quảng Ninh với một xe ô tô chở thiết bị, dụng cụ giảng dạy, một xe chở thầy trò. Thay vì cảm giác mệt mỏi, hồi hộp, thầy trò đều bắt nhịp nhanh với hội giảng, tự tin thể hiện bài trình giảng, cũng như thực hành thành công. Những kinh nghiệm có được cho thầy và trò tại hội giảng này là trau dồi bản lĩnh và nâng cao kỹ năng.
Cũng như nhiều trường khác tại phòng chờ trình giảng, thầy Nguyễn Thanh Vân, nghề Điện Công nghiệp, trường Cao đẳng Phú Yên đang cùng đồng nghiệp tự tay lắp đặt thiết bị đào tạo để chuẩn bị trình giảng, với bài giảng “Đấu nối mạch điện và cài đặt tham số biến tần”. Mô hình thiết bị đào tạo tự làm này do thầy Vân thiết kế và mang theo vượt ngàn km đến hội giảng. Thầy Vân cho biết, mô hình này không chỉ phục vụ cho việc giảng dạy lắp đặt điện công nghiệp, mà còn ứng dụng trong các nội dung bài học liên quan đến đấu nối, lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
Nhà giáo trẻ bắt nhịp nhanh với số hóa
Giảng viên Phạm Thị Vân Anh( sinh năm 1998), nghề Điện tử công nghiệp, trường Cao đẳng Du lịch và Công thương (Hải Dương) đã có kinh nghiệm 4 năm giảng dạy tại trường, đến với hội giảng mang theo các thiết bị lắp đặt mô hình giảng dạy thu nhỏ, cùng với bài giảng: “ Lắp mạch điện điều khiển đèn tự động dùng quang trở”. Kết thúc phần thi với điểm trình giảng đạt 84.17%, giảng viên Vân Anh chia sẻ: “Hội giảng mang đến cho em những cảm xúc đặc biệt, đây là cơ hội cọ xát để em được học hỏi kinh nghiệm, mở rộng kiến thức từ đồng nghiệp”.
Giảng viên trẻ Trịnh Hưng Thịnh (sinh năm 2000), nghề Điện Công nghiệp, từng là sinh viên viên giỏi của Trường CĐ ThaCo Quảng Nam, tốt nghiệp được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Tại điểm thi trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, giảng viên Thịnh say sưa lắp đặt hệ thống thiết bị, chuẩn bị cho trình giảng “Lắp mạch điện điều khiển bộ tời nâng, hạ tải”, thầy Thịnh phấn khởi chia sẻ, lần đầu tiên được tham gia một hội giảng có quy mô lớn và chuyên nghiệp như thế này. Lại được sự hỗ trợ thiết bị của Trường CĐ Việt – Hàn Quảng Ninh nên rất đỡ cho các trường ở xa như ThaCo. “Đây là cơ hội giúp em khẳng định năng lực cũng như sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, trong trong các thiết bị đào tạo, cũng như thiết kế các bài tập online tăng cường cho sinh viên luyện tập, nâng cao kỹ năng và ứng dụng sát với với thực tế công việc trong các nhà máy như: Đấu nối được điều khiển bộ tời (nâng, hạ), chẩn đoán được các mạch điện trong quá trình đấu nối, phát hiện được những lỗi và có khả năng thay thế được các linh kiện mới”.
Thạc sĩ Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (Bình Định) cho biết: Đến với Hội giảng, nhà trường có 4 giảng viên dự giảng ở các nghề : Điện Công nghiệp, Điện lạnh, Du lịch, Quản trị nhà hàng, chiếm 50% thành viên đại diện cho đoàn Bình Định tham dự. Trong đó, giảng viên Phạm Văn Phát tham dự trình giảng nghề Điện Công nghiệp liên quan đến khí nén, có thể thay thế năng lượng điện, góp phần ứng dụng vào năng lượng xanh, sạch và tiết kiệm được năng lượng điện trong các nhà máy mới. Đó là bài giảng “Đầu nối mạch điện- khí nén điều khiển 2 xy lanh theo tuần tự”, bài giảng hướng đến các kỹ năng trong phương thức thay thế mạch điện thuần túy trước đây, những thiết bị xử lý bằng cơ bây giờ được xử lý bằng khí nén… Bài giảng ứng dụng công nghệ đưa lập trình online vào trong bài giảng, cũng như các ứng dụng phần mềm trong vận hành động cơ.
Binh Minh