09/03/2025 11:43:18

Chuyên gia nói gì về tác động của Nghị định 20 với doanh nghiệp?

Nghị định số 20/2025/NĐ-CP với những sửa đổi trong quy định liên quan giao dịch liên kết đã góp phần gỡ bỏ các rào cản và tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt Nam khi loại bỏ mối quan hệ liên kết với ngân hàng thương mại.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định này là một số sửa đổi, bổ sung trong Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, làm rõ các tiêu chí xác định doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các trường hợp ngoại lệ không bị coi là quan hệ liên kết, bao gồm các tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không tham gia trực tiếp, gián tiếp vào việc kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay.

Với những bổ sung này, cơ quan soạn thảo cho rằng sẽ góp phần tránh việc áp dụng máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí, có thêm dòng tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Gỡ bỏ các rào cản và tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Chia sẻ với người viết về Nghị định số 20/2025/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020, bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế và pháp lý của Deloitte Việt Nam cho biết: Nghị định số 20/2025/NĐ-CP đã góp phần gỡ bỏ các rào cản và tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt Nam khi loại bỏ mối quan hệ liên kết với ngân hàng thương mại.

Theo bà Mai Hạnh, trong những năm qua, cơ quan thuế đã tăng cường giám sát các giao dịch vay vốn giá trị lớn, đặc biệt khi doanh nghiệp phát sinh vay vốn từ ngân hàng thương mại. Nguyên do xuất phát từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế phát hiện một số tập đoàn cố tình dàn xếp các giao dịch vay vốn thông qua ngân hàng như một bên trung gian nhằm giảm nghĩa vụ thuế hoặc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Cụ thể, thay vì trực tiếp cho công ty con vay – đây là giao dịch liên kết, công ty mẹ chuyển tiền vào một ngân hàng thương mại. Ngân hàng này sau đó cấp khoản vay cho công ty con tại Việt Nam với các điều khoản theo nguyên tắc giá thị trường.

Bà Đinh Mai Hạnh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam.

Trên lý thuyết, công ty con vay từ một tổ chức tài chính độc lập, không liên quan đến công ty mẹ. Nhưng trên thực tế, ngân hàng chỉ là trung gian, dàn xếp khoản vay để giảm lợi nhuận và số thuế phải nộp của doanh nghiệp tại Việt Nam, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Do đó, tại điểm d, khoản 5, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) đã quy định: Nếu khoản vay bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay thì bên đi vay và cho vay được xem là bên liên kết.

Vì vậy, thực tế đã phát sinh trường hợp doanh nghiệp đi vay từ ngân hàng thương mại với khoản vay giá trị lớn đạt ngưỡng trong quy định bị xem là phát sinh giao dịch liên kết.

Ngân hàng thương mại từng bị xem là bên liên kết chỉ vì phát sinh khoản vay lớn?

Trước thời điểm Nghị định số 20 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã từng phản ánh việc xem ngân hàng thương mại là bên liên kết chỉ vì phát sinh khoản vay lớn và cho rằng đây là điều chưa hợp lý.

Về điều này, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng đây là một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động.

Theo bà Mai Hạnh, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, đặc biệt là từ các ngân hàng thương mại để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc vay vốn ngân hàng là nhu cầu thực tế, mang tính thương mại thông thường.

Tuy nhiên, theo quy định trước đây, nếu doanh nghiệp có khoản vay lớn từ ngân hàng, họ có thể bị xếp vào diện có quan hệ liên kết mặc dù không có quan hệ sở hữu về vốn, kiểm soát hay điều hành.

EBITDA là một chỉ số tài chính phổ biến được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của một công ty trước khi tính đến các khoản chi phí không phải là chi phí vận hành chính.

Việc bị xếp vào nhóm có quan hệ liên kết kéo theo nhiều hệ lụy. Đầu tiên, doanh nghiệp phải lập Hồ sơ giao dịch liên kết, một yêu cầu tuân thủ phức tạp, đòi hỏi tốn kém thời gian và nguồn lực. Quan trọng hơn, doanh nghiệp bị khống chế chi phí lãi vay ở mức 30% EBITDA.

Điều này có thể gây ra áp lực tài chính lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, chưa tạo ra lợi nhuận. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, EBITDA âm, toàn bộ chi phí lãi vay không được trừ, khiến gánh nặng tài chính càng trở nên nặng nề. Điều này tạo ra rào cản trong việc tiếp cận vốn vay hợp pháp.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp trẻ hoặc đang trong giai đoạn tăng trưởng. Nếu bị hạn chế về khả năng khấu trừ chi phí lãi vay, doanh nghiệp có thể đối diện với nguy cơ giảm hiệu quả kinh doanh, thậm chí là mất đi cơ hội phát triển.

Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đã khắc phục nhiều bất cập trước đó quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ảnh minh họa.

Việc loại bỏ mối quan hệ liên kết với ngân hàng thương mại có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp?

Vị chuyên gia cấp cao của Deloitte Việt Nam nhìn nhận đây là một thay đổi rất tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Theo quy định mới trong Nghị định 20, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại không còn bị xem là có quan hệ liên kết nếu giữa họ không tồn tại mối quan hệ về vốn góp, điều hành, kiểm soát lẫn nhau hoặc bởi một bên thứ ba.

Điều này giúp giảm bớt áp lực tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là yêu cầu lập Hồ sơ giao dịch liên kết và khống chế chi phí lãi vay, đảm bảo tính hợp lý và minh bạch của chính sách thuế, phù hợp với nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”.

Việc loại bỏ mối quan hệ liên kết này không chỉ giúp doanh nghiệp được khấu trừ chi phí lãi vay hợp lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn, giúp doanh nghiệp có thêm dư địa tài chính để tái đầu tư, mở rộng hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn và hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới”, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đánh giá.

Phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế những năm trước sẽ được xử lý như thế nào?

Về thắc mắc này, bà Mai Hạnh cho biết, theo quy định, nếu doanh nghiệp không còn phát sinh giao dịch liên kết, phần lãi vay vượt mức khống chế từ các năm trước 2024 sẽ được phân bổ đều và chuyển tiếp sang các năm tiếp theo, theo thời hạn còn lại trong khung 5 năm.

Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong việc được tiếp tục khấu trừ chi phí lãi vay chưa chuyển tiếp hết trong giai đoạn trước. Nếu doanh nghiệp vẫn có các hình thức liên kết khác, phần lãi vay vượt mức sẽ tiếp tục được chuyển tiếp theo nguyên tắc khống chế 30% EBITDA như trước đây.

Do đó, việc rà soát lại tình trạng giao dịch liên kết là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các quyền lợi thuế, đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định mới.

Ngoài ra, theo bà Mai Hạnh, Nghị định số 20 cũng đã ban hành Phụ lục I – Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết thay thế cho mẫu hiện tại. Nghị định 20 có hiệu lực thi hành từ ngày 27/3/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên nhanh chóng rà soát và đánh giá sự ảnh hưởng của các thay đổi của Nghị định 20 để áp dụng ngay trong kỳ quyết toán thuế sắp tới.

Tuấn Việt