Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội cho biết với trường hợp sản phụ 24 tuổi trên, trước hết cần loại trừ bệnh nhân không có bệnh lý nền như đái đường, huyết áp, nhiễm độc thai nghén, bệnh tim… Trong trường hợp này thì nguyên nhân tử vong có thể do băng huyết.
Băng huyết hay chảy máu sau đẻ không phải là hiếm gặp, là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất, việc khắc phục không phải dễ. Băng huyết sau đẻ luôn rình rập với các bà mẹ.
BS Dung phân tích, nhiều người thường nghĩ sinh mổ mới có thể bị băng huyết, tuy nhiên thực tế băng huyết sau đẻ thường cũng có. Về nguyên tắc, tử cung có thể lớn lên đến 50 lần từ lúc bình thường đến lúc thai to nhất. Điều đó có nghĩa chỉ cần tử cung giãn ra mà không co lại thì có thể hình dung như ống thoát nước mở nắp ra dẫn đến tình trạng mất máu, sốc mất máu và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Chỉ xơ sảy một chút là tai biến này có thể xảy ra. Cũng vì thế, việc yêu cầu phải theo dõi chặt, liên tục sản phụ 2 tiếng đầu tiên sau đẻ không phải là vô nghĩa. Nhân viên y tế sẽ phải theo dõi lượng máu âm đạo chảy ra, theo dõi khối cầu an toàn…, tử cung phải co lại thì mới ‘bịt’ được máu chảy, nếu không co lại được thì không cầm máu được”, BS Dung nhấn mạnh.
Theo đó, ngay sau khi sổ nhau, tử cung co nhỏ lại tạo thành khối cầu toàn để giúp cầm máu (ở vị trí trên bụng bệnh nhân). Nếu nhân viên y tế sờ thấy cứng, sản phụ không ra máu âm đạo thì lúc đấy mới có thể yên tâm.
Cũng theo bác sĩ, việc chảy máu sau đẻ không gây đau, máu lặng lẽ chảy, trong khi đó sản phụ khi vừa sinh xong, mệt nằm thiếp đi sẽ không thể cảm nhận, nhận biết được tình trạng này. Vì thế, vấn đề là nữ hộ sinh, bác sĩ phải theo dõi sát cầu an toàn và lượng máu âm đạo chảy ra. Nếu phát hiện bất thường lập tức có biện pháp xử lý cho thuốc tăng co, kiểm tra xem có bị sót rau, có bị rách đường âm đạo, có bị đờ tử cung…
“Nếu bắt kịp thời gian chảy máu, xử lý ngay tức thì thì có thể cứu được bệnh nhân. Mất máu nhiều, không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến rối loạn đông máu, sốc mất máu… ”, BS Dung nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS. BS Trần Thị Hoa, đã từng nghiên cứu và điều hành về đào tạo về Sản khoa thiết yếu và Sức khỏe Sinh sản của WHO, AusAID và UNFPA cho rằng khẳ năng là do sản phụ bị băng huyết sau sinh.
Đây là tình trạng chảy máu nặng được xác định mất hơn 500 ml máu trong 24 giờ sau khi sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 500.000 phụ nữ trên toàn thế giới tử vong trong khi sinh hoặc do các biến chứng thai sản, trong đó băng huyết sau sinh chiếm tới 25% .
Các biến chứng thai sản có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ở mang thai, sinh nở và sau khi sinh. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ băng huyết sau sinh chiếm từ 3% – 8% và đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ.
Tối 4/11, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một thai phụ trẻ sinh năm 1996 đã tử vong tại Bệnh viện Việt Pháp – Hà Nội do bị mất máu quá nhiều sau sinh.
Được biết thai phụ đã sử dụng dịch vụ “thai sản và sinh trọn gói” với nội dung “đồng hành với mẹ và bé cho thai kì trọn vẹn với chi phí gần 70 triệu đồng.
Sản phụ sinh thường lúc hơn 11h ngày 2.11. Không may sau khi sinh sản phụ bị băng huyết nhưng Bệnh viện Việt Pháp không có phương án xử lý kịp thời.
Khoảng nhiều giờ sau đó, bệnh viện mới quyết định mổ cho sản phụ này thì phát hiện ổ bụng đã bị hoại tử do vết thương để quá lâu. Do đó, dù đã được phẫu thuật cấp cứu nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Sản phụ trẻ tuổi đã tử vong do xuất huyết sau sinh thường con đầu lòng sau 3 lần phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Việt-Pháp.
Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Nhị Hà- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sở Y tế đã nắm được thông tin sản phụ tử vong tại Bệnh viện Việt Pháp, Sở cũng đã nhận được báo cáo ban đầu của bệnh viện về vụ việc”.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, do gia đình từ chối mổ tử thi nên hiện nguyên nhân khiến sản phụ tử vong được nghĩ nhiều đến rối loạn đông máu.
Đối với việc mời chuyên gia hội chẩn, khi sản phụ có biểu hiện bất thường, Sở Y tế cũng có mặt và mời cả bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để hội chẩn. Việc sản phụ bị tai biến dẫn đến tử vong là sự cố không ai mong muốn. Hiện em bé sức khỏe vẫn bình thường và đang được chăm sóc tốt”, bà Hà chia sẻ.
PV