Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có những trao đổi về đóng góp của Hội trong bức tranh “một Việt Nam hùng cường năm 2045”.
Tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với các doanh nhân, trí thức với chủ đề “Đối thoại 2045” được tổ chức đầu tháng 3/2021, các đại biểu trong giới doanh nhân, trí thức Việt Nam đã cùng nhau góp ý kiến để xây dựng một quốc gia phát triển. Việt Nam 2045 được mường tượng là bức tranh đẹp mà tất cả người Việt Nam và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao đổi về đóng góp của Hội trong bức tranh “một Việt Nam hùng cường năm 2045”.
Ông nhận thấy Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang đóng góp “nét vẽ” nào vào bức tranh “một Việt Nam hùng cường năm 2045”?
Đối thoại 2045 có vai trò quan trọng đối với việc “tiếp lửa” cho các doanh nghiệp để họ thêm tự tin đồng hành với sự phát triển của đất nước. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tự nhận thấy sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045. Một trong những điểm nhấn của Hội trong năm 2021 là sẽ khởi động lại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.
Tại Đối thoại 2045, ông cho rằng, giai đoạn 2021-2030 là cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045 và cần Nhà nước có các chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ hơn. Vậy, những kỳ vọng nào được đặt ra cho Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm nay?
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong (MBI) phối hợp thực hiện. Diễn đàn được tổ chức từ năm 2016, 2017, nhằm phát huy vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và các cơ quan công quyền với khu vực tư nhân để tham vấn, đối thoại chính sách công – tư liên tục và chặt chẽ, trên cơ sở tập hợp và phản ánh những tiếng nói từ cấp cơ sở, vì mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Tại Diễn đàn năm nay, chúng tôi sẽ tập trung bàn thảo và đối thoại giữa Chính phủ và khu vực tư nhân với các chủ đề trọng tâm như: nông nghiệp bền vững, logistics, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, công nghiệp chế biến và chế tạo, kinh tế xanh… Các chủ đề bàn thảo của chúng tôi được xây dựng trên tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tại sao các chủ đề logistics và nông nghiệp được chọn để tập trung bàn thảo trong Diễn đàn sắp tới?
Thật ra, có 4 vấn đề chính mà chúng tôi mong muốn được hỗ trợ bao gồm chính sách, thể chế; thương mại điện tử; logistics và nông nghiệp.
Đơn cử, về mặt chính sách, thể chế, hệ thống pháp luật cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, cần phát triển nhanh và hài hòa các khu vực kinh tế và loại hình các doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Để làm được điều đó, Nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề số một cho việc cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới.
Còn lĩnh vực thương mại điện tử, logistics và nông nghiệp thì sao?
Hiện nay, rào cản lớn nhất là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và kho bãi giao nhận hàng hóa tại các thành phố lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Do vậy, cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển, vì đây là xu hướng tương lai và nhu cầu mua sắm của người dân qua thương mại điện tử ngày càng lớn.
Logistics đang là một ngành mũi nhọn của TP.HCM nói riêng, không chỉ phục vụ xuất khẩu, mà còn cho thị trường nội địa, nhưng công tác vận hành các trung tâm logistics chưa thuận lợi, khi doanh nghiệp rất khó tiếp cận các quỹ đất để phát triển dịch vụ hậu cần. Do vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp và linh hoạt để quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh; cơ chế và chính sách phù hợp để thu hút đầu tư tư nhân trong nông nghiệp; khuyến khích đưa ra các giải pháp cho vấn đề an toàn thực phẩm, quản lý giống cây trồng sao cho hiệu quả để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành, sản xuất – kinh doanh có vai trò rất quan trọng, là nhu cầu cấp thiết hiện nay của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Với vị thế là đầu tàu kinh tế cả nước, theo ông, TP.HCM cần thể hiện vai trò tiên phong như thế nào?
Trong nhiều lĩnh vực, do công nghệ số là một trong những lĩnh vực mới, nên nhiều bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước còn “lúng túng” trong việc cấp duyệt. TP.HCM là đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước, nên tiên phong lập ra các chiến lược dài hạn, chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này và từ đó trở thành đầu mối thúc đẩy chuyển đổi số trên cả nước.
Còn kỳ vọng về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có hoạt động hỗ trợ nào cụ thể không?
Tôi mong muốn mỗi doanh nhân thành đạt sẽ tham gia kèm cặp và hỗ trợ một doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp. Người hướng dẫn này sẽ hỗ trợ tư vấn cho start-up về kinh nghiệm và phương pháp lập kế hoạch kinh doanh, kêu gọi vốn và thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và phương pháp quản trị rủi ro đối với mỗi start-up; kết nối cho start-up có thể gặp và giao lưu với các doanh nhân thành đạt khác để học hỏi kinh nghiệm trong quản trị và điều hành doanh nghiệp.
Mô hình này đã được Hội Doanh nhân trẻ Yên Bái triển khai khá thành công và tôi mong muốn đây sẽ là mô hình được nhân rộng hơn nữa trong các hội địa phương thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, từ đó góp phần vào việc hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam phát triển hơn cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo baodautu.vn