Microsoft và Google đang có cuộc chạy đua dồn dập và những đòn “ăn miếng trả miếng” trong lĩnh vực AI với những dịch vụ chatbot, công cụ tìm kiếm ứng dụng AI…
Ngày 6/2, Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, tiết lộ rằng họ chuẩn bị ra mắt dịch vụ chatbot và tăng thêm nhiều trí tuệ nhân tạo (AI) hơn cho công cụ tìm kiếm của mình. Như vậy, Bard sẽ cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT, một dịch vụ AI do OpenAI tạo ra đang làm mưa làm gió những tháng gần đây.
Theo giới chuyên môn, Google buộc phải tung ra Bard trong bối cảnh công ty đối mặt với những thách thức trong mảng kinh doanh tìm kiếm (Search). Tuần trước, Alphabet báo cáo doanh thu không như kỳ vọng do quảng cáo kỹ thuật số đi xuống và nhà đầu tư lo ngại các đối thủ AI như ChatGPT của OpenAI có thể làm đảo lộn hoạt động tìm kiếm trực tuyến.
Chưa kể, thông báo đầu tư thêm 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI lại càng làm tình thế trở nên khẩn cấp hơn đối với Google. Việc Microsoft tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing cũng như các sản phẩm khác trong bộ phần mềm văn phòng – sẽ là một động thái đánh trực diện vào các mảng kinh doanh cốt lõi của Google và buộc họ phải sớm tung ra các sản phẩm AI tương tự.
Và chỉ một ngày sau (7/2), trong thông cáo báo chí chính thức phát đi từ Microsoft, hãng cho biết vừa chính thức tiến hành tích hợp công nghệ AI để nâng tầm khả năng tìm kiếm của Microsoft Bing và Edge mới.
Theo Microsoft, người dùng tới đây sẽ được trải nghiệm những khả năng tìm kiếm tốt hơn, nhận được các câu trả lời đầy đủ hơn, cũng như chuyện và có khả năng tạo nội dung hoàn toàn mới. Microsoft coi những công cụ này như một công cụ hỗ trợ AI cho web.
Satya Nadella, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Microsoft cho biết: “AI sẽ thay đổi căn bản mọi danh mục phần mềm, bắt đầu từ danh mục lớn nhất – tìm kiếm. Hôm nay, chúng tôi ra mắt Bing và Edge được hỗ trợ bởi AI, để mọi người có thể nhận được nhiều lợi ích hơn từ việc tìm kiếm và lướt web”.
Lãnh đạo cấp cao của Microsoft cũng thông tin, những trải nghiệm mới của Bing sẽ là “đỉnh cao”của 4 đột phá kỹ thuật:
Thứ nhất, Mô hình OpenAI thế hệ mới: Bing mới đang chạy trên mô hình ngôn ngữ lớn OpenAI thế hệ mới, mạnh hơn ChatGPT và được tùy chỉnh đặc biệt cho khả năng tìm kiếm. Nó sử dụng những kiến thức và cải tiến quan trọng từ ChatGPT và GPT-3.5 – và nó thậm chí còn nhanh hơn, chính xác hơn và có nhiều khả năng hơn.
Thứ 2, Mô hình Prometheus của Microsoft: Microsoft đã phát triển một cách làm việc độc quyền với mô hình OpenAI cho phép chúng tôi tận dụng tốt nhất sức mạnh của nó. Chúng tôi gọi tập hợp các khả năng và kỹ thuật này là mô hình Prometheus. Sự kết hợp này mang lại cho người dùng các kết quả phù hợp, kịp thời và chính xác hơn, với mức độ an toàn tốt hơn.
Thứ 3, Áp dụng AI vào thuật toán tìm kiếm cốt lõi. Chúng tôi cũng đã áp dụng mô hình AI cho công cụ xếp hạng tìm kiếm Bing của mình, mang đến một bước tiến lớn về mức độ liên quan về khả năng tìm kiếm trong hai thập kỷ. Với mô hình AI này, ngay cả các truy vấn tìm kiếm cơ bản cũng chính xác hơn và phù hợp hơn.
Thứ 4, Trải nghiệm người dùng mới: Microsoft đang định hình lại cách người dùng tương tác với tìm kiếm, trình duyệt và trò chuyện bằng cách đưa chúng vào một trải nghiệm hợp nhất. Điều này sẽ đem lại một cách tương tác trải nghiệm web hoàn toàn mới.
Trong khi đó, đáp trả lại động thái này của Microsoft, Google cho biết cũng đã gửi thư mời về sự kiện đặc biệt vào ngày 8/2, để bàn về “sử dụng sức mạnh AI để thay đổi cách người dùng tìm kiếm, khám phá, tương tác thông tin”.
Chưa kể, theo Reuters, hãng dịch vụ tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) vừa qua cũng công bố sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ công cụ Ernie Bot trong tháng 3. Ernie Bot là chatbot trí tuệ nhân tạo hoạt động tương tự ChatGPT và Bard. Trong đó, Baidu dự kiến triển khai AI này dưới dạng ứng dụng độc lập, sau đó dần hợp nhất vào dịch vụ tìm kiếm của mình.
Tuấn Việt