26/01/2022 7:23:07

CĐN Công nghiệp Hà Nội: Đào tạo theo chuẩn quốc tế – Thế mạnh giúp chuyển đổi số thuận lợi

Nằm dưới những tán cây xanh rợp bóng mát của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là những dãy nhà xưởng rộng lớn, hiện đại. Ít ai có thể ngờ, chính từ những nhà xưởng này, nhiều sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã bước ra giành những giải thưởng cao tại các kỳ thi Kỹ năng nghề khu vực và thế giới. Đào tạo theo chuẩn quốc tế là thế mạnh giúp nhà trường đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi hoạt động. Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết.

Chuyển đổi số giúp nhà trường hoạt động hiệu quả hơn

PV: Chuyển đổi số đang là xu thế trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Là hiệu trưởng của một trong 45 trường nghề chất lượng cao của cả nước, bà đánh giá thế nào về vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp?

Bà Phạm Thị Hường: Có thể khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đặc biệt từ khi xảy ra đại dịch toàn cầu Covid-19, chuyển đổi số càng diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp để có thể thích ứng với tình hình mới.

Học sinh, sinh viên trường nghề có thời gian học lý thuyết chỉ 30%, còn 70% là học thực hành. Nếu không thực hiện chuyển đổi số, việc dạy và học sẽ rất khó để thích ứng, đảm bảo đủ thời gian học và thực hành cho sinh viên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sinh viên không thể học tập trung do liên tục phải giãn cách xã hội. Thực hiện chuyển đổi số, các trường có thể xây dựng những bài giảng trực tuyến để khai thác các học liệu trên nền tảng số, kể cả các mô-đun thực hành.

 

Sinh viên khoa Công nghệ ô tô của CĐN Công nghiệp Hà Nội được thực hành trên những hệ thống máy móc hiện đại

Tuy nhiên, để chuyển đổi số cần nguồn kinh phí lớn cũng nhưđòi hỏi nhân sự được đào tạo để thích ứng và việc này phải có lộ trình. Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cũng như mô hình điểm.

Bên cạnh đó, khi chuyển đổi số, bộ máy quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải chuyển đổi theo, đặc biệt trong mảng đào tạo, tuyển sinh để quản lý học sinh trên nền tảng số, tư vấn, tuyển sinh, quảng bá truyền thông cũng trên các nền tảng trực tuyến. Rõ ràng chuyển đổi số giúp cho nhà trường đi nhanh hơn, phù hợp với xu thế phát triển hơn.

Thế mạnh đào tạo của nhà trường giúp chuyển đổi số thuận lợi hơn

PV: Vậy Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã và đang chuẩn bị những gì để hội nhập vào xu thế đó, thưa bà ?

Bà Phạm Thị Hường: Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội có thế mạnh đào tạo các nghề Công nghệ ô tô và những nghề nền tảng liên quan đến chuyển đối số như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa. Sinh viên, giảng viên ở hai ngành này khi tham dự kỳ thi kỹ năng nghề các cấp đều đạt huy chương vàng.

Ngoài ra, trường cũng có nhiều nghề đang được đào tạo theo chuẩn quốc tế. Do đó, cơ hội chuyển đổi số cũng tốt hơn, nhanh hơn vì chương trình đã được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế, đội ngũ nhà giáo cũng được bồi dưỡng cả trong và ngoài nước, đặc biệt là những nước đã tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục, nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý khi tiến hành chuyển đổi số trong nhà trường.

Nhiều ngành nghề của CĐN Công nghiệp Hà Nội được đào tạo theo chuẩn quốc tế. Ảnh: Sinh viên nghề Cơ điện tử CĐN Công nghiệp Hà Nội tại xưởng thực hành 

Hiện nay, việc quản trị đào tạo của trường đã được số hóa bằng các phần mềm, theo đó lịch học,lịch thi, thời khóa biểu, mã sinh viên hay các hoạt động của trường, lớp…, sinh viên đều có thể dùng mã sinh viên để tra cứu trực tuyến. Các phòng, ban khác như phòng Tổ chức cũng sử dụng phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm bảo hiểm xã hội; phòng Kế toán cũng đang sử dụng phầm mềm để kết nối với đào tạo để trích xuất dữ liệu để biết những sinh viên không đủ điều kiện dự thi …Có thể nói, tất cả các phòng ban trong trường đều đã được kết nối với nhau bằng phần mềm, không cần đi lại, tương tác trực tiếp nên tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã ký hợp đồng với một trung tâm chuyên phát hành sách, tài liệu tham khảo trình độ cao đẳng để đưa vào vận hành hệ thống thư viện số. Sinh viên ở nhà hay bất cứ đâu cũng có thể truy cập vào thư viện số để tìm kiếm tài liệu học tập.

Nền tảng cơ sở vật chất hiện đại là một trong những yếu tố giúp CĐN Công nghiệp thuận lợi hơn trong việc bắt kịp xu thế chuyển đổi số 

Trong tư vấn tuyển sinh, quảng bá – truyền thông để thu hút đầu vào, nhà trường cũng đã thực hiện hầu hết trên các nền tảng trực tuyến như website, các mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok…, để dễ dàng tiếp cận với các đối tượng học sinh.

Tuy nhiên công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ, giảng viên vẫn là người truyền đạt kiến thức và tạo cảm hứng học tập. Khi dịch Covid-19 mới diễn ra, nhà trường đã triển khai nhiều khóa tập huấn cho tất cả giáo viên để tham gia vào giảng dạy trực tuyến, nhưng khi đó mới chỉ là giảng dạy lý thuyết trực tuyến qua nền tảng Zoom. Còn hiện tại, khi chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, để giảng dạy trực tuyến qua nền tảng E-Learning nhưng giống như trực tiếp, kể cả với mô hình trực quan hay thậm chí là phần cơ khí chính xác, giảng viên sẽ phải xây dựng hệ thống bài giảng số hóa rất phức tạp.

Do đó, nhà trường đã thuê cả đội ngũ chuyên gia để đào tạo chuyên sâu cho giảng viên về công nghệ thông tin, cách khai thác học liệu và xây dựng bài giảng số hóa. Theo dự kiến, trong năm nay, trường sẽ hoàn thành việc xây dựng mẫu hệ thống bài giảng trực tuyến đối với một số ngành nghề để khai thác trên nền tảng E-Learning.

Hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

PV: Được biết hợp tác với doanh nghiệp cũng là một thế mạnh của nhà trường. Bà có thể chia sẻ về lĩnh vực này tại Cao đẳng nghề Công nghiệp?

Bà Phạm Thị Hường: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã có sự hợp tác rất mạnh mẽ  với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như: VinFast, EuroWindown, Samsung, FoxCon Hồng Hải…Hiện có VinFast đang kết hợp với nhà trường để đào tạo song hành cho sinh viên hai nghề Công nghệ ô tô và Cơ điện tử. Ngoài ra, trường cũng đã kết nối với Công ty Daikin để thảo luận về kết hợp đào tạo song hành nghề Điện lạnh. Tập đoàn Viettel cũng nhiều lần gửi công văn muốn tuyển sinh viên của trường sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, ngoài VinFast hiện việc hợp tác với các doanh nghiệp khác mới chỉ dừng lại ở đặt hàng đào tạo.

VinFast là một trong những doanh nghiệp mà CĐN Công nghiệp Hà Nội hợp tác đào tạo song hành ở hai nghề Cơ điện tử và Công nghệ ô tô

Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với doanh nghiệp về mong muốn của nhà trường là hợp tác đào tạo song hành, đồng thời nói rõ quan điểm nhà trường không đòi hỏi chi phí của doanh nghiệp, chỉ cần họ kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp, để sinh viên được tiếp cận, thực hành trên hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại. Vì không phải trường nào cũng có đủ nguồn lực đầu tư hệ thống máy móc thực hành hiện đại, kể cả với Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, dù là một trường có tên tuổi, được đầu tư khá hiện đại, gần như tương đương với doanh nghiệp, nhưng cũng khó có thể đủ hết ở tất cả các ngành nghề.

Nếu doanh nghiệp kết hợp đào tạo, sinh viên sẽ được thực hành trên máy móc hiện đại của doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp vào làm cho chính doanh nghiệp đó, có thể hòa nhập công việc ngay, doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Tuy nhiên, như đã nói các doanh nghiệp vẫn mới chỉ dừng lại ở hợp tác đặt hàng nhà trường đào tạo chứ chưa đào tạo song hành. Tôi nghĩ, thời gian tới nếu nhà nước có thêm những cơ chế mở hơn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi họ tham gia đào tạo chắc chắn sẽ thu hút được nhiều hơn sự đồng hành của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bảo Minh (thực hiện)