20/03/2021 3:17:14

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3:

CĐ Xây dựng Công trình đô thị – Ngôi trường của yêu thương và hạnh phúc

Sau một thời gian ngắn vào trường, các bậc phụ huynh ngỡ ngàng với hình ảnh con em mình cúi gập mình chào thầy, chào cô, giống như ở ngôi trường nào đó của đất nước Nhật Bản. Đó là cách chào hỏi lễ phép, chuẩn mực của học sinh, sinh viên (HSSV) Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị (CUWC, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội). Với giá trị cốt lõi “Kỷ luật là sức mạnh, thành Nhân trước khi thành Tài”, môi trường giáo dục nơi đây được vun đắp mỗi ngày bằng tình yêu thương, sự lan tỏa những giá trị nhân văn giữa thầy và trò để làm nên một “ngôi trường hạnh phúc”.

Một phụ huynh có con đang học tại CĐ Xây dựng Công trình đô thị cho biết: “Tại nơi đây, các em được học tập và rèn luyện tác phong khác biệt so với ở nhà. Đặc biệt, sự hình thành những thói quen, nề nếp sinh hoạt hàng ngày, sự trưởng thành về nhân cách chuyển biến khác hẳn so với những cá tính “ương ương” của lứa tuổi học trò trước đây. Bây giờ, mỗi khi cháu ở trường về, đã có ý thức gọn gàng và rất vui vẻ cùng chia sẻ làm việc nhà với gia đình. Chúng tôi thật hạnh phúc khi gửi gắm các con vào ngôi trường này. Sự sẻ chia và lắng nghe, thấu hiểu giữa Gia đình và Nhà trường, giữa thầy cô và học trò luôn là động lực vun đắp lên những tư duy tích cực trong HSSV”.

Kể từ  khi “kết duyên” với giáo dục nghề nghiệp, Tiến sĩ Bùi Hồng Huế – Hiệu trưởng CĐ Xây dựng Công trình đô thị được nghe rất nhiều những câu chuyện kể của các bậc phụ huynh về con em mình. Mỗi em đều có những mặt mạnh – yếu, có những em chưa thực sự chăm ngoan, thậm chí bướng bỉnh vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly dị, phó mặc cho ông bà..

Thầy Huế cho biết, đặc biệt là với HS hệ song bằng (HS vừa học văn hóa THPT vừa học nghề) những năm trước đây, chất lượng đầu vào còn nhiều hạn chế. Hầu hết các em đều có xuất phát điểm thấp về trình độ văn hóa, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn….

Vài năm gần đây, nhiều em có điểm tốt nghiệp THCS khá cao nhưng vẫn chọn CĐ Xây dựng Công trình đô thị. “Mừng, nhưng cũng trăn trở với mong muốn mang đến cho các em một môi trường giáo dục hoàn thiện cả về nhân cách và nền tảng kiến thức, kỹ năng nghề” – thầy Huế cho biết. Những em HSSV có hoàn cảnh khó khăn, Ban Giám hiệu nhà trường và doanh nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ các em bằng những chương trình học bổng, giúp các em có cơ hội học tập và việc làm bền vững trong tương lai.

Sự “cảm hóa” của môi trường giáo dục nơi đây đến từ sự sẻ chia, lồng ghép tự nhiên trong những chương trình học tập, thăm quan, giao lưu văn hóa, thể thao bổ ích, hoạt động từ thiện chia sẻ với vùng đồng bào miền Trung lũ lụt, tọa đàm “làm chủ tương lai, kỹ năng định hướng nghề nghiệp”…

Trong đó, Học kỳ Quân đội có ý nghĩa thay đổi tư duy của HSSSV, hình thành tác phong và kỷ luật, trung thực với bản thân, thấu hiểu về giá trị của lòng biết ơn với gia đình, nhà trường và xã hội và đặc biệt vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập và cuộc sống. Ở đó, các em được khơi dậy tinh thần đoàn kết trong các hoạt động tập thể, cũng như nhận được những giá trị sống tuyệt vời, trau dồi bản thân mà từ trước đến giờ các em chưa có cơ hội trải nghiệm, nắm bắt.

Hiệu ứng sau các chương trình đó, chính là sự chuyển biến về tư duy, nhận thức của HSSV. Niềm hạnh phúc đong đầy của Thầy và trò, cùng các bậc phụ huynh nơi đây được bắt nguồn từ những điều giản đơn như thế…

Với lịch sử hình thành và phát triển 45 năm, dù trong hoàn cảnh nào, nhà trường luôn phát huy giá trị truyền thống: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Sự tương tác giữa thầy cô và HSSV thân thiện, tuyệt đối nói không với bạo lực. Những tiêu chí về trường học hạnh phúc của CĐ Xây dựng Công trình đô thị chính là đảm bảo những yếu tố an toàn, HSSV và giáo viên cùng lan tỏa tình yêu thương, cùng tôn trọng những ý kiến đề xuất, quyết định chính đáng của nhau.

Với đội ngũ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng hiện đại… đó là điều kiện học tập lý tưởng cho các em HSSV nơi đây. Nhà trường cũng luôn sáng tạo, linh hoạt để đảm bảo cho các học sinh, sinh viên được an toàn mọi lúc, mọi nơi.

Cách đây vài tháng, nhà trường đã xin phép Chi cục Đê điều sửa chữa, thay mới điểm chờ xe buýt trên đê sông Đuống, gần cổng trường bị xuống cấp để đảm bảo an toàn cho HSSV của trường cũng như người dân. Khi nhận được công văn đồng ý của Chi cục Đê điều, thầy trò mừng như được cấp sổ đỏ.

Nữ sinh B.H.Q- lớp 12 A6, vốn là một học sinh khá cá tính, học lực trung bình nhưng chỉ sau thời gian ngắn nhập học, từ học kỳ II lớp 10 đến nay, em đều đạt học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động tập thể. B.H.Q cho biết: “Ở đây chúng em được các thầy cô chia sẻ về kỹ năng sống, giá trị về tình yêu thương khi cho đi và nhận lại. Các hoạt động tập thể luôn mang lại cho chúng em cảm xúc mới lạ, qua đó chúng em có cơ hội được giao lưu, học hỏi và cùng phát triển. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của chúng em”.

Thu Thủy