Với hệ thống đồng bộ các khâu: quản trị số, phòng học số, bài giảng số, học liệu số…, trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi) đang từng bước hình thành một “Trường học số” trong tương lai. Nhờ tích cực chuyển đổi số mà mọi hoạt động của BCi đi vào nề nếp, khoa học, mang lại hiệu quả thiết thực và tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Đó là câu chuyện hào hứng mà Hiệu trưởng Nguyễn Đức Lưu vốn tâm đắc, sớm triển khai để bắt nhịp, chuyển mình cùng cuộc CMCN 4.0 với việc xây dựng và ứng dụng các phương thức đồng bộ trong chuyển đổi số.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục GDNN, UBND tỉnh Bắc Ninh, sự hỗ trợ giúp đỡ của tổ chức GIZ – CHLB Đức đã tạo cho BCi những nền tảng để chuyển đổi số. Sau ba năm triển khai, vượt qua những rào cản khó khăn và thử thách quá trình đến với chuyển đổi số, Thầy Nguyễn Đức Lưu chia sẻ “bí quyết” về hướng đi của nhà trường.
Chuyển đổi số là một việc làm thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng
CMCN 4.0 là xu hướng tất yếu của sự phát triển của xã hội, ở đó luôn có sự đào thải cái cũ, cái lạc hậu. Thay vào đó là cái mới, hiện đại bằng công nghệ thông minh…Tuy nhiên, sự thay đổi đó không hoàn toàn dễ dàng, đặc biệt là đối với tư duy và cách làm việc truyền thống vốn đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người.
Với vai trò là lãnh đạo, Thầy Nguyễn Đức Lưu cho rằng: “Coi chuyển đổi số như một trận đồ nằm trong tay của một nhà chỉ huy quân sự, người lãnh đạo cần quyết tâm bằng mọi cách để đánh bật sức ỳ của thói quen làm việc xưa cũ của đội ngũ. Đồng thời là bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ những kiến thức, kỹ năng công nghệ mới để thích ứng và làm chủ công nghệ”.
Năm đầu tiên khởi xướng chuyển từ phương thức quản trị thường sang quản trị số, cán bộ, giáo viên của nhà trường còn chưa quen, ngại tiếp cận công nghệ, có ý kiến cho rằng: “Lãnh đạo bày việc phức tạp! Cứ làm theo truyền thống cho nhanh!”. Nhưng bắt đầu từ năm thứ hai, rồi đến năm thứ ba thực hiện, cán bộ, giáo viên của nhà trường người đã quen thuộc và vận hành một cách trơn tru, dễ dàng. Đến nay, đa số cán bộ, giảng viên Nhà trường nhận thấy có nhiều tiện ích, ưu việt do chuyển đổi số đem lại trong công việc hằng ngày.
Có thể nói, BCi là một trong những cơ sở GDNN đi tiên phong về chuyển đổi số đồng bộ và toàn diện. Tuy nhiên, theo quan điểm nhận thức của nhà trường: Chuyển đổi số là quá trình thường xuyên, liên tục và không có điểm kết thúc. Trong khi xu hướng số hóa ngày càng tinh vi, hôm nay là thành công, nhưng ngày mai đã trở nên lạc hậu.
Đối với BCi, quá trình thực hiện chuyển đổi số đã cho thấy một số kinh nghiệm, đòi hỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố: từ nền tảng cơ sở vật chất, hạ tầng internet, máy tính…, và cả tư duy chuyển đổi số. Thay đổi tư duy như một “làn gió mới” mà trách nhiệm thuộc về lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không quyết liệt, thì nhân viên vẫn sẽ làm theo nền nếp cũ. Hơn nữa, chuyển đổi số phải đảm bảo tính đồng bộ và không có sự ưu tiên mục nào làm ưu tiên làm trước, làm sau.
Quản trị số – Quản trị công việc minh bạch, khách quan
Chưa cần sử dụng phương pháp bấm dấu vân tay, chưa cần sử dụng camera giám sát, nhưng tất cả công việc của từng lãnh đạo, cán bộ, giáo viên tại BCi đều được vận hành trôi chảy, mọi người làm việc với tinh thần tự giác và có trách nhiệm với công việc chuyên môn của mình. Tất cả điều đó được hiển thị thông qua việc ứng dụng phương thức “Quản trị số”.
Theo đó, trên nền tảng phần mềm, mỗi cán bộ, giáo viên ở mỗi phòng, ban và mỗi khoa đào tạo ngành nghề của nhà trường với chức năng, nhiệm vụ công tác đều báo cáo thời gian biểu thực hiện các công việc hàng ngày cũng như kế hoạch thực hiện các công việc được giao.
Phần mềm “thông minh” có chức năng nhắc nhở với mỗi kế hoạch của cán bộ, giáo viên nhà trường; phần mềm cũng hiển thị kết quả công việc của mỗi người, chẳng hạn: Hoàn thành – báo nền xanh, quá hạn – báo nền đỏ.
Thầy Lưu chỉ rõ trên màn hình: “Với phương thức quản trị này, họp cơ quan cuối tháng, tôi không phải nhận xét nhiều. Ai chưa hoàn thành nhiệm vụ, chậm tiến độ…phần mềm hiển thị trên hệ thống rất chính xác. Bản thân người đó cũng sẽ thấy ái ngại với tập thể, tự mình cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm nhiều hơn nữa và làm đúng kế hoạch. Quan điểm của nhà trường là phân bổ công việc phù hợp, lấy chất lượng và hiệu quả công việc, kỷ cương là hàng đầu.
Quản trị số chính là quản trị con người. Nâng cao tính công khai, minh bạch, khách quan, không thiên kiến, định kiến với bất kỳ ai là việc mà ứng dụng quản trị số đem lại cho BCi”.
Các dữ liệu trong việc quản lý học sinh, sinh viên của nhà trường từ khi nhập học đến quá trình học tập, thực tập tại doanh nghiệp…cũng được update, cập nhật đưa vào phần mềm quản trị số. Vì thế, rất thuận tiện để theo dõi, tra cứu thông tin, khảo sát, đánh giá chất lượng quá trình học tập của học sinh, sinh viên. Phương thức tuyển sinh, đào tạo của nhà trường từ khi dịch Covid-19 cũng được áp dụng chuyển đổi số thông qua hình thức trực tuyến…v.v
Nhờ phương thức quản trị số từ A đến Z, người quản lý bao quát và tìm hiểu sâu được toàn bộ các hoạt động của các phòng, ban, cán bộ công nhân viên, giảng viên. Đồng thời, sự tương tác giữa các phòng ban, cán bộ giáo viên cũng diễn ra thuận lợi và hiệu quả, tiết kiệm được thời gian cho tất cả mọi người.
Tích cực sản xuất “Học liệu số”
Tiếp tục cuộc hành trình trên con đường chuyển đổi số, BCi đang tích cực hướng đến xây dựng “Học liệu số” với bài giảng số, thư viện số vv… Đây là công việc thường xuyên và lâu dài, từng bước xây dựng các chương trình học liệu mở để áp dụng linh hoạt cho các đối tượng học sinh, sinh viên.
Nội dung tài liệu mở gắn với bài giảng thông minh, tài liệu thông minh, với đầy đủ hình ảnh, video bài giảng số với những nội dung tổng quan, chi tiết, thể hiện sinh động của các ngành nghề chuyên môn đang được nhà trường xây dựng.
Với hệ thống học liệu mở này sẽ thay thế việc dùng sách giáo khoa, thay thầy giáo truyền đạt thông qua lớp học. Như vậy, sẽ có những lớp học số, thầy giáo số tích hợp trong đó.
Với phần mềm LMS được thiết kế sẽ giúp cho giáo viên giảng dạy tương tác được với học sinh được nhiều hơn. Ngay cả khi không có giáo viên dạy trực tiếp, phần mềm bài giảng số sẽ được ứng dụng, học sinh, sinh viên có thể tự học.
Trong quá học gặp vướng mắc, chưa hiểu hoàn toàn tương tác với giáo viên thông qua tin nhắn hoặc bình luận công khai để người khác cùng hiểu thêm vấn đề. Bài giảng số tích hợp sẽ có hiều mô-đun tích hợp thành chương trình “ đào tạo nghề số”.
Thêm một phương thức trong chuyển đổi số được nhà trường tính đến, đó là xây dựng phần mềm với các bài giảng mô phỏng thực hành. Với bài giảng này sẽ rất phù hợp với nhiều học sinh, sinh viên không chính quy, khi các em vừa phải đi làm, vừa phải học. Phần học liệu mô phỏng thực hành ảo trên nền tảng số thông minh giúp người học linh hoạt được thời gian của mình, tiết kiệm được từ 30% đến 50%, thậm chí là 70% thời gian các em đến trường.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không thể thay thế hoàn toàn, bởi học nghề là phải gắn với thực hành trực tiếp, sản xuất trực tiếp. Vì vậy, người học sẽ được đến xưởng thực hành của trường trực tiếp thực hành trên các thiết bị máy móc được dễ dàng.
Thu Thủy