Đối với cải cách chính sách tiền lương, nếu nhà nước “không có tiền phải đi vay, chứ không phải thu được bao nhiêu chi cho tăng lương bấy nhiêu. Tiền lương phải được coi là đầu tư phát triển. Đầu tư cho con người là đầu tư số một”.
Tiền lương thấp, nhiều giáo viên bỏ việc, địa phương không tuyển được người
Tiền lương thấp, người hưởng lương ngân sách chưa lo được cuộc sống. Họ phải “chân trong, chân ngoài”, làm thêm đủ kiểu để trang trải cuộc sống. Đặc biệt, với nghề giáo – nghề được coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý – các thầy cô giáo đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của công việc nhưng chế độ thu nhập chưa tương xứng, nhất là giáo viên mầm non.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho hay, tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh miền xuôi đã khó, miền núi còn khó khăn hơn nhiều.
Hiện nay, địa phương thiếu nhất là giáo viên mầm non; giáo viên tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Lý do là không có nguồn để tuyển dụng. Vừa qua, tỉnh Lai Châu cần tuyển gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 người.
Trong khi đó, hàng năm, số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều. Ngoài lý do thu nhập thấp, áp lực yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, thì với tỉnh miền núi, điều kiện cuộc sống vùng sâu, vùng xa càng khiến nhiều giáo viên nản chí.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong 2,5 năm qua, hơn 16.000 giáo viên, trong đó 40% là giáo viên mầm non, bỏ việc. Nguyên do chính là áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai phát triển của đất nước. Từ năm 2006 đến nay, đã gần 17 năm và qua nhiều lần tăng lương cơ sở nhưng chính sách ưu đãi phụ cấp cho nhà giáo chưa được xem xét sửa đổi.
Ngành giáo dục với một đội ngũ hùng hậu hơn 1,2 triệu giáo viên (trên tổng số hơn 1,7 triệu viên chức của cả nước) và những năm qua, gần như kỳ họp nào của Quốc hội cũng “nóng” về vấn đề chế độ, chính sách liên quan đến nhà giáo. Đòi hỏi phải xây dựng Luật Nhà giáo đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét.
Trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cấp có thẩm quyền cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, để các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp trồng người.
Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, sự thành bại của đổi mới giáo dục có vai trò quyết định là ở nhà giáo. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất, trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
Nghề đặc biệt, chưa được đãi ngộ đặc biệt
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, y đức, cần được tuyển chọn đào tạo, cần có đãi ngộ đặc biệt.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua đã có trên 12.000 cán bộ y tế rời khu vực y tế công lập. Quá tải, thiếu thuốc, kiệt sức… là những điều mà nhân viên y tế phải trải qua, trong khi thu nhập không tương xứng.
Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ rõ, cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc có nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế công lập thấp, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế nào để giữ chân cán bộ.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, thầy thuốc chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng vấn đề cải cách tiền lương của chúng ta chưa làm đến nơi, đến chốn. Ngành y tế là ngành đặc thù, đào tạo dài, học để trở thành nghề bác sĩ mất gần chục năm, nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính – những nghề đào tạo thời gian ngắn. Đó là điểm bất hợp lý.
“Y tế là ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan điểm của tôi là phải điều chỉnh phụ cấp cho ngành y tế càng sớm càng tốt trong thời điểm này. Đó là việc trước mắt, về lâu dài, phải cải cách tổng thể chính sách tiền lương của ngành y tế”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định tăng phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%. Điều này cũng phần nào “an ủi” lực lượng này. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong rất nhiều giải pháp, cần triển khai để bảo đảm mức lương, phụ cấp thỏa đáng cho nhân viên ngành y tế. Ngoài chính sách lương, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu; xây dựng thông tư về cơ chế xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập.
Với cơ chế tự chủ này, các bệnh viện sẽ có điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân viên y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường. Chỉ khi giải quyết được các vấn đề cốt lõi này thì mới bảo đảm chế độ cho y bác sĩ.
Tiền lương phải đủ để tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo cho gia đình
Liên quan đến chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức cần theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.
“Nếu không như vậy thì việc vượt thu ngân sách, hay tăng GDP bình quân đầu người cũng như các thành tựu khác sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Trước khi nghỉ hưu, ông Lê Vĩnh Tân (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cũng khẳng định rằng, phải kiên quyết thực hiện cho được các chế độ tiền lương mới, vì có như thế mới tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Mặt khác, theo các chuyên gia, cần phải có chính sách tiền lương phù hợp mới thu hút, giữ được chân những người tài, những người có năng lực, người thực sự có tâm huyết ở khu vực công.
Minh chứng là mới đây, Sở Nội vụ TPHCM báo cáo kết quả thực hiện chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ), cho thấy, từ năm 2018 đến nay, TPHCM chưa thu hút được trường hợp nào sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Nguyên nhân chính của việc không tuyển được sinh viên xuất sắc nào trong 5 năm qua là do chính sách thu nhập, đãi ngộ khu vực công thấp và phải cạnh tranh trực tiếp với khu vực tư nhân.
Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, tình trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực khu vực công mà Bộ Nội vụ cần quan tâm tham mưu giải quyết trước mắt và lâu dài.
Tiền lương phải được coi là đầu tư phát triển
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước giờ, chúng ta khó thực hiện công tác cải cách chính sách tiền lương, bởi tiền lương luôn phải phụ thuộc vào ngân sách.
“Nhưng tôi quan điểm, Nhà nước không có tiền phải đi vay, chứ không phải thu được bao nhiêu chi cho tăng lương bấy nhiêu. Tiền lương phải được coi là đầu tư phát triển. Đầu tư cho con người là đầu tư số một”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Người hưởng lương được đảm bảo về vật chất thì họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều và chắc chắn, sự đóng góp của họ đối với những vấn đề phát triển của đất nước sẽ không chỉ gấp đôi, gấp ba, mà còn gấp bội phần.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, tiền lương hiện nay còn rất vô lý ở chỗ cào bằng. Ví dụ trong ngạch chuyên viên, có chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên cũng chưa hẳn chính xác, hay trong sử dụng người tài cũng chưa tới.
“Vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM, cho phép TPHCM trả lương cao hơn, nhưng đó mới chỉ là tăng lương cao hơn một chút, chứ không đủ sức thu hút nhân tài. Tiền lương hiện nay vừa không đúng bản chất của tiền lương, vừa không đảm bảo công bằng về thang, bậc, sự đóng góp đúng năng lực và có thể phá vỡ hệ thống tiền lương”, ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chỉ ra.
Tiền lương: Dứt khoát không thể cào bằng
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tiền lương dứt khoát không thể cào bằng, mà cần “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, phải theo vị trí việc làm.
Mỗi vị trí việc làm phải xác định rõ nội dung của việc làm đó bao gồm những gì, từ đó tính ra lượng tiêu hao, sức lao động, đóng góp trên cả sức lao động, tiêu hao; đồng thời cần phải phân biệt rất rõ lương của người tài, người giỏi.
Cũng về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành nội vụ cho rằng, cần có giải pháp căn cơ hơn để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dựa trên nguyên tắc đảm bảo thực hiện đúng vị trí việc làm và khung năng lực. Ví dụ, đơn vị có 10 người thì chỉ cần 1 vụ trưởng, 2 vụ phó là chuyên viên cao cấp; 3 chuyên viên chính và 4 chuyên viên là đủ.
Bởi thực tế, nhiều đơn vị ngoài lãnh đạo là chuyên viên cao cấp thì còn có nhiều người là chuyên viên chính, thậm chí không giữ chức vụ cũng là chuyên viên cao cấp vì họ đủ tiêu chuẩn, rồi cơ quan cử đi học, từ đó làm phát sinh lương không cần thiết, không đúng với danh mục vị trí việc làm…
Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, phát triển và thịnh vượng vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, thì yếu tố con người là quan trọng nhất, là then chốt của then chốt. Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển. Bài toán cải cách chính sách tiền lương phải cấp bách giải quyết.
Theo SGGP