Đến thời điểm hiện tại, trong khi phần lớn các trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu chuẩn bị năm học mới thì nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp vẫn “đứng ngồi không yên” do thiếu chỉ tiêu trầm trọng.
Quyết định 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, 40 đến 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030, mục tiêu này tăng lên là 50 đến 55%. Sau khi Quyết định được ban hành, các địa phương đã có kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Thế nhưng, trên con đường đạt được chỉ số như trên, các trường dạy nghề còn gặp rất nhiều thách thức. Ngay cả với những trường được đánh giá là phát triển tốt, cũng vướng phải khó khăn, áp lực, đặc biệt trong công tác tuyển sinh.
Tuyển sinh: Ngành quá tải, ngành hóng thí sinh đăng ký
Việc thí sinh đổ dồn vào chọn ngành “hot” trong xã hội hiện nay, cho thấy nhiều em đang chạy theo tâm lý đám đông. Bởi không ít học sinh thiếu định hướng, mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Thậm chí, đến năm lớp 12, các em mới bắt đầu mơ hồ lựa chọn ngành nghề theo sự gợi ý của gia đình, thầy cô, bạn bè.
Hơn nữa, việc chọn ngành học dựa vào độ “hot” rất bất lợi cho các thí sinh. Bởi khi vào trường, có thể ngành các em chọn đang là xu thế, sau bốn, năm năm ra trường, ngành đã “hạ nhiệt”, mức độ tuyển dụng nhân lực vì vậy cũng sẽ ít đi, giảm cơ hội tìm được việc làm tốt cho các em.
Đặc biệt, các ngành càng “nóng”, lại càng có nhiều người theo học, dẫn đến việc một thị trường lao động “đông đúc”, buộc những người học phải cạnh tranh với nhau để có được vị trí công việc tốt nhất.
Ngoài ra, thời điểm hiện nay, các học sinh có nhu cầu học đại học được thi tuyển hoặc xét tuyển vào hơn 200 trường đại học, học viện, trải dài từ Bắc vào Nam.
Các trường đại học, học viện này sẽ tiếp nhận thí sinh thuộc nhiều phân khúc. Trong đó, ngay cả với thí sinh đạt 14, 15 điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đã có thể đỗ đại học. Có ngành, trường chỉ xét học bạ với những tiêu chí nhẹ nhàng – chỉ cần đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này làm các thí sinh có quá nhiều thông tin khiến các em bối rối, không thể xử lý thông tin để đưa ra lựa chọn ngành học một cách đúng đắn nhất.
Chuyên gia nói gì về việc chạy đua vào nghề “hot”
TS Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Theo thống kê hơn 80% học sinh, sinh viên tham gia giáo dục nghề nghiệp đều có việc làm trong ngành của mình, thậm chí tỷ lệ này lên tới 100% đối với một số ngành nghề”.
Hiện nay, nhà tuyển dụng đặt mức yêu cầu cao hơn đối với ứng viên, không chỉ trong việc sở hữu kiến thức mà còn trong trình độ chuyên môn. Điều này dẫn đến thực tế, số lượng người sở hữu bằng cử nhân đang gặp khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ thiếu chính sách hỗ trợ đến nhận thức của cộng đồng vẫn chưa đầy đủ, cũng như hướng đào tạo không phù hợp với việc phát triển năng lực của học sinh và sinh viên.
Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản – Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM từng chia sẻ với báo chí, hiện có rất nhiều ngành nghề và các trường đào tạo khác nhau, nhưng không phải thí sinh nào cũng có hiểu biết đầy đủ về ngành nghề đó trước khi đăng ký xét tuyển. Việc thí sinh đăng ký vào các ngành “hot” là rất cảm tính, không chuẩn xác.
Cụ thể, mong muốn được đỗ vào ngành đang là xu thế trong xã hội, nhiều thí sinh không xét đến năng lực, sở trường của bản thân, mà bất chấp đăng ký vào những ngành này. Dẫn đến việc các em thất vọng sau khi theo học trong trường. Như có không ít sinh viên đại học dù đỗ vào những trường tốp đầu, sau khi học, các em cũng không hiểu mục đích của ngành học. Thậm chí nhiều học viên phát hiện ra bản thân không hợp ngành, buộc họ phải thôi học, bảo lưu kết quả để thi lại vào một ngôi trường phù hợp hơn. Đây là thực trạng đángbuồn đang diễn ra trong rất nhiều năm qua!
Điều đó cho thấy, việc chọn nghề nghiệp không thể chỉ phụ thuộc vào độ “nóng” của ngành nghề, mà hơn cả đó là năng lực của mỗi cá nhân. Vì vậy, thí sinh cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường, khả năng của các em, sau đó mới là xu hướng xã hội, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Bởi nếu một ngành nghề không cho các em phát huy được hết thế mạnh của mình, mà chỉ là một nghề dễ kiếm việc, có thu nhập tốt, thì hoàn toàn có thể khiến các em “yếu thế” hơn khi bước vào thị trường lao động trong tương lai.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội GDNN TP – ông Lâm Văn Quản cho rằng, cuộc thi, sân chơi dành cho những môn văn hóa nở rộ, thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi đó được tung hô, tặng thưởng, khuyến khích nhiều. Trong khi các sân chơi dành cho đối tượng học nghề còn ít, chưa được quan tâm đúng mức, khiến nhiều bậc phụ huynh không nhận thức được vai trò của giáo dục nghề nghiệp.
Tiêu chí chọn trường học nghề của thí sinh hiện nay
1/ Tiêu chí đầu tiên của các ứng viên học nghề tìm hiểu phải là trường đào tạo đa hệ và đa ngành nghề với nhiều chương trình đào tạo cho hệ cao đẳng, trung cấp. Các chương trình đào tạo đều hướng tới mục tiêu giúp HS-SV có cơ hội được tiếp cận và nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay và trong tương lai.
2/ Tiêu chí tiếp theo là những ngành nghề liên quan đến Internet, thiết bị công nghệ, mạng xã hội vì các bạn lớn lên cùng với công nghệ. Thực tế có thể thấy, hàng loạt nghề nghiệp mới xuất hiện như Content Creator, Streamer, YouTuber, Fashionista,… Đặc điểm chung của các ngành này đều đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén trong việc nắm bắt các “trend”. Môi trường làm việc năng động, dễ dàng kết nối mọi người nhờ công nghệ sẽ tạo điều kiện cho các bạn phát triển sự nghiệp sau này.
3/ Môi trường học tập hiện đại, thu hút sinh viên – điều này rất quan trọng vì việc nhanh chóng hoà nhập với cách mạng 4.0 giúp thế hệ Z thực sự trở thành công dân toàn cầu. Vì vậy mà việc tìm kiếm sự đa dạng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là ở nơi học tập luôn được ưu tiên hàng đầu. Môi trường mang tính trẻ trung, hiện đại, khơi gợi sáng tạo sẽ được thế hệ trẻ quan tâm, lựa chọn cho nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, không gian mở lại càng khuyến khích sự kết nối giúp các bạn càng phát huy bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính của bản thân.
4/ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ, hợp tác quốc tế sâu rộng,qua đó phát triển kỹ năng hội nhập, nâng cao tay nghề chuyên môn (đặc biệt là các ngành kỹ thuật) hướng đến rộng mở cơ hội việc làm cho sinh viên theo nghề sau khi ra trường. Giải quyết nhu cầu ra trường là có việc làm với thu nhập ổn định cho các học viên.
Thời gian vừa qua, có nhiều thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT rất cao, đủ điều kiện học trường đại học top trên, nhưng vẫn chọn học cao đẳng bởi nhiều lí do: Rút ngắn thời gian học tập, chi phí được nhà nước hỗ trợ, cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp,… Quan trọng nhất là sự đánh giá, ghi nhận của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng hiện nay mà minh chứng rõ nhất là sinh viên đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, có vị trí, cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường.
Quang Trung