07/04/2024 6:22:40

Giáo dục nghề nghiệp: Đón cơ hội từ ngành công nghiệp bán dẫn

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Tuy nhiên, thị trường lao động về lĩnh vực này mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng. Do đó, thách lớn nhất là làm sao thu hút được người học và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.

Hợp lực cùng các tập đoàn lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 – 10.000 kỹ sư/năm.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử – bán dẫn – vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, có thể thấy xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu.

Về xu hướng đầu tư nước ngoài và nhu cầu nguồn nhân lực, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.

Trong số các “ông lớn” bán dẫn trên thế giới có một số chương trình hợp tác với Việt Nam phải nhắc tới như Tập đoàn Siemens. Ngoài tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất cho Việt Nam thì tập đoàn này sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử bán dẫn.

Tập đoàn chip Synopsys đã hỗ trợ thành lập một trung tâm NIC ươm tạo thiết kế chip tại cơ sở Hòa Lạc. Trung tâm này bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Theo đó, Synopsys cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên cho NIC, giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

NIC cũng đã ký biên bản ghi nhớ với “ông lớn” vi mạch Mỹ Cadence về triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; sau đó khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ.

Xác định đúng và trúng hướng đi

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm (phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế: 3.000 x 5 năm + 5.000 = 20.000), trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

Trong bối cảnh đặt ra, cơ hội cho ngành giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng là rất lớn. Theo tìm hiểu, hiện nhiều trường đại học trên cả nước đã có kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn trong thời gian tới. Ghi nhận cho thấy, mở ngành vi mạch, bán dẫn hoặc tách chương trình thành một chuyên ngành riêng từ các ngành gần như Điện – Điện tử, Điện tử – Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Vật lý Kỹ thuật… đang trở thành xu hướng của các cơ sở đào tạo trong mùa tuyển sinh năm 2024.

TS Hà Thúc Viên – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Việt Đức nhận định, để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường, việc mở rộng và đa dạng hóa chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo là một bước đi quan trọng và cần thiết, phản ánh sự nhạy bén trong việc thích ứng với biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Sự mở rộng này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức chuyên sâu và cập nhật, mà còn cung cấp kỹ năng thực tiễn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng. Tuy nhiên, TS Hà Thúc Viên cho rằng, việc mở rộng này đòi hỏi một quá trình lập kế hoạch cẩn thận và chiến lược, nhằm tránh tạo ra sự dư thừa nguồn cung không phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.

Cùng với hệ thống giáo dục đại học, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đã vào cuộc và có sự chuẩn bị từ trước. PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: “Hiện chúng tôi đã bắt đầu triển khai ở một số trường được đầu tư về phát triển công nghệ cao, trong đó có lợi thế về thiết bị, nhà giáo, về chương trình đào tạo… đã sẵn sàng có thể đồng loạt triển khai đào tạo, xây dựng các hướng để đào tạo nguồn nhân lực này. Tất nhiên, đây là bài toán lâu dài, không thể chỉ 1, 2 năm có thể hoàn thành mà cần sự đầu tư lâu dài, bài bản”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần có sự chuẩn bị sát nhất về đội ngũ nhà giáo. Các chương trình đào tạo cũng phải thực sự bám sát nhu cầu của thị trường. Không thể đặt ra yêu cầu quá vĩ mô mà phải xác định rõ sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực ra sao, con người thế nào để có sự chuẩn bị phù hợp. Đương nhiên có nhiều phân khúc thị trường song các trường phải xác định cho đúng, trúng hướng đi của mình để từ đó có được bước phát triển cho phù hợp. Đồng thời phải có sự đầu tư rất cẩn trọng và thường xuyên cập nhật, thay đổi để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.

“Giáo dục nghề nghiệp hiện đang có rất nhiều cơ hội phát triển. Trong đó 3 thế mạnh vượt trội, bao gồm: tạo ra những lao động trực tiếp, đáp ứng ngày càng linh hoạt, thường xuyên của thị trường lao động đang ngày càng được quan tâm, chú trọng phát triển.

Các chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch mạng lưới các trường, các nghị quyết, chỉ thị đều nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của thị trường. Nhận thức của xã hội về việc học nghề cũng đang dần thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Nguyễn Anh Quân