21/04/2022 3:22:03

Bến Tre: Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm 2022

Ngày 20/4 UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm 2022 với mong muốn nâng cao ý thức về phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, để không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy, hoàn thiện nhân cách con người, góp phần xây dựng văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững trong thời đại mới.

Các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay của tỉnh Bến Tre diễn ra khá phong phú với chuỗi các hoạt động xoay quanh chủ đề “ Sách và Văn hóa đọc” như: Liên hoan xếp sách nghệ thuật và trưng bày không gian sách; Sinh hoạt chuyên đề “ Thanh niên với Văn hóa đọc”; Trưng bày tư liệu bản đồ về “ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; Tọa đàm về thân thế, sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm văn học gắn với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng; giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; Giới thiệu tác giả tác phẩm: Tác giả Võ Thành Hạo và tập thơ “Khúc tự tình của dòng sông”; Trưng bày, triển lãm, phục vụ tài liệu “ Dự án Sách cho tương lai”; Ngày hội công nghệ STEM và cuộc thi robocon…

Phát biểu tại buổi lễ, Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre cho biết: “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 là một sự kiện ý nghĩa, được đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung quan tâm, chờ đón hàng năm.

Cá nhân tôi sẽ tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa các hoạt động của chuỗi sự kiện. Qua đó, cùng với chính quyền và các đoàn thể giúp cho cộng đồng hiểu được tầm quan trọng của sách và phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tham gia tích cực các hoạt động diễn ra trong tuần lễ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 để thật sự hiểu được các giá trị và thông tin mà chuỗi sự kiện truyền tải. Thông qua chuỗi hoạt động này cũng là cơ hội để bản thân tôi tiếp tục học tập và đón nhận những kiến thức bổ ích mới.”

“Riêng bản thân tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy thói quen đọc sách thường xuyên gắn liền với thực hành tốt kỹ năng đọc trong học tập và làm việc. Đồng thời lan tỏa thói quen đọc sách cho bạn bè, người thân trong gia đình. Sẵn sàng tham gia và vận động bạn bè tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.”, bà Hồng Nhung chia sẻ thêm.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nền tảng tinh thần của xã hội.

Trên nền tảng đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nhân tố quan trọng. Trong thời gian qua các thiết chế về văn hóa đọc đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và đến nay đã phát triển thành một hệ thống rộng khắp trong toàn tỉnh.

Cùng với việc duy trì và phát triển văn hóa đọc truyền thống, ngày nay sự xuất hiện văn hóa đọc trên không gian Internet cũng đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng thông tin, tri thức khổng lồ đến với đông đảo người đọc. Có thể nói trong xu thế hội nhập phát triển, văn hóa đọc có sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt qua biên giới quốc gia, lãnh thổ, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Đó là sự dung nạp giữa cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn,… tạo ra những thay đổi lớn trong tư duy, nhận thức và hành động thực tiễn của con người hôm nay.

Nó hiển hiện ngay trong đời sống xã hội với rất nhiều góc cạnh cần được phân tích rõ để có thái độ sống đúng đắn hơn. Vì vậy, việc tôn vinh văn hóa đọc là trách nhiệm của mỗi người dân toàn xã hội.

Xu thế toàn cầu hóa, phát triển và hội nhập với thế giới ngày nay cho thấy dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, thì sách vẫn không thể mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó.

Gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người. Do đó, việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm chính là nhằm mục đích xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng tốt Ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm, mà ngay cả trong những ngày bình thường khác, dù bận rộn với công việc, với cuộc mưu sinh, mỗi người hãy dành thời gian thích hợp để đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách để làm giàu thêm tri thức của mình từ nguồn tri thức vô tận của nhân loại, phục vụ đắc lực cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội,… góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước phồn vinh.

Quang Trung