Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương cùng với hỗ trợ của 2 doanh nghiệp lớn trên địa bàn là Viễn thông Bến Tre và Viettel Bến Tre, công tác chuyển đổi số của tỉnh Bến Tre đã đạt được những kết quả tích cực.
Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre đã tổ chức khóa tập huấn chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; phối hợp với FPT tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến cho lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, các phòng ban chuyên môn của huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Việc xây dựng triển khai các hệ thống, nền tảng công nghệ đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tăng cường kênh tương tác giữa chính quyền và người dân.
Về Chính quyền số
UBND các huyện đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên hộp thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Thành lập Ban biên tập cổng thông tin điện tử nhằm hỗ trợ các xã, thị trấn đã thành lập trang thông tin điện tử. Xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong Ban biên tập để vận hành cổng thông tin điện tử. Trang bị cho các xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm kịp thời chuyển tải những thông tin của Đảng, Nhà nước đến tận vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.
Chủ động thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trung tâm điều hành thông minh IOC (hệ thống phản ánh hiện trường được hình thành) góp phần trong việc chỉ đạo điều hành trong hoạt động quản lý nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại.
Hạ tầng mạng, thiết bị CNTT đã được tối ưu, tái cấu trúc đảm bảo chất lượng, đã triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, thiết bị đảm bảo an toàn thông tin. Đài truyền thanh đã áp dụng công nghệ chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI. Hệ thống camera đã được tăng cường, đã cải thiện, tình trạng trộm cắp tài sản, mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bước đầu ghi nhận các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến được thực hiện thường xuyên, thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và hệ thống một cửa điện tử từ tỉnh đến cấp xã từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Việc xây dựng triển khai các hệ thống, nền tảng công nghệ tại Trung tâm Điều hành thông minh đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tăng cường kênh tương tác giữa chính quyền và người dân.
Về Kinh tế số
Tuyên truyền các chủ trương chính sách về chuyển đổi số thông qua tổ chức hội nghị triển khai trực tiếp và trực tuyến, thông qua các cuộc họp tổ nhân dân tự quản hàng tháng ở cơ sở, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; ngoài ra còn tuyên truyền cổ động trực quan thông qua việc đầu tư xây dựng các cụm pano, băng rol, tờ rơi tuyên truyền nội dung về chuyển đổi số. Qua đó đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về kiến thức chuyển đổi số để nâng dần sự hưởng ứng thực hiện.
Cụ thể, tổ chức các lớp tập huấn cho 117 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên kiến thức về TMĐT, bán hàng trên TMĐT; Tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cho 167 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc và tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm cho hơn các doanh nghiệp; Triển khai xây dựng mỗi hộ gia đình có 1 điện thoại thông minh và internet, mỗi doanh nghiệp có 1 đường Internet đã truyền thông chính sách ưu đãi (Viettel Bến Tre thực hiện trên địa bàn 05 xã thực hiện thí điểm).
Xây dựng hoàn thành phần mềm số hóa và quản lý 04 loại cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành (dừa, bưởi, chôm chôm và sầu riêng); Tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; lựa chọn 02 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Bình Đại để hỗ trợ têm truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP: Công ty Mật ông Tín Phát và công ty Anfoods.
Về Xã hội số
Đưa vào vận hành hệ thống camera sử dụng công nghệ IA và thực hiện tích hợp các camera an ninh trên địa bàn để giám sát tập trung và map trên bản đồ hình chính tại các điểm đông dân cư để giám sát kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an ninh. Hoàn thành việc số hóa đài phát thanh với hơn 25 cụm loa thông minh.
Đã triển khai ứng dụng các phần mềm CNTT trong hệ sinh thái giáo dục; Mở rộng và nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử Phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc; cầu truyền hình, dạy học trực tuyến (sưu tầm, khuyến khích tự làm bài dạy trực tuyến theo từng bậc học); Triển khai hệ thống cáp quang đến tất cả điểm trường.
Tiến hành kế nối teleheath cho 5 trạm y tế (Tân Thạch, Phú Đức, Tiên Thủy, Tường Đa, Giao Long) sẵn kết nối hội chuẩn và khám chữa bệnh lên tuyến bệnh viện huyện, trung ương; Triển khai hệ thống tiêm chủng mở rộng nhắn tin nhắc lịch tiêm cho trẻ em; Triển khai hệ thống quản lý nhà thuốc cho 15 nhà thuốc chưa sử dụng phần mềm quản lý theo quy định của bộ trên địa bàn huyện Châu Thành. Khởi tạo cổng thông tin hồ sơ sức khỏe và ứng dụng trên thiết bị di động trên hai nền tảng Android và IOS, thực hiện tích hợp, kết nối số liệu tử các phần mềm khám chữa bệnh tại các Trạm y tế liên thông với Cổng hồ sơ sức khỏe đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe của người dân; Đã triển khai thực hiện hệ thống bắt số tự động tại Trung tâm y tế huyện Bình Đại.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức tập huấn cho cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm di tích lịch sử trên địa bàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh nhằm tuyên truyền, quảng cáo hình ảnh du lịch của địa phương đến với tất cả mọi người dân trong và ngoài tỉnh. Xây dựng phần mềm quản lý các điểm du lịch chạy trên nền Web, số hóa các điểm du lịch trên nền bản đồ 2D, xây dựng mô hình 3D,…
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, hỗ trợ của các Sở, ban, ngành tỉnh công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là sự hỗ trợ của 02 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh là Viễn thông Bến Tre và Viettel Bến Tre. Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, điển hình như việc chuyển đổi số là vấn đề mới, do đó một số cơ quan, đơn vị, địa phương bước đầu triển khai còn lúng túng; xây dựng, ban hành nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của đơn vị còn chung chung, chưa rõ việc, rõ người. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức tham mưu về công tác chuyển đổi số chưa đồng đều.
Nguồn kinh phí bố trí triển khai thực hiện chuyển đổi số mặc dù đã được quan tâm nhưng còn hạn chế, nhất là kinh phí đầu tư triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ trang, thiết bị phục vụ chuyên môn; xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm ứng dụng.
Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công còn hạn chế; chậm thay đổi thói quen đến trực tiếp các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính; còn e ngại mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do đó hiệu quả dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Quang Trung