Biểu tình “Tôi không thể thở” liên quan đến cái chết của George Floyd nhắc nhở rằng bạo loạn là một phần trong lịch sử biểu tình tại Mỹ, theo chuyên gia.
Bạo loạn mang tính lịch sử
Bạo loạn nổ ra ở Minneapolis cùng hàng chục thị trấn và thành phố ở Mỹ gây ra tình trạng đáng báo động cho cả cư dân địa phương lẫn cả nước. Biểu tình khởi phát từ hành động ghì cổ đến chết của cảnh sát với George Floyd, một trong danh sách dài người da màu bị dân da trắng sát hại.
Theo Kathleen Burk, giáo sư danh dự về lịch sử đương đại, University College London, Anh, bạo loạn vốn là một phần trong lịch sử biểu tình diện rộng chống bạo lực, phân biệt đối xử, chiến tranh, nhà ở, nghèo đói và thất nghiệp. Ngay từ thời kỳ Cách mạng Mỹ, giới tinh hoa chính trị từng sợ mất quyền kiểm soát vì tập hợp họ gọi là “đám đông hỗn tạp”.
Những người Mỹ lớn tuổi hồi tưởng lại thập niên 1960, thời kỳ liên tục diễn ra đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và các cộng đồng dân cư.
Không phải vụ đụng độ nào cũng liên quan đến vấn đề chủng tộc. Thời kỳ này diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, chủ yếu do sinh viên đại học tổ chức, dù người lớn tuổi cũng tham dự. Họ xuống đường tuần hành ở hàng chục thành phố và hô vang: “Này, Lyndon B. Johnson, hôm nay ông giết bao nhiêu đứa trẻ thế?” Tháng 8/1968, Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Dân chủ tại Chicago đề cử Phó chủ tịch Lyndon Johnson làm ứng viên tổng thống. Đụng độ giữa hàng nghìn sinh viên và cảnh sát nổ ra tại một công viên gần đó. Toàn bộ sự kiện được phát trên truyền hình.
Tuy nhiên, điều để lại ký ức mạnh nhất là các cuộc bạo loạn vì lý do chủng tộc. Cảnh sát hành động quyết liệt trong khi người chống bạo lực chủng tộc cũng phản ứng dữ dội không kém.
Hàng trăm sự cố lớn nhỏ xảy ra trong thập niên 1960. Tuy nhiên, năm 1967 chứng kiến đợt bùng nổ bạo loạn được gọi là “Mùa hè nóng 1967” với 159 vụ bạo loạn kéo dài suốt ba tháng.
Mục sư và nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát ngày 4/4/1968 gây ra gần 10 cuộc bạo loạn lớn, đẫm máu và bùng cháy trên toàn quốc trong 10 ngày sau đó. Các cuộc bạo loạn đáng chú ý nhất khi đó diễn ra tại New York, thủ đô Washington, Chicago và Detroit.
Thông qua truyền hình, bạo loạn châm ngòi cho các cuộc bạo loạn khác, gây hoang mang và làm bùng phát vụ đụng độ giữa những kẻ quá khích và cảnh sát từ thành phố này sang thành phố khác. Chuỗi bạo loạn tồi tệ nhất có lẽ diễn ra tại Los Angeles năm 1992.
Rodney King, một công nhân xây dựng da màu, bị 4 cảnh sát đánh đập trong 15 phút. Sự việc được ghi hình và phát trên truyền hình. Năm 1993, nhóm cảnh sát được tuyên trắng án trước cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức. Ba tiếng sau, bạo loạn nổ ra và kéo ra trong 5 ngày. 50 người chết, lệnh giới nghiêm từ hoàng hôn hôm trước đến bình minh hôm sau được ban hành. Dịch vụ bưu điện bị ngưng, nhiều người phải nghỉ học hoặc nghỉ làm.
Bạo loạn ở Mỹ cho tới nay không khốc liệt như năm 1967, 1968 hay 1992. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn như cũ, đặc biệt do hành động dùng vũ lực quá mức của cảnh sát nhằm vào người da màu và hành vi đó hiếm khi hoặc thậm chí không bao giờ bị trừng phạt.
Các cuộc biểu tình bùng phát tại Minneapolis trong bối cảnh nền kinh tế đang tụt dốc vì Covid-19. Dân địa phương hoang mang không biết liệu nCoV có đang âm thầm tấn công họ và nếu điều đó xảy ra, họ phải làm gì.
Lửa giận bùng phát bắt nguồn từ cái chết đau đớn và công khai của George Floyd. Nhưng bất an về việc làm, lo lắng về khả năng chi trả thực phẩm, nhà ở hay bác sĩ khi bị ốm đau của dân chúng càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Các cuộc nổi loạn hiện nay còn có thêm công cụ: truyền thông xã hội. Mọi người lập tức biết chuyện xảy ra với George Floyd vì một người ngoài cuộc đã quay video và đăng lên mạng xã hội.
Phản đối rộng rãi của công chúng với chiến tranh Việt Nam là phản ứng với hình ảnh trên bản tin lúc 18h. Tuy nhiên, truyền hình hiện nay phải chạy theo mạng xã hội để tìm hiểu và đưa tin về những chuyện đã xảy ra.
Điều gì đang xảy ra?
New York ban bố lệnh giới nghiêm vào tối 1/6, nhưng không thể ngăn được tình trạng cướp phá, hôi của. Nhiều người bị bắt giữ ở trung tâm thương mại Macy’s lâu đời trên Phố 34.
Thành phố New York ra lệnh giới nghiêm từ 23h đến 5h hôm sau, giống nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ sau nhiều ngày biểu tình bạo loạn vụ cảnh sát da trắng đè chết người da đen ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.
Nhưng do tình hình hỗn loạn, Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố trên Twitter rằng lệnh giới nghiêm sẽ được đẩy sớm lên vào ngày hôm sau 2/6, tức bắt đầu lúc 20h, theo AP.
Tối 1/6, khi chuẩn bị đến giờ giới nghiêm, nhiều nhóm người biểu tình vẫn diễu hành qua Manhattan và Brooklyn, và có những nhóm người biểu tình đang đập phá cửa hiệu và lấy hàng.
Cảnh sát sau đó bắt giữ hai người ở tiệm Macy’s và đưa lên xe chở đi.
Một số người xông vào tiệm Nike ở Manhattan và mang ra đầy hàng hóa, quần áo trên tay. Gần Trung tâm Rockefeller, các cửa sổ tiệm hàng bị đập vỡ và nhiều người bị bắt giữ. Bên trong một cửa hàng AT&T, có những mảnh vỡ do bị đập phá.
Các video đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều người biểu tình đang cãi nhau với những người đang phá vỡ cửa sổ, yêu cầu họ dừng lại, nhưng các vụ phá hoại và đột nhập, hôi của càng tăng lên khi càng về khuya.
“Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để gây dựng cửa tiệm, và chỉ trong một giây, ai đó đã làm chuyện này”, một chủ tiệm bán thuốc lá bị đập phá ở Manhattan, chỉ cho biết tên là Harri, nói với AP. “Thật sự quá tệ”.
Thị trưởng de Blasio và Thống đốc Andrew Cuomo cho biết những vụ bạo loạn hai đêm trước đó – khiến cửa hàng bị đập phá, xe cảnh sát bị đốt – buộc họ phải ra lệnh giới nghiêm.
Nhưng hai lãnh đạo này vẫn khẳng định họ đứng bên những người biểu tình ôn hòa đã lên tiếng nhiều ngày liền phản đối bạo lực dưới tay cảnh sát và sự phân biệt chủng tộc.
“Chúng tôi không thể để bạo lực làm hỏng thông điệp của thời khắc hiện tại”, ông de Blasio nói, trong khi ông Cuomo đổ lỗi cho “những người đang muốn đánh lạc hướng và phá hoại uy tín” của phong trào biểu tình.
Cả hai ông đều nói sẽ có thêm cảnh sát được điều động.
Các đám đông lớn tập trung biểu tình ở Quảng trường Thời đại và ở Brooklyn vào chiều ngày 1/6, và diễu hành trong nhiều giờ. Cũng giống những ngày trước, đoàn biểu tình khá ôn hòa vào buổi chiều, cảnh sát giữ khoảng cách.
Ở Manhattan, quanh Quảng trường Thời đại biến thành bạo loạn khi đêm xuống.
“Có những người có mưu đồ và muốn bẻ lái thông điệp (của phong trào biểu tình)”, Giselle Francisco, một người biểu tình, nói với AP, và cho biết lệnh giới nghiêm là cần thiết.
Nhưng một số ý kiến cho rằng lệnh giới nghiêm gần như việc “bịt miệng” người New York và không giải quyết gốc rễ vấn đề. Giám đốc Sở Cảnh sát Dermot Shea và lãnh đạo quận Brooklyn Eric Adams đều có ý kiến như vậy.
“Có những vết thương sâu, hoàn toàn có lý và nếu chúng ta không chữa lành vết thương đó… sẽ kéo dài vấn đề hơn”, ông Adams nói.
Trước đó, ngày 31/5, nhiều nhóm người biểu tình kéo xuống khu Soho hào nhoáng của Manhattan, đập phá các cửa tiệm nhỏ, bao gồm Rolex, Kate Spade và Prada. Hàng trăm người bị bắt giữ.
Sáng ngày 1/6, cảnh sát hiện diện nhiều ở khu Soho, còn cửa tiệm phải đóng ván gỗ. Ngày 31/5 là ngày thứ ba liên tiếp mà biểu tình ôn hòa ban ngày chuyển thành bạo loạn ban đêm. Người bị bắt giữ bao gồm cả con gái của thị trưởng.
Hàng nghìn người đã đổ ra đường trên khắp nước Mỹ để phản đối nạn bạo lực dưới tay cảnh sát.
Ngày 1/6, nhiều cảnh sát New York quỳ gối để thể hiện sự cảm thông với người biểu tình. Nhưng có những cảnh sát khác lại đụng độ với người biểu tình.
Ông Shea, giám đốc cảnh sát, nói đang điều tra 6 vụ đụng độ, bao gồm một vụ hai xe cảnh sát lái vào đám đông người biểu tình tại Brooklyn ngày 30/5.
Trong biểu tình ngày 1/6, video đăng lên mạng xã hội cho thấy một cảnh sát chĩa súng vào đám đông trên con phố đầy mảnh đổ nát, chỉ vài giây sau khi một người biểu tình cách đó vài mét dùng một vật thể đập vào đầu cảnh sát khác.
“Cảnh sát đó nên bị tước súng và thẻ tên ngay hôm nay”, ông de Blasio nói. “Sẽ có cuộc điều tra ngay lập tức để xác định hình phạt đầy đủ”.
Phóng viên (t/h)