26/11/2020 3:24:04

Bạo hành trẻ em: Nhiều trường hợp hàng xóm có nghi ngờ nhưng không kịp thời tố giác

Nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, hàng xóm có nghi ngờ nhưng do không am hiểu các quy định pháp luật, cũng không biết các đầu mối bảo vệ trẻ em để tố giác.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ với báo chí về các thông tin liên quan đến vụ việc cháu bé Trương Quang D. (15 tuổi, quê huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đi làm thuê và bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh bạo hành gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, chỉ khi nào xã hội đồng lòng phát hiện phòng ngừa, xâm hại trẻ em, bóc lột trẻ em thì những hành vi xâm hại quyền trẻ em nói chung, trong đó có xâm hại trẻ em mới suy giảm và chấm dứt.

Nhiều người chưa quan tâm đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em

Dẫn thông tin phản ánh của báo chí, ông Đặng Hoa Nam cho biết, bản thân cháu bé ở Bắc Ninh, khi gặp vấn đề không biết phải tố cáo với ai. Nhà hàng xóm ngay liền kề có nghi ngờ, có biết chuyện quát tháo và biết cháu thường xuyên phải làm việc từ suốt đêm đến sáng nhưng cũng không kịp thời tố cáo.

Trước đó, vụ việc em bé 3 tuổi bị cha dượng, mẹ đẻ bạo lực dẫn đến tử vong ở Hà Nội, rồi vụ việc em bé ở Quảng Ngãi bị hành hạ trong nhiều tháng, hàng xóm cũng có nghi ngờ nhưng không tố giác vì không am hiểu pháp luật, không biết các đầu mối bảo vệ trẻ em.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, điều này cho thấy thực tế, vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được người dân quan tâm, dẫn đến chưa ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.

Dẫn chứng thêm cho nhận định này, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ câu chuyện tháng 4/2020, Cục Trẻ em đã phối hợp với Viettel, Vinaphone gửi thông điệp về bảo vệ trẻ em bằng tin nhắn đến khoảng gần 75.000.000 thuê bao của hai mạng di động này. Tuy nhiên, khi được hỏi có biết đến số điện thoại 111 không, nhiều người dân, thậm chí thành viên của một số tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội cho biết nhất thời không nhớ ra.

“Khi tôi hỏi tiếp câu thứ hai là các anh các chị có nhận được tin nhắn với nội dung là mọi hành vi xâm hại trẻ em đều bị pháp luật nghiêm cấm mà hãy tố cáo những hành vi này đến Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em không thì họ mới nhớ ra. Tức là trong hàng trăm hàng nghìn tin nhắn thì vấn đề về phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn thực sự chưa được từng người dân quan tâm”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em cũng cho rằng, phải làm tốt công tác truyền thông bảo vệ trẻ em để nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Chẳng hạn, đối với vấn đề phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em thì phải tuyên truyền mạnh mẽ cho nhà trường, cho cộng đồng, các hộ gia đình. Phòng chống lao động trẻ em thì truyền thông mạnh mẽ đến các chủ sở hữu doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ.

“Phải tuyên truyền để mọi người dân hiểu được trách nhiệm bảo vệ trẻ em của họ đã được quy định trong Luật Trẻ em. Để khi chứng kiến hoặc nghi ngờ có hành vi xâm hại trẻ em sẽ lập tức báo cho các cơ quan chức năng như chính quyền UBND cấp xã, lực lượng công an xã, phường hoặc đơn giản nhất là gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng, có trường hợp dù biết câu chuyện bạo hành nhưng ngần ngại trong việc tố cáo do lo sợ bị trả thù. Do đó, cần tăng cường truyền thông thêm các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, các phương bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.

Lao động di cư có nguy cơ bị xâm hại cao

Đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em cũng cho rằng, câu chuyện bạo hành trẻ em xảy ra ở Bắc Ninh vừa qua cũng đặt ra những thách thức đối với lao động di cư. Theo ông Đặng Hoa Nam, các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ thuộc khu vực chính thức gần như không tồn tại tình trạng lao động trẻ em.

“Vi phạm chủ yếu xảy ra ở khu vực phi chính thức. Đơn cử như vụ xâm hại cháu bé tại Bắc Ninh, cả chủ sử dụng lao động và đối tượng lao động chưa thành niên là trẻ em cũng là người di cư”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Theo ông Đặng Hoa Nam, việc quản lý và tuyên truyền tới đối tượng này không đơn giản. Người sử dụng lao động ở khu vực phi chính thức, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn thấp. Khi vụ việc xảy ra và bị phát hiện, phải chịu hình phạt của pháp luật, mới hiểu ra thì đã muộn.

Do đó, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần quan tâm tới an sinh xã hội đối với nhóm lao động di cư giữa các địa phương, đặc biệt là người lao động di cư tới các khu công nghiệp, đô thị. Phải có thêm những chính sách tổng thể và các dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của đối tượng di cư, trước hết là trẻ em về học hành, khám chữa bệnh và bảo vệ an toàn.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, tất cả mọi hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, hành hạ, ngược đãi đều sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh.Đơn cử như một vài vụ án gần đây như: Vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em tại TPHCM đã lĩnh mức án 18 tháng tù, vụ ông nội và bố hại xâm hại bé gái 11 tuổi ở Vĩnh Long đều lĩnh 2 án chung. Gần đây ở Hà Nội, tòa cũng xử 1 vụ xâm hại trẻ em với mức án tử hình và chung thân.

Hải An – Minh Quân