Kỹ năng lao động không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc mà sau đó là vấn đề kinh tế, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia. Làm thế nào để nâng “giá” kỹ năng lao động Việt, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia là bài toán đặt ra với hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay.
Trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học của một cơ sở GDNN vào cuối năm 2020, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông – Giám đốc Trung tâm đào tạo Công ty TNHH SX&KD Vinfast chia sẻ, trong chiến lược phát triển của mình, Vinfast luôn muốn tìm kiếm được đối tác thực sự phù hợp. Cơ sở đào tạo đáp ứng được tiêu chuẩn của Vinfast phải có tư duy đổi mới, vận hành nhà trường như một doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đa số cơ sở GDNN ở Việt Nam hiện nay chưa phát triển theo tư duy của một doanh nghiệp.
Thực tế, đào tạo kỹ năng theo kiểu hướng cầu không phải là câu chuyện mới. Theo PGS.TS Dương Đức Lân – Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam, Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2011-2020 cũng đã đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên mới chỉ có rất ít trường đào tạo theo kiểu hướng cầu. Đa số các cơ sở GDNN hiện nay vẫn đào tạo theo kiểu có gì dạy đó. “Giai đoạn tiếp theo cần quan tâm đến vấn đề đào tạo theo kiểu hướng cầu, quan tâm đến sản phẩm đầu ra. Người sử dụng lao động cần gì thì các trường đào tạo nội dung đó. Số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động”, PGS.TS Dương Đức Lân góp ý.
Ông Tô Xuân Giao – Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Á cho biết, khi tuyển dụng nhân lực từ các cơ sở GDNN, DN mong muốn lao động phải thuần thục các kỹ năng của một nghề, biết sử dụng các loại dụng cụ, máy móc liên quan đến nghề được đào tạo…
Điều này đòi hỏi các cơ sở GDNN phải được trang bị phù hợp cũng như có đội ngũ giảng viên phải được thực hành tại nhiều cơ sở sản xuất. Do đó, phải coi cơ sở GDNN như một xí nghiệp có trình độ chuyên môn cao với đội ngũ giảng viên là những người có kỹ năng nghề cao cùng trang thiết bị hiện đại tương đương doanh nghiệp hoặc có thể hơn. Lúc đó cơ sở GDNN ngoài nhiệm vụ đào tạo vẫn có khả năng có thể nhận một số sản phẩm phù hợp với để tham gia sản xuất.
Cũng theo ông Tô Xuân Giao, việc xem cơ sở GDNN như một xí nghiệp có trình độ chuyên môn cao mang đến nhiều lợi ích. Đó là sử dụng hết công suất máy móc thiết bị; giảng viên luôn được nâng cao tay nghề; học sinh, sinh viên được thực hành thực tập tên sản phẩm thật có sự giám sát, hướng dẫn của giảng viên. Sau khi đã quen với sản xuất học sinh có thể tham gia lao động kỹ thuật cùng các công nhân trong DN mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh, phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn như chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế và những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời.
Điều này tạo ra thách thức rất lớn trong vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, thiếu hụt nhân lực trình độ cao, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế- xã hội đất nước. Đồng thời cũng đặt ra bài toán cho các cơ sở GDNN. Đó là phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến.
Theo TS Phạm Xuân Khánh, việc gắn kết giữa DN với đào tạo nghề trong bối cảnh hiện nay cần có sự đa dạng hóa về hình thức, nội dung phối hợp từ công tác tuyển sinh, tham gia giảng dạy, biên soạn chương trình, giáo trình, đánh giá và xếp loại người học, ký kết các hợp đồng đào tạo… đến việc phối hợp với các DN để tổ chức cho người học thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp tại DN; xây dựng chuẩn đầu ra; nghiên cứu sản xuất, phát triển sản phẩm.
Khẳng định vai trò của đào tạo, tuy nhiên theo các chuyên gia, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của người lao động; của khối DN hay hệ thống đào tạo-tuyển dụng lao động… Đó còn là câu chuyện của chính sách – tầm nhìn về nguồn nhân lực nước nhà trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế.
GDNN phải đặt trên “3 chân kiềng” là Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp. Các chiến lược, các chương trình, kế hoạch phát triển GDNN của Việt Nam bên cạnh việc lo giải bài toán về sức ép hiện tại cần đưa ra các dự báo cho hệ thống trong tương lai, từ tổng thể đến các ngành nghề cụ thể. Ngành nghề nào sẽ xuất hiện, ngành nghề nào sẽ có sự phát triển nổi trội, ngành nghề nào sẽ bị thay thế. Ngành nghề nào sẽ được tự động hóa, ngành nghề nào còn sử dụng lao động trực tiếp.
Chiến lược cũng phải dự báo được phát triển dân số và nguồn nhân lực của cả nước như dân số tăng, giảm như thế nào, nguồn nhân lực về tổng thể, cơ cấu, độ tuổi, nam nữ, vùng miền ra sao để có phương hướng phát triển phù hợp, tránh tình trạng dư thừa lao động ở thành phố, thiếu hụt lao động có kỹ năng nghề ở vùng sâu, vùng xa. Dự báo tiền lương phổ thông trong khu vực, trong các ngành nghề sẽ tăng giảm như thế nào. “Có dự báo được điều này, các cơ sở GDNN mới có phương hướng phát triển, đào tạo nghề phù hợp”, bà Nguyễn Thị Hằng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đặt vấn đề.
10 năm qua, GDNN Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Dù vậy so với các bậc đào tạo khác, GDNN vẫn còn là “vùng trũng” và chưa trở thành con đường có sức hấp dẫn mạnh mẽ với học sinh. Giá trị của kỹ năng lao động dẫu hiện hữu rõ ràng, mạnh mẽ trong cuộc sống, nhưng nhận thức của xã hội đối với việc học nghề còn nhiều hạn chế. Những câu chuyện con đỗ đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn trúng tuyển vào GDNN thì lặng lẽ nhập học vẫn đang là thực tế xảy ra tại nhiều gia đình.
Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với sứ mệnh lịch sử “hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Với chủ đề Phát triển hệ thống GDNN hiện đại, mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều giải pháp thiết thực, bài bản, Chiến lược mới là cơ hội để đổi mới toàn hệ thống GDNN, nâng tầm kỹ năng lao động Việt.
Năm 2020, với Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/10 hàng năm đã trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt với nguồn nhân lực lao động kỹ năng nói riêng và lĩnh vực GDNN nói riêng khi mà giá trị của kỹ năng lao động được ghi nhận, được khẳng định và tôn vinh.
Một năm qua kể từ thời điểm công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đến nay, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động. Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề nghiệp được coi là đơn vị tiền tệ mới, là động lực để phát triền nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động.
Cộng đồng DN đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm, DN tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Nội dung: Hải An
Trình bày: Thúy Anh