Năm 2020 tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với việc lựa chọn, phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.
Từ thế mạnh của địa phương, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia gồm: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế; phát triển 30 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh; có 46 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp được cấp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Từ khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP đến nay, số lượng sản phẩm theo các nhóm của tỉnh Bắc Giang là 93 sản phẩm, được xếp vào 6 nhóm gồm nhóm thực phẩm có 60 sản phẩm; nhóm đồ uống có 8 sản phẩm; nhóm thảo dược có 7 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 8 sản phẩm; nhóm dịch vụ và du lịch nông thôn có 9 sản phẩm. Số lượng sản phẩm theo các nhóm được đánh giá phân hạng năm 2019 là 54 sản phẩm (gồm 37 thực phẩm; 14 đồ uống; 3 thảo dược).
Năm 2019, UBND các huyện, thành phố ở tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn, đăng ký 62 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tập trung vào các sản phẩm đã có nhưng chưa hoàn thiện. Huyện Yên Thế lựa chọn các sản phẩm chè xanh Bản Ven, gà đồi Yên Thế, rượu men lá Lộc Sơn…; huyện Sơn Động là các sản phẩm mật ong, nấm, rượu men lá…; huyện Lục Ngạn lựa chọn sản phẩm mỳ gạo Chũ, các sản phẩm cây ăn quả, giấm các loại…; huyện Lục Nam lựa chọn sản phẩm nhãn, chè hoa vàng…
Hầu hết các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm 2019 của tỉnh Bắc Giang được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, có mã số mã vạch và được ký kết tiêu thụ với các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử….
Chẳng hạn như Gà đồi Yên Thế hiện được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La…Huyện Yên Thế đặt mục tiêu mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 11-13 triệu con gà thương phẩm với giá trị từ 1.300-1.500 tỷ đồng.
Trong năm 2020, tỉnh quan tâm hỗ trợ hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh; đào tạo tập huấn; hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm cũ; hỗ trợ sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm 2019 chưa đạt tiêu chí OCOP tiếp tục tham gia năm 2020 và các sản phẩm mới tham gia OCOP năm 2020; hỗ trợ củng cố và nâng cấp các sản phẩm đạt 3 – 4 sao năm 2019 tham gia nâng hạng sao.
Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP, bao gồm chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, in tem, giấy chứng nhận; xác lập quyền sở hữu công nghiệp; nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển 6 nhóm sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản, các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, các sản phẩm đã có thương hiệu của tỉnh và các địa phương; làm cho người dân thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và nhãn mác, bao bì đóng gói đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp, trong năm 2020 tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, công bố kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm và trao giấy chứng nhận các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; trưng bày các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện.
Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng đối với cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm (siêu thị Mini Mart, cửa hàng tiện lợi, của hàng kinh doanh tổng hợp…) có hợp đồng liên kết với các cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm OCOP; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng trung tâm OCOP ở cấp huyện hoặc cấp tỉnh…
PV (báo Bắc Giang)