24/04/2022 7:30:08

Ba Náo – Người lính Biệt động đánh chìm soái hạm Mỹ trên sông Sài Gòn

Dù đã gần tuổi 90, nhưng ông Lâm Sơn Náo (biệt danh Ba Náo) khi nhắc lại chiến công vang dội đánh chìm soái hạm USNS CARD – chở hàng trăm máy bay chiến đấu và vũ khí hạng nặng sang Việt Nam tham chiến vẫn đầy sôi nổi và đôi mắt ánh lên vẻ tự hào.

Ngày 15/4/2015, tại Hội nghị toàn quốc biểu dương người có công tiêu biểu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh- mùa Xuân năm 1975, một đại biểu cao tuổi, quắc thước, đĩnh đạc bước lên sân khấu kể lại những câu chuyện chiến đấu thời chống Mỹ của biệt động Sài Gòn – Gia Định huyền thoại.

Đó là cựu chiến sỹ biệt động Lâm Sơn Náo, người đã cùng đồng đội đánh chìm tàu USNS CARD – niềm kiêu hãnh của hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Chiến hạm USNS CARD – niềm kiêu hãnh của hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Ông là người con của vùng đất Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, gần 17 tuổi, Ba Náo theo cha vào làm công nhân tại cảng Sài Gòn. Lúc đó, cảng Sài Gòn được ví như cửa ngõ của “Hòn ngọc Viễn Đông”, nên tàu bè ra vào tấp nập, nhưng cũng nơi có nhiều người lao động bị áp bức, bóc lột nhất.

Là con thứ 3 trong gia đình có 8 anh chị em, ông được gọi là Ba Náo. Anh chị em trong gia đình Ba Náo ai cũng đi theo cách mạng (có 2 liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ). Ba Náo cũng là nòng cốt trong các phong trào đấu tranh, đình công của công nhân cảng Sài Gòn, nhưng ông vẫn khát khao được trực tiếp chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

Biết được nguyện vọng của cháu, cô ruột của ông – nữ giao liên Lâm Thị Tám (là cơ sở cách mạng vùng căn cứ, giao liên của đội biệt động Quyết tử, thuộc quân khu Sài Gòn – Gia Định) dẫn Ba Náo ra căn cứ. Thật may mắn, Ba Náo gặp ngay người chỉ huy tài giỏi là ông Phạm Văn Hai, một trong ba chiến sĩ đánh thành công kho bom Phú Thọ Hoà hồi kháng chiến chống Pháp.

Ba Náo chính thức nhập ngũ tháng 02/1962, công tác trong đội 65 Biệt động Đặc công thành Sài Gòn – Gia Định và được giao nhiệm vụ: Tiếp tục duy trì thế hợp pháp là công nhân Cảng Sài gòn, thực hiện điều nghiên mục tiêu quân sự tại cảng, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng sẵn sàng chiến đấu.

Sau khi được học tập, huấn luyện ở trong căn cứ, Ba Náo quay về tiếp tục làm việc trong cảng Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là xây dựng cơ sở, quần chúng có cảm tình với cách mạng, cơ sở đó có thể che giấu chiến sĩ cách mạng, cất giấu vũ khí,… Ông cũng nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật cũng như phần kiến thức đánh giặc: từ kinh nghiệm, cách tìm người, cách thử thách, cách xây dựng cơ sở, cách theo dõi nắm bắt tình hình địch ở khu vực cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, xưởng Ba Son…

Chỉ riêng trong năm 1963, ông cùng đồng đội đánh 14 trận lớn, nhỏ ngay trong lòng nội đô Sài Gòn, khiến kẻ thù mất ăn, mất ngủ.

Một trong nhiều thành tích của ông được Nhà nước ghi nhận

Trận đánh lịch sử của người lính Biệt động Đặc công Sài Gòn – Gia Định

Khi nhắc đến những việc đã làm, giọng người “chiến sĩ già” vẫn sôi nổi, mắt ánh lên sự tự hào của người lính biệt động. “Tháng 8/1962, tôi được triệu tập ra căn cứ nhận nhiệm vụ phải đánh chìm con tàu chở vũ khí phục vụ cho chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Vào chiều 29/12/1963, tàu US COREE chở vũ khí của Mỹ đã có mặt tại cảng Sài Gòn”, ông Ba Náo nhớ lại.

Đội biệt động cảng lập tức triển khai, tiếp cận đánh chìm nó. 80kg thuốc nổ TNT được bí mật chuyển vào nội thành đến nhà Ba Náo, rồi được chia thành 4 khối, mỗi khối 20kg theo những đường cống ngóc ngách dưới gầm cảng, qua mọi tầng lớp canh phòng cẩn mật, áp sát tàu Mỹ. Vũ khí được thiết kế từ căn cứ, gắn kíp nổ, khối pin…được Ba Náo chỉnh đồng hồ hẹn giờ cho nổ vào lúc 7 giờ sáng ngày 30/12.

Vậy nhưng đến giờ đã định mà vẫn không có tiếng nổ nào. Có thể do trục trặc kỹ thuật, cũng có thể bị lộ. Sau khi điều tra tình hình, thấy chưa có dấu hiệu lộ, Ba Náo cùng đồng đội Sáu Cậy quay trở lại, gỡ từng khối thuốc nổ, mang về, tìm nguyên nhân. Hóa ra pin yếu, không đủ sức kích nổ. Vậy là qua đi một cơ hội đánh chìm tàu Mỹ. Nhưng cũng từ lần đánh hụt, Ba Náo nghiên cứu kỹ lưỡng cấu tạo vỏ tàu, tìm cách thiết kế lại vũ khí phù hợp, chắc thắng.

Bốn tháng sau, trong nhiệm vụ tấn công tàu USNS Card lần thứ 2, do Sáu Cậy bị đau mắt, ông Ba Náo và người đồng đội Hai Hùng đóng vai dân buôn. Ông Bá Náo nhớ lại, hồi ấy, khi chất xong mìn vào xuồng, ông cùng đồng đội bơi xuồng sang hướng đối diện con tàu. Lúc đó, đèn sáng choang, không thể tiếp cận tàu USNS Card, nên ông chèo xuồng sang cảng Nhà Rồng để lên bờ rồi quay ngược lại.

Khi ra giữa sông, tàu tuần tra của cảnh sát đuổi theo, cả hai lúc đó chèo thật nhanh về bờ Thủ Thiêm, rồi đẩy xuồng vào bãi sình làm tàu cảnh sát không vào được phải phát loa gọi. Lúc này, trên bờ nhóm Dân vệ nghe thấy cũng chạy ra đòi kiểm tra.

Tình huống lúc đó thực sự rất nguy hiểm, nên ông Ba Náo xuất hiện nói mình đang đi buôn radio lậu ở nước ngoài và đã trả tiền trước. Nếu lấy được tiền sẽ chia cho hai nhóm trên. Nghe được chia phần, nhóm cảnh sát đồng ý, còn rọi đèn pha cho xuồng qua và đậu giữa sông canh chừng hải quân…

Khi xuồng của ông qua được cầu cảng phía trên, đi qua vài đường cống khoảng 300m thì bị mắc cạn. Lúc này, ông Ba Náo cùng ông Hùng nhảy xuống vác thuốc nổ tiến về phía chiếc tàu Mỹ đang đậu trước cảng, đợi thời cơ cài mìn. Trước đó ông Ba Náo đã thiết kế lại 4 khối thuốc nổ trước thành 2 khối nổ, mỗi khối 80kg TNT, kết hợp với 4 kg chất nổ C4 cực mạnh nằm bao quanh kíp nổ. Ông cũng xin thêm 2 nụ xòe điểm hỏa nổ liền.

Lúc đó, cảng Sài Gòn được canh giữ rất nghiêm ngặt. Bằng sự nhanh trí, khéo léo, thông minh của mình, Ba Náo đã xử lý các tình huống cấp bách, giúp ông và đồng đội qua mặt được bọn bảo an và tàu tuần tra. “Tôi và đồng đội Hai Hùng phải lăn lê bò trườn đẩy thuyền đi trong bùn đen hôi thối. Đến khi không còn đẩy thuyền được nữa, tôi bảo Hai Hùng đứng ngoài chờ, một mình tôi ôm khối thuốc nổ và dây chằng ra ngay bờ cảng, sát con tàu USNS CARD. Bên trên bọn thợ và lính Mỹ đang lắp ráp máy bay. Dựa vào địa thế các cột dưới gầm cầu, tôi gài hai khối thuốc nổ. Gài xong là 1 giờ sáng, chỉ còn 2 tiếng đồng hồ để về nhà”, ông kể.

Thời khắc lịch sử đã đến, đúng 3h sáng 2/5/1964, khi cả thành phố đang say trong giấc nồng, một tiếng nổ lớn vang rền khắp cả khu Gia Định – Sài Gòn. Mái tôn của những căn nhà quanh khu vực cảng lật tung, nhà dân xa hơn một cây số như chợ Cầu Muối (Chợ Ông Lãnh), hai bờ Kênh Tẻ… mái tôn đều rung lên, điện tắt, lửa bốc cao đến nỗi đứng xa nhiều cây số vẫn nhìn thấy.

“Lúc đó, hai anh em tôi đứng từ xa nhìn mà trong lòng phấn khởi vì trận đánh đã thành công”, ông Ba Náo kể lại.

Qua hôm sau, các đài, báo trong và ngoài nước đưa tin Việt Cộng đánh chìm soái hạm USNS Card của Mỹ với một lỗ thủng dài khoảng 24m, làm chết và bị thương 120 lính Mỹ, phá hủy 24 máy bay gồm: 19 chiếc trực thăng HU 1A, 5 chiếc trinh sát L192 khu trục AD6. Nhiều chuyên gia nhận định, trong chiến tranh thế giới thứ hai, tàu này nổi bật trong vai trò tìm và diệt tàu ngầm đối phương, đã gây nhiều thiệt hại cho hải quân và là nỗi kinh hoàng của Đức Quốc xã.

Trận đánh tàu USNS CARD được xếp vào một trong những trận đánh xuất sắc nhất của Biệt động Sài Gòn vì chỉ sử dụng một lực lượng rất nhỏ, nhưng tiêu diệt lượng lớn sinh lực và vật chất của địch, bảo toàn được lực lượng và giữ bí mật cách đánh.

Sau chiến công vang dội, Hồ Chủ Tịch và Bộ Chỉ huy Miền đã gửi điện biểu dương các chiến sĩ Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Đội biệt động 65 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, cá nhân ông Lâm Sơn Náo được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.

Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson khi đó muốn sự kiện tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm nhanh chóng đi vào quên lãng và Chính phủ Mỹ phủ nhận thông tin có tàu chìm ở cảng Sài Gòn và nói với công chúng rằng, tàu sân bay USNS Card chỉ bị hư hỏng nhẹ. Chính vì lý do này, Hải quân Mỹ đã huy động toàn lực trục vớt tàu sân bay chìm dưới mặt nước khoảng 15m. Mỹ điều hai tàu cứu hộ USS Reclaimer và USS Tawakoni đến cảng Sài Gòn để bơm nước ra khỏi tàu sân bay.

Phải mất 17 ngày sau, tàu USNS Card được trục vớt lên trong tình trạng tồi tệ và nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng. Hơn 6 tháng sau, con tàu phục vụ trở lại trong 6 năm nữa trước khi thành sắt vụn.

Sau vụ đó, chính quyền Sài Gòn mở càn quyết liệt. Ông Nguyễn Phú Hùng bị địch bắt, sau đó dù trốn được nhưng người chiến sĩ ấy đã hy sinh trong một trận càn năm 1967.

Sáng ngày 23/2/1967, khi đang đi trên đường Nguyễn Trãi, ông Ba Náo đã bị 4 tên mật vụ bắt. Suốt 8 tháng bị tra khảo trong nhà tù của Tổng nha Cảnh sát, chúng chẳng khai thác được thông tin gì từ ông nên chuyển ông tới nhà lao Chí Hòa, sau đó chuyển thẳng ra Côn Đảo.

Người chiến sĩ Biệt động Đặc công thành Sài Gòn- Gia Định với cái tên Ba Náo

Một người con trai của ông Ba Náo cho biết, thời gian này gia đình ông sống rất cơ cực, thay đổi chỗ ở nhưng luôn luôn bị mật vụ theo dõi. Thậm chí bạn bè tới chơi cũng bị đe dọa và điều tra. Các thành viên trong nhà như bị giam lỏng suốt một thời gian dài.

“Ra Côn Đảo, tôi vẫn kiên quyết chống lại nội quy, không nhượng bộ và nhất là không chịu “chào cờ” (đầu hàng quân giặc) nên tôi bị nhốt trong chuồng cọp 5 năm. Tù nhân ở chuồng cọp bị còng hai chân cố định vào cây sắt, bị đầy đọa cả về thể xác và tinh thần. Nếu không có cuộc trao đổi tù binh sau Hiệp định Paris thì không biết mình sẽ ngồi chuồng cọp đến bao giờ”, ông Náo chia sẻ.

Mặc dù trải qua những lần tra khảo từ Tổng nha Cảnh sát, nhà lao Chí Hòa cho đến Côn Đảo nhưng Ba Náo vẫn không từ bỏ con đường cách mạng. Sau khi bình phục, ông trở lại Đội 1 Biệt động – Đặc công Thành thuộc Đoàn 199 Quân khu Sài gòn – Gia Định với cấp bậc Đại đội phó, tiếp tục xây dựng cơ sở và tìm mục tiêu trong nội Thành để chiến đấu.

“Từ năm 1973-1975, tôi vẫn hoạt động trong đơn vị Biệt động Sài Gòn nhưng chủ yếu là xây dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng hỗ trợ bộ đội, sẵn sàng lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đêm 29/4/1975, tôi cùng đồng đội từ vùng căn cứ hành quân về Sài Gòn.

Khi đó, đường về Sài Gòn khá vắng vẻ, quần áo của cảnh sát ngụy tháo chạy vứt đầy đường. Đến trưa ngày 30/4/1975, đơn vị của tôi cũng vào tới cầu Sài Gòn. Lúc này, nghe tin quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập rồi. Khi vào tới Dinh Độc Lập, thấy đồng đội mình, thủ trưởng mình còn sống, cờ bay rợp trời… Thời khắc ấy tôi cảm nhận được đất nước đã thực sự thống nhất, hòa bình, niềm vui sướng không nói được nên lời”, ánh mắt ông sáng lên khu nhớ lại thời khắc lịch sử.

Hòa bình lập lại, ông được Bộ tư lệnh Thành phố điều động về quận 4, chức vụ Chỉ huy Phó Quận đội quận 4, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983 ông chuyển qua dân sự, đến 1994 thì nghỉ hưu tại quê nhà.

Với lý tưởng cách mạng luôn cháy bỏng trong tim, ông tiếp tục tham gia các phong trào của khu phố. Nhiều năm liền, ông giữ vai trò là Bí thư chi bộ khu phố. Miệng nói, tay làm, ông luôn đi đầu trong mọi phong trào. Đặc biệt, ông luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Các con ông, có người được tặng thưởng Huân chương Lao động, có người được công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân… khiến ông rất tự hào về truyền thống của gia đình mình.

Niềm vui mỗi ngày của người lính già là chăm sóc cây cảnh

Tâm sự với tác giả, ông trầm ngâm: “Trong chiến tranh, có vô vàn những con người dám quên mình, xả thân vì đất nước. Họ đã làm nên biết bao chiến công thần kỳ, tạo nên nhiều câu chuyện anh hùng khiến lớp trẻ hôm nay phải khâm phục. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, không phải ai cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Được phong anh hùng hay không đối với tôi không quan trọng, nhưng suốt đời luôn đi theo và trung thành tuyệt đối với cách mạng”, ông Ba Náo xúc động.

Trong tâm hồn người chiến sĩ Biệt động, trận đánh chìm tàu sân bay Mỹ ngày ấy chỉ là chấp hành nhiệm vụ, là trách nhiệm cấp trên giao phó mà mình đã hoàn thành. Với ông cũng như các đồng đội khác, đánh thắng là vui nhất rồi, không nghĩ đến thành tích, không nghĩ đến chiến công ấy lại có ý nghĩa lớn lao như vậy. Trước giờ Ba Náo vẫn là người khiêm tốn ít nói, dù có phải chịu đựng bao nhiêu khó khăn gian khổ hơn nữa ông cũng sẽ vượt qua!….

Quang Trung