Chỉ với 3 năm vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên và song song đào tạo kỹ năng nghề, học sinh hệ 9+ có thể tốt nghiệp với cả bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề trong tay, cơ hội có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp rất rộng mở khi Vĩnh Phúc tập trung 5 khu công nghiệp lớn với hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ.
Sau chuỗi ngày nghỉ dài vì dịch Covid, nhịp sống ở Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) trở lại nhộn nhịp với “guồng máy” tuyển sinh, đào tạo tất cả các mô hình, hệ đào tạo…. Đặc biệt với chương trình đào tạo hệ song bằng 9+, không khí học tập của hơn gần 2.600 học sinh hệ chính quy và học sinh từ một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ở địa phương tham gia học nghề của trường theo chương trình liên kết đào tạo, tất cả đều tự tin với lựa chọn của mình.
Bề dày thương hiệu
Trên thực tế, chương trình đào tạo 9+ ở Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp đã có nền tảng từ nhiều năm trước đây, từ mô hình đào tạo Trung học nghề (từ 1991 đến 1998), công nhân lành nghề bậc 3/7 (trước năm 2007), Trung cấp nghề (từ 2007 đến 2016), trung cấp (từ 2017 đến nay), song song với đào tạo THPT hệ Giáo dục thường xuyên.
Kết thúc khóa học, học sinh tham gia các kỳ thi tốt nghiệp và đạt kết quả sẽ được cấp bằng nghề và bằng Văn hóa THPT theo qui định của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương thức đào tạo này như cách gọi hiện nay là “Chương trình 9+”.
Với lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của nhà trường, trong chặng đường dài ấy, đã có tới một nửa thời gian trường đào tạo theo phương thức tương tự như mô hình 9+ hiện nay.
Các thế hệ học sinh của trường qua nhiều năm tiếp nối nhau, ra trường đều có việc làm bền vững. Điều đó đã tạo nên thương hiệu của Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn đánh giá cao, sẵn sàng đặt hàng tuyển dụng học sinh năm cuối của trường.
Thầy Nguyễn Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp đang đào tạo khoảng hơn 1.600 học sinh hệ 9+, vừa học song song kiến thức THPT vừa học nghề ở 21 ngành, nghề. Trong đó, một số nghề được nhiều học sinh theo học nhằm đón đầu nhu cầu của thị trường lao động như: Công nghệ thông tin, Điện tử- Điện lạnh, Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ khí, Cắt gọt kim loại…
Còn theo Thạc sĩ Phan Huy Hoàng – Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường: “ Học sinh chương trình 9+, sau khi tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ học sinh đi làm chiếm khoảng 70-80%, còn lại 20 – 30% các em có nguyện vọng học liên thông lên Cao đẳng với thời gian học khoảng 15 tháng là có bằng Cao đẳng. Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích cho người học, bởi tính ưu việt của chương trình là học phí thấp cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh nên vấn đề học phí không còn là gánh nặng với gia đình học sinh. 18 tuổi tốt nghiệp ra trường các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, ưu việt hơn sovới lựa chọn tham gia học xong THPT rồi mới học nghề. Thông qua tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các Trường THCS, các bậc phụ huynh học sinh rất yên tâm tin tưởng nhà trường, cùng động viên, ủng hộ sự lựa chọn của con em mình. Liên tục mỗi khóa, trường chưa bao giờ có số tuyển đầu vào dưới 500 học sinh/năm. Học sinh ra trường đã đóng góp tốt cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh”.
“Học 9+ thoải mái, không bị áp lực”
Đó là chia sẻ các học sinh đang theo học chương trình 9+ tại Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp. Khi được hỏi về sự lựa chọn giữa học THPT và chương trình 9+, học sinh Nguyễn Thị Hiếu – lớp 11(năm thứ 2), Khoa Điện công nghiệp cho biết: “Nghề Điện công nghiệp vốn là niềm đam mê, sở thích của em, hơn nữa bố mẹ em cũng muốn em học chương trình này vì trong gia đình có các anh, chị từng học ở đây và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Qua thời gian học tập, em nhận thấy chương trình học văn hóa không khác gì so với chương trình học phổ thông, thậm chí còn thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì không bị áp lực nhiều bài vở như các bạn cùng trang lứa theo học THPT. Về học nghề, các thầy cô dạy rất dễ hiểu, kiến thức và kỹ thuật không quá khó, mô-đun chương trình học cũng vừa sức. Em muốn sẽ học liên thông lên Cao đẳng. Chỉ với thời gian 4 năm, em vừa có Bằng Tốt nghiệp THPT, Bằng Trung cấp nghề và Cao đẳng và không khó để có việc làm ngay trong tỉnh với mức lương khởi điểm từ 8-10 triệu đồng/ tháng”.
Còn theo Trần Thị Thanh Vân – khoa Công nghệ thông tin cho biết: “Em biết đến mô hình đào tạo này qua các trang web. Nhận thấy xu hướng phát triển công nghệ ngày một phát triển, nên em chọn ngành Công nghệ thông tin và sẽ tiếp tục học lên Cao đẳng”.
Đến từ huyện Bắc Hà- Lào Cai, em Nông Văn Tuấn – học sinh lớp 11, năm thứ 2, Khoa Điện công nghiệp đến với nghề bởi một lý do rất đơn giản và thực tế: “Được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên tỉnh Lào Cai tư vấn, em được tới đây học nghề Điện. Môi trường và điều kiện học tập ở đây rất tốt, trang thiết bị cơ sở vật chất để thực hành đầy đủ…Sau khi ra trường, em muốn được đi làm với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng, hoặc có thể em sẽ mở một cửa hàng sửa chữa, quấn động cơ điện…”.
Bình Minh