12/04/2020 9:43:27

Lan tỏa yêu thương từ cây ‘ATM gạo’ phát miễn phí

Cái tên nghe rất lạ nhưng là phao cứu sinh cho nhiều người gặp khó khăn thời dịch Covid 19 –  cây “ATM gạo” đầu tiên xuất hiện cho người nghèo tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM  khiến nhiều người nhắc đến cái tên Hoàng Tuấn Anh, chàng trai sinh năm 1985, Giám đốc Công ty PHG Lock.

Anh Hoàng Tuấn Anh – chủ nhân 8X sáng tạo ra máy “ATM gạo

Nói về ý tưởng tạo ra cây “ATM gạo“, Hoàng Tuấn Anh bật mí: Tôi thấy trong mùa dịch covid 19, có nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, nhưng nếu phát thủ công và tập trung đông người thì rất dễ xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Để hạn chế dịch lây lan trong việc phát gạo, tôi đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty về ngành khóa thông minh và nhà thông minh rồi đem chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động 24/24h.

Cấu tạo của máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông minh qua phần mềm, nhờ vậy mà có thể quản lý được người nhận (có đúng người nghèo hay không và người đó có đến lấy nhiều lần trong một ngày không).

Những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhận gạo phải xếp hàng cách nhau 2 mét và không tập trung quá 10 người để có thể rút gạo tự động. Người nhận khi đến chỉ cần bấm nút, gạo trong máy tự động chảy ra. Mỗi lần lấy được khoảng 1,5 – 2 kg.

Ban đầu, tôi dự kiến trong khả năng của mình mỗi ngày nạp vào máy 500 kg gạo. Thế nhưng, từ khi khai trương đến nay, lượng người đến càng ngày càng đông. May mắn là trong những ngày gần đây, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay với tôi, họ chở gạo đến để cùng chia sẻ cho những người khó khăn.

Nhiều người gọi máy phát gạo tự động mà tôi chế tạo là cây “ATM gạo”, người thì gọi là “ATM niềm tin” – niềm tin vào xã hội vì còn có rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm dang tay giúp đỡ người nghèo trong cơn khốn khó. Phật giáo dạy rằng, lương thiện cũng là một loại trí tuệ, hơn nữa còn là trí tuệ đỉnh cao bởi để thiện thì cần có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. Vì thế, làm người khó nhất không phải là giàu có, thành công, nổi danh mà khó nhất là lương thiện”, Hoàng Tuấn Anh trầm ngâm.

Nói về động lực thúc đẩy anh làm việc thiện nguyện, Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: Thế hệ tôi may mắn sinh ra khi đất nước đã vượt qua khoảng thời gian khó khăn hậu chiến, tôi được ba mẹ cho đi du học tự túc. Nói nghèo thì không đúng, nhưng từ nhỏ ba đã rèn cho tôi tính cần cù lao động. Từ lớp 5 tôi hay được ba đưa ra nông trại làm nông dân, tự tay vắt sữa, hốt phân bò, tắm heo, tát ao bắt cá… đủ cả, thực ra tuổi thơ như vậy rất vui. Nó cũng hình thành cho tôi thói quen không ngại khó, ngồi không tôi thấy khó chịu. Nói vậy để thấy rằng cuộc sống của tôi lúc nào cũng gắn với lao động dù không phải quá thiếu thốn.

Hoàng Tuấn Anh có thời gian học tập và sống ở Úc 13 năm. Nói về quyết định trở về Việt Nam, anh tâm sự: Tôi còn ba mẹ đã lớn tuổi, tôi muốn ở cùng để chăm sóc. Ngoài ra, tôi thấy ở Việt Nam có cái hay là đất nước đang phát triển nên còn rất nhiều cơ hội cho mình. Nói nôm na như ngành khoá điện tử, lúc mình làm nó là số 0, giờ nó là con số 1%, tức là còn 99% cho mình chinh phục. Chỉ có điều những người nào kiên trì mới có thể làm được. Như tôi phải “đắp” tiền của gia đình bỏ vào thêm. Lúc đó ngành khoá điện tử tại Việt Nam là con số 0, giờ lên được 1% cũng là nhiều. Lúc đó người ta hầu như chưa biết nó là gì, mình là người khơi dậy nhu cầu sử dụng khoá điện.

Đặt mục tiêu kinh doanh khoá điện tử 10 năm sẽ có lợi nhuận nhưng dịch bệnh nên đợt này khó khăn thực sự, Tuấn Anh cho biết, anh chưa từng thấy giai đoạn nào khó khăn như giai đoạn này. Bản thân anh ngoài việc sản xuất khoá điện tử thì 50% hoạt động kinh doanh đến từ bất động sản. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm cho doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

“Thực sự là tôi không có tiềm lực quá lớn để hỗ trợ cộng đồng nhưng may mắn là tôi bỏ ra 0.1% sức sáng tạo và là cầu nối, giúp 99,9% sự đóng góp của các “Mạnh thường quân” đến được với những người khó khăn. Bản thân mình chỉ đóng góp 0.1% mà tạo ra giá trị hưởng ứng đến 100% thì với mình đó là lợi nhuận về tình nghĩa. Thế là quá đủ rồi, Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Nói về kế hoạch để lan toả mô hình máy phát gạo tự động, chàng trai 8x trải lòng:Với tôi, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Người góp sức, người góp công thì mới lan rộng ra được. Khi tôi làm ra chiếc máy, mọi người đã tích cực góp gạo, hi vọng những tấm lòng hảo tâm sẽ góp tiền của, công sức để nhân rộng tại các địa phương khác. Nếu có 100 điểm, có thể giúp được khoảng 100.000 người khó khăn trong mùa dịch này.

Anh trải lòng: tôi được truyền cảm hứng rất lớn từ những nỗ lực của Chính phủ. Những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không chỉ được khám chữa bệnh, cách ly, ăn uống miễn phí, thậm chí còn có những chuyến bay miễn phí để họ quay trở về quê hương.

Giữa dịch nhiều người tự hào vì mình là người Việt, rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài đã về Việt Nam tránh dịch, rõ ràng Chính phủ đã làm được những điều tuyệt vời. Là một công dân, bản thân tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cùng chia sẻ khó khăn với Chính phủ, cùng góp sức vượt qua mùa dịch.

LT