29/04/2025 7:45:41

Đổi mới công tác giảng dạy đại học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sáng 29/4/2025, tại Hà Nội, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới công tác giảng dạy đại học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và các giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW”.

Hội thảo nhằm trao đổi giải pháp đổi mới công tác giảng dạy đại học trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, đồng thời đề xuất hướng triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đặng Thành Chung, Trưởng khoa Lý luận chính trị và Pháp luật, trường Đại học Điện lực.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Đặng Thành Chung – Trưởng khoa Lý luận chính trị và Pháp luật, trường Đại học Điện lực cho biết, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc.

Đồng thời, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tiếp đó, tại Quyết định số: 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, đã nêu rõ mục tiêu: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tuy nhiên, hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng một bộ phận thanh niên, sinh viên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nguy hiểm hơn có hiện tượng thanh niên, sinh viên bị các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, tác động, lôi kéo, kích động đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc”, TS. Đặng Thành Chung nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực nhấn mạnh rằng, đổi mới công tác đào tạo là ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhà trường trong bối cảnh kỷ nguyên mới.

TS. Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực

Hiện nay, trường Đại học Điện lực đã bước đầu triển khai các hoạt động liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc xác định cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả trong ứng dụng các công nghệ này vẫn là câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.

Tại Hội thảo được nghe nhiều ý kiến tham luận có tính chuyên môn cao đã được trình bày như: Tham luận về vấn đề “Sử dụng kiến thức liên ngành trong dạy học Triết học Mác – Lênin cho sinh viên không chuyên ngành lý luận tại các trường đại học hiện nay”, do PGS.TS Hoàng Thúc Lân trình bài; Tham luận “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra và đánh giá dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo” do PGS.TS Nguyễn Hà Nam thực hiện; TS. Nguyễn Diệu Linh trình bày tham luận “Những tác động mạnh mẽ từ Nghị quyết 57-NQ/TW – Nhận diện cơ hội và thách thức đối với Trường Đại học Điện lực”,…

Theo đánh giá của ban tổ chức, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các giảng viên, nhà quản lý và sinh viên cùng trao đổi, chia sẻ giải pháp đổi mới công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Được biết, với truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh việc đào tạo các cán bộ, kỹ sư đáp ứng nhu cầu của ngành điện, Trường cũng đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế – kỹ thuật trong cả nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Hướng tới nền giáo dục hiện đại, trường Đại học Điện lực đã tiên phong đổi mới sáng tạo, tích cực cập nhật các chương trình đào tạo, tích hợp với các lĩnh vực hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và năng lượng tái tạo, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới cách thức, mục tiêu giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, đổi mới công tác quản lý giáo dục,…

Theo thống kê của trường Đại học Điện lực, có khoảng 15% sinh viên của nhà trường tốt nghiệp đang làm việc tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Điện lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế của người Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.

Nhất Nam