19/09/2024 8:16:20

Cứu trợ bão Yagi : Khi chiếc bánh chưng, thùng mì tôm vượt ngàn cây số

Hơn 10 ngày sau khi siêu bão Yagi đi qua, để lại thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho 26 tỉnh thành phía Bắc, những câu chuyện cảm động, chan chứa tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Cùng với các lực lượng quân đội, công an và chính quyền – các đoàn từ thiện từ khắp nơi đổ về phía bắc, tương trợ đồng bào vùng cao trong cảnh khó khăn. Nhưng khi những gói hàng cứu trợ tới tay bà con vùng lũ, một vài vấn đề, mặt trái đáng suy ngẫm cũng dần hé lộ…

Gói bánh chưng, bánh tét kiểu phong trào: Công sức, tiền của tiếp tục trôi theo nước lũ

Suốt tuần qua, trên mạng xã hội và truyền thông, ngập tràn thông tin, hình ảnh về phong trào gói bánh chưng, bánh tét làm giò chả cứu trợ đồng bào vùng bão lũ của nhiều địa phương miền Trung và Nam Bộ. Đáng chú ý, việc làm này được một số người lan truyền, cổ vũ, khiến “phong trào” trên có xu hướng lan rộng, phát triển ở nhiều địa phương khác.

Theo đó, có những địa phương bà con huy động cả làng tập trung gói, nấu bánh chưng, giò chả xuyên đêm để vận chuyển ra các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tấm lòng, nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” này rất đáng trân trọng. Nhưng khi vượt ngàn cây số xa xôi, qua nhiều khó khăn để đến được tay bà con, nhiều phần quà cứu trợ là bánh chưng, bánh tét, giò chả đã thì ôi thiu, mốc hỏng, phải bỏ đi.

Người dân nhiều địa phương huy động hết công suất để gói bánh chưng, bánh tét ủng hộ đồng bào lũ lụt.

Đáng chú ý, đây lại là câu chuyện không hề mới, nhưng do chạy theo phong trào,sau cơn thiên tai vừa qua, nó lại xuất hiện.

Năm 2021, bài học này cũng đã từng diễn ra ở nhiều địa phương. Trong đại dịch COVID-19 tại TP..HCM, hàng trăm tấn thức ăn nhanh (trong đó có không ít bánh dầy, bánh chưng, giò chả các loại) khi đưa từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Nam đã không còn sử dụng được. Sự lãng phí trên còn kéo theo cả gánh nặng cho lực lượng vệ sinh môi trường ở thành phố.

Trước đó nữa, trong trận lũ lụt năm 2020, hàng nghìn chiếc bánh chưng cứu trợ thiên tai từ hai đầu tổ quốc gửi vào miền Trung cũng đã bị hư hỏng toàn bộ.

Sau hai sự kiện trên, nhiều lời phân tích, cảnh tỉnh đã được chia sẻ, rút ra về việc loại bánh chưng, bánh tét hay giò chả ra khỏi giỏ hàng ưu tiên khi cứu trợ thiên tai. Vậy nhưng, sau cơn bão Yagi, tình trạng này lại tiếp tục xuất hiện, phong trào còn lan rộng, với quy mô lớn hơn trước.

Không dễ để thay đổi thói quen, phong trào 

Những ngày gần đây, một số hình ảnh, clip về tình trạng một số loại thực phẩm như bánh chưng, bánh tét, xúc xích… cứu trợ không đảm bảo chất lượng, bị ôi thiu, phải vứt bỏ, tiêu hủy một cách tiếc nuối đã bắt đầu hiện nhiều hơn trên mạng xã hội.

Chia sẻ với người viết, một người dân vùng lũ xác nhận: “Hôm qua, em vừa bóc phải bánh của 1 đoàn có thiu thật anh ạ. Nhưng em chẳng chụp up lên mạng cái thiu làm gì, chỉ chọn cái đẹp cái ngon up thôi vì e sợ những bình luận tiêu cực anh ạ”.

Bạn này cũng cho biết thêm, do thời tiết nắng nóng. thời gian vận chuyển kéo dài và khâu đóng gói, bảo quản không tốt, rất nhiều thực phẩm, trong đó có bánh, khoai luộc khi chuyển tới đã bị thiu hỏng, phải vứt bỏ.

Hay nữ thành viên của một nhóm thiện nguyện cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Bắc còn cho biết: nhóm của chị này hiện phải gánh thêm trọng trách phân loạt,  “giải cứu” đồ ủng hộ được gửi đến.

Một tài khoản khác cũng chia sẻ hình ảnh tương tự, chụp một “combo” bánh mì, nước suối, xúc xích… được đóng chung trong một túi hút chân không và cho biết: “bánh mì đã bị chua, hỏng không ăn được”. Chị này cho biết do tiếc của và công sức, tâm huyết của bà con nên đã ăn và bị… đau bụng.

Đáng chú ý, khi một số cá nhân chia sẻ góc nhìn, khuyến cáo về việc nên hạn chế gửi những thực phẩm như bánh chưng, bánh tét đến ủng hộ vùng lũ (vì dễ hư hỏng); hay cần đa dạng hóa danh mục thực phẩm cứu trợ, thay vì chủ yếu là mì tôm – thì đã xuất hiện khá nhiều bình luận phản đối, thậm chí là gay gắt, bên cạnh những tiếng nói đồng tình.

Trong đó, mì tôm là mặt hàng cứu trợ tạo nên hai luồng quan điểm trái chiều nhất.

Phía đồng tình thì cho rằng, có nhiều loại thực phẩm khác như: các loại bánh ruốc, bánh mì tươi, cháo tươi, lương khô, cơm cháy… nên được sử dụng để ủng hộ vì có giá trị dinh dưỡng cao, cũng có thời hạn dài và đáp ứng dạng nhu cầu người dân vùng lũ hơn so với mì tôm.

Còn phía phản đối thì vẫn cho rằng, mì ăn liền là loại thực phẩm cứu trợ hiệu quả nhất vì tính tiện dụng, rẻ, dễ bảo giản và “date” dài. Cùng với quan điểm “mì tôm đã là món ăn quen thuộc với bà con vùng lũ”.

Đồng thời, với bánh chưng, không ít người vẫn cho rằng việc bị thiu, mốc chỉ là thiểu số, do không hút chân không hoặc khâu vận chuyển có vấn đề. Còn nếu hút chân không, thời gian bảo quản có thể tới cả tuần, thậm chí nửa tháng. Có một số người còn cho rằng, nếu bánh chưng mới mốc, chỉ cần cắt phần mốc đi, “chiên lên là vẫn ăn được, ngon là đằng khác”.

Một bài đăng liên quan nhận được hàng nghìn tương tác, chia sẻ trên facebook chỉ sau hơn 24h.

Cục An toàn thực phẩm đã phải lên tiếng

Trước việc nhiều loại thực phẩm, trong đó có bánh chưng, bánh tét, giò chả, xúc xích, bánh mì… được nhiều hội nhóm từ thiện và cá nhân tự chế biên, quyên góp gửi về các vùng lũ lụt, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã đưa ra khuyến cáo nhằm bảo đảm thực phẩm an toàn tới tay người dân.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm ghi nhận, trong số hàng cứu trợ năm nay, tiếp tục có nhiều loại bánh chưng, bánh mì và thực phẩm do các nhóm hay hộ gia đình tự chế biến được hút chân không để bảo quản trong quá trình vận chuyển, phân phát đến cho bà con vùng lũ lụt.

Cục này cho biết, việc áp dụng phương pháp hút chân không mà đầu vào là thực phẩm và cách chế biến không bảo đảm thì cũng có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân khi cứu trợ thực phẩm thì cần ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mì ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định.

Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ cần lưu ý: Lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như thịt khô, cá khô, bắp, các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ (nhiều giờ) như bánh chưng, bánh tét, sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không.

Đồng thời, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm; khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp.

Nên hỗ trợ những loại thực phẩm tự chế biến, bao gói hút chân không cho những khu vực mà thời gian vận chuyển ngắn để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với thực phẩm hỗ trợ trong thời gian sớm nhất kể từ khi chế biến.

Theo chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không có thể giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản thực phẩm nhưng vẫn có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm do việc chế biến không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn yếm khí (vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường thiếu không khí), sinh độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.

Một trong các vi khuẩn yếm khí thường hay gây ngộ độc trong các loại thực phẩm đồ hộp, thực phẩm bao gói hút chân không là vi khuẩn Clostridium botulinum. Theo đó, khi mở bao bì ra, nếu nghe tiếng “xì” tức là có không khí ở trong, nếu hơi “nặng mùi” thì cũng không nên sử dụng để phòng đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum.

Với lực lượng cấp phát thực phẩm cứu trợ, cần bao gói hàng cẩn thận để tránh bị ngấm nước mưa hoặc rơi, ngập trong nước lũ, bùn. Đối với các thực phẩm tự chế biến, bao gói có thời hạn sử dụng ngắn, cần lưu ý thời gian vận chuyển để đảm bảo khi thực phẩm tới tay người được cứu trợ không bị biến chất, ôi, thiu, mốc hỏng.

Còn với người sử dụng thực phẩm cứu trợ, cần kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn; tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, biến dạng, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường không.

Cao Tuấn