10/07/2024 12:47:44

CĐ Công nghiệp Bắc Ninh: Lần đầu sinh viên “sát hạch”, bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp

Thay vì thực hiện và bảo vệ đồ án tại trường, vừa qua 39 sinh viên Cao đẳng K13A1 chuyên ngành Tự động hóa công nghiệp của trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi) đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp ngay tại Trung tâm đào tạo Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina.

Hiện nay, các em sinh viên bắt đầu bước vào thực tập, ở vị trí kỹ thuật viên tại doanh nghiệp và có lương ngay cả khi chưa tốt nghiệp.

Mô hình phân loại sản phẩm – đồ án của sinh viên BCi bảo vệ tại Goertek Vina

Lợi ích 3 bên với mô hình “1 + 1 + 1”

Đây là số sinh viên khóa đầu tiên được nhà trường ký kết hợp tác đào tạo cùng Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina theo “đơn đặt hàng” ngay từ khi tuyển sinh đầu vào. Với mô hình đào tạo “1 + 1 + 1”, sinh viên ngành Tự động hóa công nghiệp của nhà trường được đào tạo những kiến thức cơ bản tại nhà trường vào năm thứ nhất; sang năm thứ hai, các em được đào tạo bài bản, nâng cao tại doanh nghiệp; năm thứ ba, các em bắt đầu được ứng tuyển vào các vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Như vậy, với tổng thời gian đào tạo 2,5 năm, các em đã có tới hơn 2/3 thời gian được học tập, trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp. Chương trình phối hợp đào tạo song hành giữa trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh và Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina đã đáp ứng kịp thời Cung – Cầu nguồn nhân lực có hàm lượng kiến thức, kỹ năng nghề chất lượng cao cho thị trường lao động.

Sự phối hợp trong phương thức đào tạo này mang đến những lợi ích to lớn cho 3 bên liên quan: Nhà trường – Sinh viên – Doanh nghiệp. Đó là, lợi thế cho sinh viên được học tập trên nền tảng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại tại doanh nghiệp; doanh nghiệp sẽ có được nguồn nhân lực qua đào tạo chuyên nghiệp, đáp ứng đúng với tiêu chí, vị trí việc làm. Đặc biệt, lợi ích mang đến cho các em sinh viên trong hành trình kiến tạo kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng có cơ hội việc làm rộng mở.

Mô hình tay gắp sử dụng robot 4 trục- Đề tài do nhóm sinh viên Tự động hóa Công nghiệp BCi bảo vệ đồ án tại Goertek Vina

Hơn nữa, trong quá trình học tập tại doanh nghiệp, các sinh viên Tự động hóa K13 của trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh còn được doanh nghiệp cấp học bổng 5 triệu đồng/ học kỳ/ sinh viên; hỗ trợ 300 nghìn xăng xe/ tháng/ sinh viên; được đào tạo ngôn ngữ tiếng Trung miễn phí và các kỹ năng mềm trong văn hóa giao tiếp, ứng xử trong mối quan hệ làm việc nhóm…

Bằng những cơ chế ưu đãi, chính sách học bổng từ doanh nghiệp, những sinh viên trong chương trình đào tạo cùng Goertek Vina đều có động lực phấn đấu, đam mê với nghề đã chọn, để trở thành những kỹ sư thực hành giỏi cho doanh  nghiệp.

Sinh viên Ngô Văn Giáp – K13 A1 Tự động hóa cho biết, ở trường sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản chung về các loại máy móc. Còn tại doanh nghiệp lại là một thế giới mới, nhiều điều thú vị bởi sự đa dạng của dây chuyền sản xuất, của máy móc hiện đại và được đào tạo nâng cao về máy móc của doanh nghiệp.

Thời gian học tập tại doanh nghiệp được tập trung học nghề, phát triển kỹ năng nghề chuyên môn trong 2 học kỳ (năm thứ hai). Chính vì thế, sinh viẻn luôn được cập nhật, tiếp cận công nghệ mới tổng hợp trong các lĩnh vực: Điều khiển robot, vision, thiết kế lắp đặt trạm cơ điện tử, thiết kế mạch điện (điện dân dụng, điện- điện tử).

Trong quá trình học tập tại doanh nghiệp, sinh viên được giảng viên của doanh nghiệp thường xuyên đưa ra các đề bài liên quan xử lý các lỗi thường gặp, những vấn đề của tự động hóa trong công nghiệp sản xuất. Những giờ học nghiêm túc đòi hỏi sự tập trung của mỗi sinh viên, để vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn.

39 sinh viên K13 Tự động hóa công nghiệp trong màu áo BCi thành công bảo vệ đồ án tại Goertek Vina

Có thể nói, học tập tại môi trường doanh nghiệp giúp mỗi sinh viên trở nên trưởng thành, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Kỹ năng nghề vừa phát triển trên nền tảng cơ bản, ứng dụng thực tế, đồng thời cũng không ngừng phát triển tư duy sáng tạo, thích ứng, xử lý được các tình huống, lỗi thường gặp xảy ra trong vận hành máy móc, dây truyền sản xuất.

Tự tin và hài lòng với sự lựa chọn của mình, sinh viên Giáp phấn khởi chia sẻ: “Chúng em sẽ không mất thời gian để đi xin việc. Ngay sau khi bảo vệ đồ án tại doanh nghiệp em đã được ứng tuyển vào các vị trí kỹ thuật viên và bước vào giai đoạn thực tập có lương và sẽ trở thành kỹ sư thực hành, được công ty chính thức ký hợp đồng nhận vào làm việc khi nhận bằng tốt nghiệp. Sự khởi đầu thuận lợi này sẽ giúp em và các bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề. Sau này sẽ có nhiều lựa chọn và làm việc ở bất cứ nơi đâu”.

Thầy Trần Trung Hậu, giảng viên nghề Tự động hóa công nghiệp của nhà trường cho biết: “Nhà trường và doanh nghiệp song hành đào tạo theo mô hình “1 + 1 + 1” sẽ giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực trong cả thực hành kỹ năng nghề nghiệp, kích thích tư duy sáng tạo, hình thành bản lĩnh tự tin, làm chủ bản thân và làm chủ được công nghệ. Tại buổi bảo vệ đồ án, các em sinh viên đều rất tự tin, hào hứng bởi những ngày thực tập có lương tới đây. Cơ hội thu nhập của các em sẽ tăng trưởng cùng với kỹ năng nghề luôn được doanh nghiệp đánh giá, nâng tầm kỹ năng lao động”.

“Sát hạch” trước khi ứng tuyển vào vị trí việc làm

Trước khi bước vào giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp, việc bảo vệ đồ án được coi là cuộc thi đánh giá kỹ năng, kiểm tra “sát hạch” để nhìn nhận lại chất lượng nguồn nhân lực có chắc chắn đảm nhận được các vị trí kỹ thuật viên mà doanh nghiệp kỳ vọng.

Bảo vệ đồ án tại doanh nghiệp có sự tham gia đánh giá của giảng viên nhà trường, giảng viên, kỹ sư tại doanh nghiệp và quản lý giám sát các vị trị việc làm.

Khác biệt hẳn so với bảo vệ đồ án tại trường, các đề tài bảo vệ của sinh viên chính là đề bài của doanh nghiệp đưa ra để sinh viên cùng thực hiện, dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, giảng viên của nhà trường và doanh nghiệp.

Theo đó, đã có 8 nhóm đề tài được doanh nghiệp đưa ra. Mỗi đề tài đều gắn sát với kỹ năng chuyên môn được học, sát với thực tế đời sống sản xuất, đòi hỏi mỗi sinh viên ở mỗi nhóm thực hiện đều phải ứng dụng được các kiến thức, kỹ năng được học và bảo vệ được các kỹ năng thực hiện trong qúa trình thực hiện đề tài.

Đại diện nhóm sinh viên thực hiện đề tài: “Ứng dụng robot Janome, đấu nối, lập trình điều khiển dây chuyền điểm keo tự động”, sinh viên Nguyễn Thế Thành – CĐ K13 A1 Tự động hóa Công nghiệp tự tin cho biết: “Được sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Trần Trung Hậu, giảng viên BCi và Kỹ sư Bùi Văn Hoàng- Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina và những kiến thức được học, chúng em đã hoàn thiện sản phẩm đồ án. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều đề tài để phát triển tư duy sáng tạo, hình thành kỹ năng nghề đáp ứng được yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao tại doanh nghiệp”.

Chương trình 1 + 1 + 1 khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo của nhà trường trong bối cảnh thích ứng, bắt kịp với cuộc CMCN 4.0.

Thầy Vũ Quang Khuê – Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh cho biết: “Bảo vệ đồ án tại doanh nghiệp, với những đề tài bám sát thực tế sản xuất của doanh nghiệp, thông qua những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và cả kỹ năng nghề khi thực hiện đồ án… đều được hội đồng ban giám khảo là giảng viên nhà trường, kỹ sư, giảng viên doanh nghiệp, cán bộ phụ trách quản lý các vị trí việc làm tham gia đánh giá công bằng, khách quan. Mô hình này cho thấy thực tế doanh nghiệp đã tham gia chính thức vào quá trình đào tạo hiện nay, mang lại hiệu quả và lợi ích cho cả nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp.

100% các em sinh viên tham gia bảo vệ đồ án lần đầu tiên trong chương trình đào tạo “1 + 1 + 1” với Goertek đều đạt chuẩn kỹ năng, đảm nhiệm được các vị trí việc làm đúng với chuyên môn được học tại doanh nghiệp. Trên cơ sở những hiệu quả ban đầu, nhà trường và Goertek sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo mô hình này trong những năm tiếp theo”.

Sự khác biệt này tạo nên thương hiệu, khẳng định hướng đi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0, nắm bắt đúng xu hướng phát triển của GDNN là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp, cung ứng cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các vị trí việc làm chủ chốt cho doanh nghiệp trong và nước ngoài tại Việt Nam.

Thu Thủy