Trong bối cảnh các trường đại học tuyển sinh đại trà, mở rộng cánh cửa vào đại học quá dễ thì tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2024 lại đang có xu hướng nâng cao chất lượng đầu vào. Nhiều trường cao đẳng tuyển sinh một số nghề lấy điểm quy đổi lên tới 31 điểm. Đào tạo chất lượng cao để sinh viên tự tin bước ra thị trường quốc tế đang là một trong những “sức hút” mới của các trường nghề.
Gắn tuyển sinh với cam kết tuyển dụng
Bí kíp này không xa lạ với các trường nghề nhưng nó giúp phụ huynh và học sinh con em họ yên tâm khi lựa chọn học nghề. Việt Nam là đất nước chuộng khoa cử bằng cấp nên việc tuyển sinh đại học không vất vả mất nhiều công sức như tuyển sinh học nghề. Cũng chính trong cái khó, các trường nghề đã sớm tìm ra lối đi riêng, đó là gắn tuyển sinh với cam kết tuyển dụng.
Thuận lợi lớn mà các trường nghề có được đó là thị trường việc làm cần lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề làm việc trực tiếp nhiều hơn là cần lao động có bằng cấp đại học làm việc gián tiếp. Hiện đa số các trường trung cấp, cao đẳng nghề đều “có trong tay” hàng chục tới hàng trăm đối tác doanh nghiệp hợp tác đào tạo và hỗ trợ giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.
Đại học hay học nghề đều cao quí, đều chung đích đến là việc làm ổn định. Tuy nhiên với học nghề, mục tiêu việc làm đã sớm được các trường cao đẳng cam kết và thực hiện khá hiệu quả đối với sinh viên trong suốt quá trình học và sau khi kết thúc 3 năm học. Nhiều trường tỷ lệ SV ra trường có việc làm đạt 75 – 80%, một số ngành nghề 100% SV có việc làm ngay sau tốt nghiệp với mức lương 20 – 25 triệu đồng/tháng. Vì vậy con đường đến với việc làm và thu nhập của SV các trường nghề luôn ngắn hơn và được đảm bảo rõ rệt. Hiện đa số các trường nghề đều có Trung tâm Hỗ trợ việc làm cho SV và hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo.
Gắn đào tạo với yêu cầu kỹ năng của doanh nghiệp
Nếu trướng kia, đào tạo gắn với doanh nghiệp hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề chỉ là để đưa sinh viên đi tham quan, thực tập trải nghiệp và để giới thiệu việc làm cho sinh viên thì vài năm gần đây nhiều cơ sở GDNN đã chuyển đổi sang mô hình liên kết với doanh nghiệp “đào tạo kép”, coi doanh nghiệp như ngôi trường thứ 2 để sinh viên học nghề ngay tại doanh nghiệp. Sau khi học các kiến thức kỹ năng cơ bản ở trường, SV xuống doanh nghiệp được tiếp xúc, thực hành trên công nghệ máy móc thiết bị mới, các tiêu chuẩn kỹ thuật mới và thực hành các kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, (HNIVC) hợp tác với Tập đoàn công nghệ FUNA – AI Tô Châu đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ tự động hóa thông minh; hợp tác với VinFast đào tạo chương trình chất lượng cao nghề công nghệ ô tô… Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh hợp tác với Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek VINA và Tập đoàn Kỹ thuật Công nghệ Hồng Hải đào tạo SV theo “mô hình 1+ 1 +1” ; CĐ Cơ điện Hà Nội hợp tác với VinFast và nhiều doanh nghiệp đình đám khác đào tạo theo mô hình thực học, thực hành; CĐ Công nghệ Bách khoa Hà Nội thực hiện “đào tạo sinh viên trong lòng doanh nghiệp”…
Hiện các mô hình trên đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho cả 3 phía nhà trường – doanh nghiệp và sinh viên. Tùy từng ngành nghề và doanh nghiệp, đa số SV GDNN trong quá trình học việc tại doanh nghiệp đã có thu nhập từ 6 triệu đến 20 triệu đồng/người/tháng. Kết thúc thời gian học nghề tại doanh nghiệp, trở về trường học tiếp và thi lấy bằng tốt nghiệp SV đã được doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với mức lương chính thức khá cao.
Theo tìm hiểu, bảng lương của SV năm thứ 2 Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội thực tập học nghề tại VinFast đạt từ 7 – 18 triệu đồng/người/tháng. Thầy Nguyễn Văn Huy, Hiệu phó Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, mô hình “đào tạo kép” giúp SV nhà trường bổ sung các kiến thức và kỹ năng thực tế tại doanh nghiệp, qua đó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Với mô hình này, hầu hết các em đã có việc làm sau tốt nghiệp.
Đào tạo để sinh viên bước ra thị trường lao động quốc tế
Già hóa dân số, khan hiếm nhân lực đang diễn ra ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Úc, Canađa…Nắm bắt nhu cầu săn tìm nhân lực của các nước phát triển, nhiều cơ sở GDNN của Việt Nam đã xây dựng mô hình đào tạo nhân lực trình độ cao tham gia thị trường lao động quốc tế.
Bên cạnh đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn tại trường và tại doanh nghiệp trong nước, nhiều trường còn thí điểm liên kết với các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp nước ngoài đào tạo cập nhật kiến thức công nghệ mới, kỹ năng mới phù hợp với văn hóa và kỹ năng của doanh nghiệp tuyển dụng.
Đào tạo để sinh viên đủ điều kiện kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế đang là xu hướng mới của các trường nghề, thu hút tuyển sinh khá đông sinh viên theo học.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh mở ra hướng đi mới thông qua chương trình thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp SV chủ động hội nhập thị trường lao động quốc tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Một trong những dự án đang được triển khai là CĐ Công nghiệp Bắc Ninh hợp tác với Học viện Cơ điện Quảng Tây (Trung Quốc) và Cty THHH Goertek Vina theo “mô hình 1+1+1” nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho Goertek Vina.
Theo mô hình này SV sẽ học kiến thức cơ bản và ngoại ngữ năm thứ nhất tại CĐ Công nghiệp Bắc Ninh; năm thức 2 các SV đủ điều kiện sẽ học tập tại Học viện Cơ điện Quảng Tây. Năm thứ 3 các em trở về Việt Nam học tiếp năm cuối tại trường và thực hành tại Cty Goertek Vina. Tốt nghiệp xong, các em được Goertek Vina nhận vào làm việc luôn.
Tại CĐ Công nghệ Bách Khoa, một trong những cơ sở GDNN quốc tế hóa sinh viên tiêu biểu nhất, SV được định hướng ngay từ đầu “Học để bước ra thế giới”. Để thực hiện phương châm này CĐ Công nghệ Bách khoa đã xây dựng hệ sinh thái giúp SV sớm tiếp cận với môi trường đào tạo và sinh hoạt hiện đại.
Trường có trung tâm đào tạo ngoại ngữ tạo điều kiện cho SV hoàn thiện ngoại ngữ đạt trình độ tham gia thị trường lao động các nước phát triển. Hiện CĐ Công nghệ Bách khoa có hơn 500 đối tác doanh nghiệp trong nước và là địa chỉ du học nghề được phụ huynh và học sinh tin tưởng. 100% SV CĐ Công nghệ Bách khoa ra trường có việc làm.
Phương Minh