22/01/2024 12:25:25

Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyển sinh và truyền thông trong các trường dạy nghề khu vực Đông Bắc

Đây là chủ đề Hội thảo khoa học do trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh (BCi)  tổ chức, thu hút 10 cơ sở GDNN tham gia chia sẻ những khó khăn, rào cản trong tuyển sinh, qua đó  đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, cũng như các giải pháp đẩy mạnh truyền thông để hỗ trợ tích cực cho công tác tuyển sinh tại cơ sở GDNN trong thời gian tới.

“Có bột mới gột nên hồ” 

Tại hội thảo, đại diện tất cả các trường tham dự tham dự đều khẳng định giá trị cốt lõi để hấp dẫn tuyển sinh chính là thương hiệu của mỗi nhà trường. Muốn có thương hiệu, ngoài yếu tố nền tảng cơ sở vật chất, mỗi cơ sở GDNN đều phải chú trọng xây dựng và phát triển con người, đội ngũ giáo viên với trình độ năng lực chuyên môn giỏi đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy.

Bởi vậy, muốn truyền thông tốt cho thương hiệu của nhà trường, nhà trường đó phải có giá trị thực về chất lượng đào tạo, đó chính là hướng đi bền vững, hiệu quả.

Điều này, đòi hỏi các cơ sở GDNN luôn có sự năng động, sáng tạo, đổi mới trong nhiều lĩnh vực, từ quy trình tuyển sinh, đào tạo cho đến tạo cơ hội đầu ra cho HSSV, đảm bảo cơ hội việc làm bền vững.

Thầy Nguyễn Văn Mễ – Phó hiệu trưởng BCi: “Chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng để truyền thông, thu hút tuyển sinh”.

Thầy Nguyễn Văn Mễ – Phó hiệu trưởng BCi cho biết, nếu như năm học 2014 nhà trường chỉ tuyển sinh được 213 học sinh thì đến năm 2023, số lượng tuyển đã lên tới 936, tăng tới 405%. “Con số tăng trưởng vượt bậc đó chính là sự khẳng định cho giá trị thương hiệu, chất lượng mà BCi xây dựng được trong những năm qua” – thầy Mễ nhấn mạnh.

Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Mễ cũng cho biết, những năm gần đây nhiều học sinh có điểm tốt nghiệp THPT rất cao, đăng ký xét tuyển vào trường đạt thủ khoa từ 23 – 25 điểm. Bên cạnh chất lượng đầu vào tốt, BCi có đội ngũ giảng viên, trình độ chuyên môn giỏi, cùng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tham gia đào tạo, giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

“Có bột mới gột nên hồ. Đây chính là những chất liệu tốt để truyền thông thương hiệu cho nhà trường thu hút tuyển sinh. Truyền thông không phải là quảng cáo, không thể nói quá, nói những gì mình không có” – thầy Mễ khẳng định.

Đồng quan điểm này, ông Đào Đình Khoa – Phó tổng biên tập Báo Bắc Ninh chia sẻ từ kinh nghiệm là đối tác truyền thông đồng hành lâu năm với các nhà trường cho rằng: “Học sinh đang tìm đến các cơ sở GDNN bằng sự tin tưởng và ra đi bằng sự hài lòng và BCi là một ví dụ điển hình. Thông qua truyền thông, thương hiệu và chất lượng nhà trường đã tạo được niềm tin đối với đông đảo phụ huynh, học sinh đăng ký theo học”.

Đại biểu đại diện của các trường như CĐ Kỹ thuật Công nghiệp (Bắc Giang), trường CĐ Xây dựng công trình đô thị, CĐ Công nghiệp và Xây dựng (Quảng Ninh), CĐ Công nghệ Việt- Hàn Bắc Giang, CĐ Miền núi Bắc Giang cũng cho biết, các trường đều đang có quy mô tuyển sinh khá hấp dẫn, trong đó số lượng học sinh trình độ trung cấp học hệ song bằng (9+) tại các cơ sở này tương đương với số lượng học sinh của một trường THPT với hàng nghìn học sinh theo học. Trong đó, qua khảo sát đánh giá, phần lớn tỷ lệ HSSV đăng ký vào các cơ sở GDNN này đều vì tin tưởng thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường.

Tuy nhiên, dù nhiều trưởng có sự tăng trưởng cao nhưng tuyển sinh GDNN chưa bao giờ dễ dàng, nhiều ngành nghề đặc thù hiện vẫn rất khó tuyển sinh. Một số ngành, nghề như: Cắt gọt kim loạt, Cơ khí, Hàn, nhu cầu thị trường lao động rất lớn, trả lương cao nhưng nguồn nhân lực vẫn khan hiếm do khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo.

Thầy Trịnh Văn Dũng – Hiệu trưởng CĐ Xây dựng công trình đô thị: “Các trường đang thiếu nguồn lực và kinh nghiệm truyền thông”.

Hay ở khối nghề xây dựng, thầy Trịnh Văn Dũng – Hiệu trưởng CĐ Xây dựng công trình đô thị cho biết, hiện không có trường nào tuyển đủ cơ số HSSV học nghề xây dựng. Đây là thực trạng xót xa, nếu như không có kiến nghị, chính sách đặc thù ưu đãi cho nghề này để thu hút người học, sự thiếu hụt nguồn nhân lực này là rất lớn.

“Mọi người vẫn nói Việt Nam đang thừa thầy, thiếu thợ là sai. Thực tế chúng ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Các cơ sở GDNN đang rất thiếu giáo viên dạy nghề giỏi. Điều này cũng rất cần có tiếng nói truyền thông về cơ chế, chính sách để giúp các cơ sở GDNN thu hút, giữ chân giáo viên giỏi gắn bó với nghề” – thầy Trịnh Văn Dũng nêu ý kiến.

Vai trò của truyền thông là cực kỳ quan trong trong thu hút nguồn tuyển nhưng nhiều trường lại đang gặp khó khăn về nguồn lực cũng như kinh nghiệm.

“Cơ quan báo chí, truyền thông chuyên nghiệp đôi khi còn thiếu nhân lực, vật lực nói gì đến các trường, làm gì có biên chế cho cán bộ truyền thông. Đây chính là khó khăn mà các trường phải linh hoạt, tìm cách tháo gỡ”- Hiệu trưởng BCi Nguyễn Đức Lưu chia sẻ.

Tận dụng nhân lực tại chỗ, tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội là những cách mà BCi đang làm để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Kinh nghiệm của BCi là nhà trường thành lập Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng với nhân sự là chính các cán bộ, giảng viên trong trường. Trường cũng đầu tư trang thiết bị, phòng talkshow, thường xuyên tổ chức các hoạt động chia sẻ, giải đáp thông tin tuyển sinh, đào tạo, quảng bá rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông: báo chí chính thống, website nhà trường và tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok…, tạo được sự thu hút, hiệu quả truyền thông rất lớn.

Một số đại biểu thì cho rằng, thực tế cho thấy sự tư vấn của các giảng viên trong quá trình tuyển sinh đóng góp rất lớn vào quyết định đi học nghề của học sinh. Vì vậy, mỗi giảng viên trong trường chính là một kênh truyền thông hiệu quả, uy tín để thu hút nguồn tuyển mà các trường nên có kế hoạch để tận dụng nguồn lực, thông qua các tài khoản mạng xã hội cá nhân của giảng viên.

Còn theo thầy Nguyễn Công Thông – Hiệu trưởng CĐ Công nghệ Việt- Hàn Bắc Giang: “Cơ sở GDNN nói chung, cũng như CĐ Công nghệ Việt- Hàn Bắc Giang rất mong muốn được hợp tác với các cơ quan báo chí chính thống, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường có được những kiến thức về xây dựng tin, bài, hình ảnh các hoạt động tư vấn, tuyển sinh, đào tạo của nhà trường, giúp diện mạo của truyền thông các nhà trường trở nên đa dạng, phong phú, tạo hiệu ứng lan tỏa thay đổi nhận thức phụ huynh và học sinh về học nghề”.

Các đại biểu hội thảo nhóm để chia sẻ kinh nghiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm với hội thảo từ góc độ cơ quan báo chí chính thống, ông Phan Thanh Hải – Phó tổng biên tập Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống hệ thống một cách cơ bản và tổng quan nhất về truyền thông trong lĩnh vực GDNN. Theo đó bao gồm 3 lĩnh vực: truyền thông chính sách, truyền thông thương hiệu (nhà trường) và truyền thông thay đổi nhận thức.

Ngoài việc cần đầu tư nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất, các trường cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó xác định các kênh truyền thông hiệu quả cho từng lĩnh vực cũng như đối tượng mục tiêu: báo chí chính thống, website hay mạng xã hội. Việc xác định đối tượng mục tiêu sẽ giúp các trường có thể lựa chọn cách thức, phương pháp, nội dung kịch bản truyền thông phù hợp, nâng cao hiệu quả truyền thông.

Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết, trong lĩnh vực GDNN, để thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về học nghề thì chân dung những học sinh, sinh viên đã, đang học tập và thành công tại trường nghề chính là những chất liệu truyền thông chân thực, hiệu quả nhất để lan tỏa thông điệp truyền thông hơn là những bài viết, nội dung mang tính liệt kê, mô phạm kém hấp dẫn người đọc.

Bên cạnh đó, các chủ đề về cơ hội phát triển sự nghiệp, môi trường học tập – làm việc, cơ hội việc làm – tiền lương…cũng là những chủ đề các trường nên khai thác bằng các hình thức trẻ trung, hấp dẫn giới trẻ, tận dụng các kênh mạng xã hội để lan tỏa.

Ngoài việc tự triển khai, các trường nên hợp tác mạnh mẽ với các cơ quan báo chí, thường xuyên cung cấp thông tin về các hoạt động của nhà trường qua đó xây dựng, lan tỏa thương hiệu, nâng cao chất lượng truyền thông. “Các cơ quan báo chí đều rất sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các trường trong việc lan tỏa thông tin, xây dựng thương hiệu và thay đổi nhận thức xã hội về học nghề, lập nghiệp” – ông Hải khẳng định.

Bảo Linh