Cà Mau là tỉnh có lợi thế rất lớn để phát triển thủy sản, đặc biệt là con tôm. Để đa dạng hóa sản phẩm cũng như nâng cao giá trị con tôm Cà Mau, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, phát triển thành các sản phẩm OCOP.
Có những sản phẩm ra đời từ tự nhiên như một món ăn giàu dinh dưỡng được người nội trợ làm riêng cho người thân trong nhà nhưng khi được ra thị trường lại trở thành những sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tôm chà bông Ngọc Giàu Cà Mau là một trong những sản phẩm như thế.
Món ngon chứa đựng những kỷ niệm đặc biệt, đầy cảm xúc

Bà Trương Ngọc Giàu chủ cơ sở kinh doanh Ngọc Giàu, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một trong những người đầu tiên đưa món tôm chà bông từ nhà ra phố, từ bữa cơm nhà lên kệ nhiều siêu thị lớn ở TPHCM. Bà Giàu chia sẻ: “Tôi chắc là có cái duyên với những sản phẩm chế biến sâu từ tôm: tôm khô, tôm ép, tôm xẻ, mắm tôm, tôm rim, nước mắm tôm, chả tôm, … mỗi sản phẩm ra đời đều gắn với những kỷ niệm khó quên.
Ngày ấy, khi tôi đưa ông ngoại lên chuyển viện từ Cà Mau lên TPHCM để điều trị, bác sĩ có dặn người bệnh chán ăn nên người nhà cứ chọn món người bệnh yêu thích mà cho ăn, không dễ mất sức. Lúc đó, sức khỏe ông của tôi yếu và bệnh cũng chưa có nhiều tiến triển khả quan. Ngặt nỗi, món ông thích ăn thì chỉ có tôm khô. Ngoại tôi từ thời trai trẻ đến khi về già chỉ có cái thú duy nhất là ngồi nhâm nhi vài con tôm đất khô với bình trà nóng. Ông hay nói tôm đất quê mình là loại tôm ngon, bởi nó được sinh ra và lớn lên từ vùng đất lắng đọng phù sa như tình người Cà Mau vậy. Ngoại tôi ngày một yếu dần, thèm vị tôm khô cũng không thể ăn. Xót ruột, lúc đó, tôi đã lấy ít tôm đất khô mang theo luộc cho mềm ra, xé nhỏ để cho ông ăn với cháo trắng. Vậy mà, như một phép màu nhờ ăn được món yêu thích, thể trạng dần cải thiện và được điều trị tận tình mà ngoại tôi hồi phục. Có lẽ cái vị mằn mặn, ngọt ngọt, bùi bùi thắm đậm như tình người Cà Mau ấy đã mang ngoại tôi trở lại. Mấy ký tôm khô mang theo ngày ấy, hôm xuất viện, tôi cho hết các chị nuôi con nhỏ trong bệnh viện, chỉ cho các chị cách luộc tôm cho mềm, xé nhỏ, xé nhỏ làm thức ăn cho các cháu. Sau lần đó, món tôm khô chà bông Ngọc Giàu đã ra đời trong hoàn cảnh như thế”.
Tôm chà bông ngay khi được đưa ra thị trường với những đơn hàng nhỏ, lẻ đầu tiên đã được nhiều người ưa chuộng và trở thành món ăn tiện lợi cho mọi người, nhất là trẻ nhỏ, người già. Không chỉ ngon, tôm chà bông còn giàu giá trị dinh dưỡng. Trung bình trong 100g có thể chứa tới 80 g calo, trong đó bao gồm: chất đạm cung cấp năng lượng cho cơ thể; Vitamin A, C, D tốt cho sự hình thành và phát triển xương. Omega-3 và canxi giúp tăng cường thị lực và phát triển trí não; Protein giúp hình thành cơ bắp; Sắt giúp sản sinh tế bào hồng cầu; Chất xơ và khoáng chất tốt cho hệ tiêu hóa.

Tôm chà bông mở rộng được tiêu thụ cho con tôm đất xứ Đầm Dơi
Từ bao đời nay, người dân ấp Tân Thành, huyện Đầm Dơi đã phải chật vật tìm đầu ra cho nguồn tôm đất tươi sống của địa phương mỗi khi tới con nước xổ vuông. Lúc đó, thương lái thường ép giá khi nguồn nguyên liệu có nhiều. Để giúp cho người dân có công ăn việc làm nâng cao thu nhập, nhiều hộ kinh doanh đã phát triển nghề làm tôm khô.
Tuy nhiên, nguyên liệu để làm tôm khô đòi hỏi độ khắc khe về kích cỡ nên vẫn khó tiêu thụ hết lượng tôm đất của địa phương. Với kinh nghiệm của người có hàng chục năm gắn bó với nghề chế biến sâu con tôm, bà Trương Ngọc Giàu mạnh dạn thu mua, sử dụng nguyên liệu là tôm đất địa phương chế biến tôm chà bông, sản phẩm mới của mình. Để giữ được độ ngọt, thơm giàu chất dinh dưỡng, tôm chà bông được chế biến theo quy trình như: Tôm đất sống sau khi luộc chín, phơi khô, đập vỏ, rút tim; Sau đó, cho vào máy chế biến ra tôm chà bông.
Để được 1 kg tôm chà bông, trung bình phải sử dụng từ 8 – 9 kg tôm đất nguyên liệu. So với tôm khô truyền thống thì tôm chà bông có ưu điểm là thời gian sử dụng lâu nhưng tôm không bị khô, cứng. Người tiêu dùng chỉ cần mua về sử dụng mà không cần phải chế biến gì thêm.
Hiện nay, không chỉ tăng sản lượng bán ra thị trường phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, bà Ngọc Giàu thường xuyên mang các sản phẩm chế biến từ tôm Cà Mau, trong đó có tôm chà bông đi tham gia dự thi ở các Hội chợ hàng tiêu dùng trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm.
Bà Trương Ngọc Giàu cho biết: “Đến nay, cơ sở đã có 10 sản phẩm chế biến từ tôm của đến tay người tiêu dùng, có 2 sản phẩm đạt chuẩn chứng nhận OCOP 3 sao là tôm chà bông và tôm rang”.

Cùng với cơ sở Ngọc Giàu, hiện nay tôm chà bông cũng đã được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến tôm tại Cà Mau đưa vào danh mục hàng hóa của mình. Theo thời gian, từ món ăn chắt chiu từ tình yêu thương gia đình của người phụ nữ, tôm chà bông đã trở thành một sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Cà Mau, góp phần gia tăng giá trị nguồn tôm tự nhiên của địa phương này.
Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 137 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 53 sản phẩm của 22 chủ thể được chế biến từ tôm, chiếm 39%. Các sản phẩm OCOP được chế biến từ tôm trong tỉnh như: Tôm khô, bánh phồng tôm, chà bông tôm, chả tôm, tôm rang, mắm tôm chua, tôm khô ép,… mang hương vị đặc trưng của tôm Cà Mau. Các sản phẩm OCOP từ con tôm được đánh giá là phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thể hiện đậm nét đặc sắc, truyền thống của địa phương./.
Trần Quyền