19/12/2023 9:53:09

Vai trò cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng GDNN trên địa bàn

Cần kiên quyết sáp nhập các trường Cao đẳng, Trung cấp trên cùng một địa bàn cấp tỉnh, riêng với những thành phố lớn có thể duy trì một số lượng hữu hạn các trường. Tuy nhiên phải xây dựng các trường công lập có qui mô đủ lớn (Qui mô tối thiểu: 5.000 HSSV chẳng hạn). Các trường công lập này phải gắn chặt trách nhiệm chính trị trong đào tạo nghề tại địa phương.

Sinh viên CĐN Long An trong giờ thực hành.
  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, cơ bản phù hợp với các nước trên thế giới. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh… Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng; nhiều học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới…Kết quả của giáo dục nghề nghiệp đã góp phần quan trọng hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ; cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến. Chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng. Năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn hạn chế.

Việc gắn kết giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động; công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển lĩnh vực quan trọng này của đất nước.

NHẬN DIỆN NHỮNG BẤT CẬP

  1. Qui hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đã được ban hành nhưng mới chỉ dừng ở qui hoạch chung, dù đã có phân tầng về chất lượng nhưng chưa tính đến yêu cầu phát triển từng vùng, từng địa phương và liên kết vùng, liên kết địa phương, chưa qui hoạch đến qui mô đào tạo, trình độ đào tạo và số lượng đào tạo theo từng ngành nghề tại từng vùng và từng địa phương. Cần có kế hoạch triển khai qui hoạch và có các qui hoạch chi tiết hơn nữa để làm căn cứ đầu tư, căn cứ phát triển.
  2. Công tác điều tra, khảo sát về nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo nghề dường như chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tế (cả ở cấp độ địa phương và cấp độ ngành) từ đó công tác hoạch định chiến lược đào tạo nghề và khuyến nghị về việc tuyển sinh đào tạo cũng hầu như chưa được xem xét một các kỹ càng.

Ở Hàn Quốc, Chính phủ tổ chức điều tra nhu cầu cụ thể từng ngành nghề và cấp độ đào tạo để gửi khuyến cáo đến các cơ sở GDNN. Việc làm này khá hiệu quả và tránh được nhiều lãng phí khi mà đào tạo nghề là loại hình đào tạo có chi phí đắt đỏ hơn (Trong một số ngành nghề).

  1. Các cơ quan qunar lý nhà nước (QLNN) ở địa phương thường có xu hướng quan tâm hơn đến giáo dục phổ thông và giáo dục Đại học hơn là GDNN. Vai trò của GDNN ở các địa phương có vẻ mờ nhạt không chỉ so với các lĩnh vực khác mà còn mờ nhạt đối với ngay cả hệ thống giáo dục, Quyết định 522/QĐ-TTg ban hành từ 2018 đã yêu cầu rất rõ đến 2025 việc phân luồng 40% học sinh THCS đi học nghề nhưng cho đến nay, tỷ lệ này dường như không đạt được (khoảng 26%). Một số địa phương vẫn đang phấn đấu 70-75% học sinh THCS học lên THPT. Mỗi khi DN hoặc xã hội có nhu cầu về nhân lực có kỹ năng, các nhà quản lý thường trông đợi về các trung tâm như Hà Nội, TPHCM mà chưa chú ý đến tạo năng lực cho chính các cơ sở GDNN ngay tại địa phương mình. Đã có nhiều cơ hội phát triển cho các cơ sở GDNN ở địa phương bị bỏ qua do có sự xa cách giữa họ và các cơ quan QLNN.

Cơ chế chính sách cho đào tạo nghề, thu hút nhân lực giảng dạy GDNN cũng chưa được làm tốt. Các giảng viên giỏi có xu hướng bỏ ra ngoài làm doanh nghiệp với mức lương cao hơn. Các trường nghề công lập không đủ khả năng trả lương cao do nhiều ràng buộc về chính sách.

  1. Năng lực hoạch định chiến lược trong đào tạo nghề tại các địa phương còn những hạn chế nhất định. Các hạn chế này thường là (1) Hoạch định qui mô các cơ sở GDNN; (2) Hoạch định về nhân lực, cở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở GDNN; (3) Kế hoạch về đào tạo gắn với nhu cầu của địa phương có tính đến sự dịch chuyển lao động nội vùng và liên vùng còn hạn chế.

BẤT CẬP TRONG MÔ HÌNH 9+

Các cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh cũng chưa thể giải quyết những bất cập nội tại của mô hình học nghề  9+. Đây là loại hình giáo dục chưa được thống nhất qui định trong Luật GD và luật GDNN nên có tồn tại những bất cấp. Những bất cập là:

Về tổ chức: Chưa thống nhất đầu mối quản lý loại hình giáo dục này từ TW đến địa phương. Phần GDTX thì do ngành GD quản lý, phần dạy nghề thì do ngành LĐ-TB&XH quản lý. Các Trung tâm GDTX-GDNN thường có xu hướng lấy GDTX làm chủ đạo, các trường TC, CĐ thì mong muốn được dạy nghề theo qui định của Bộ LĐTB&XH, hai chương trình này được thiết kế theo cách chưa thể phối hợp với nhau vì vậy mới có những câu chuyện lùm xùm trên công luận trong thời gian qua.

  • Về cơ chế tài chính: Chưa có qui định rõ ràng và thuận lợi về cơ chế tài chính cho loại hình giáo dục này nên các địa phương và các trường nghề lúng túng trong việc chi trả những chi phí đào tạo cho phần GDTX, các chi phí này gồm: Chi phí chi trả cho cơ sở vật chất, chi phí hạ tầng điện nước, thông tin, chi phí giảng viên, chi phí quản lý…
  • Về hỗ trợ người học: Quyết định 53/QĐ-TTg chỉ hỗ trợ sinh hoạt phí cho các học sinh trong thời gian học nghề là 2 năm trong khi các học sinh phải học GDTX là 3 năm nên nhiều học sinh phải nghỉ giữa chừng vì không có tiền để học tiếp.
  • Về thời gian học:Điều 33 Luật GDNN qui định: “Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.” nhưng Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT qui định: Thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút và học trong 3 năm. Như vậy thời gian học GDTX chiếm trọn năm học, không có thời gian cho thực tập nghề.
  1. Về tự chủ trong các cơ sở GDNN: Hiện nay, nhiều địa phương đang giao tự chủ cho các cơ sở GDNN nhưng đây là một vấn đề đang gây tranh cãi trong các cơ sở GDNN bởi (1) Các địa phương có cách giao khác nhau, nơi thì đặt hàng, nơi thì giao tự chủ theo tỷ lệ % biên chế. Đơn giá đặt hàng cũng khác nhau (12 triệu/HSSV – 25triệu/HSSV/năm), tỷ lệ giao tự chủ theo biên chế cũng khác nhau và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đã có mô hình tự chủ thành công nhưng cũng có mô hình tự chủ thất bại. Cần có nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi vê cơ chế giao tự chủ cho các cơ sở GDNN

Các cơ quan QLNN tại địa phương dường như vẫn quan niệm dạy nghề như dạy Đại học mà chưa chú ý rằng Dạy nghề chi phí đắt đỏ hơn, khả năng thu hút người học thấp hơn dẫn tới chi phí tuyển sinh cao hơn, học phí thấp hơn Đại học do khả năng chi trả của phần lớn người học hạn chế hơn.

  1. Về Qui chuẩn thiết bị và qui chuẩn thiết kế phòng học trong đào tạo nghề: Chúng ta đang thiếu (1) hệ thống qui chuẩn hoặc các qui định liên quan đến không gian đào tạo (qui định cho 1 phòng và cho từng hệ thống phòng học, nhất là hệ thống phòng thực hành) và (2) Hệ thống các qui chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị dạy nghề (Danh mục tối thiểu không phải là qui chuẩn) nhất là các thiết bị đào tạo nghề dạng mô hình. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước và các cơ sở GDNN trong việc hoạch định chiến lược cũng như thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư phát triển.
  2. Thiếu cơ chế rõ ràng trong hợp tác đào tạo. Việc tái đào tạo thường do doanh nghiệp tự thực hiện nhưng họ lại bị hạn chế bởi việc thiếu các chuyên gia đào tạo, thiếu các chương trình đào tạo bài bản.
  3. Dường như chưa có chính sách rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp hợp tác đào tạo và tuyển dụng với cơ sở đào tạo.Các cơ quan QLNN tại các địa phương vì nhiều lý do đã duy trì một số lượng nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn một tỉnh cũng có những tác động chưa tốt đến chất lượng GDNN: Nguồn lực đầu tư bị dàn trải, năng lực đào tạo manh mún và thiếu khả năng thu hút Giảng viên cũng như sinh viên.

 KIẾN NGHỊSỬA ĐỔI, BỔ SUNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT GDNN

  1. Về sửa Luật:
  • Đề nghị sửa khoản 2) điều điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp: bổ sung thêm loại hình học nghề kết hợp học văn hoá GDTX cấp THPT và có qui định hợp lý về thời gian học nghề + học văn hoá, qui định về chế độ hỗ trợ với người học và cơ chế tài chính cho cơ sở GDNN triển khai thực hiện loại hình này
  • Sửa khoản 4) điều 34 của luật Giáo dục số 43/2019/QH14 theo hướng gỡ bỏ hạn chế quyền học liên thông lên bậc học Đại học của người học nghề được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
  • Sửa điều 43, điều 44 Luật Giáo dục theo hướng gỡ bỏ hạn chế quyền của các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT.
  1. Về Các văn bản khác:
  • Cần có hệ thống qui chuẩn về thiết kế và xây dựng phòng học/hệ thống phòng học cho đào tạo nghề cho các nghề, các bậc đào tạo. Bên cạnh đó cần có hệ thống qui chuẩn về thiết bị đào tạo nghề làm căn cứ cho công tác chuẩn bị đầu tư, mua sắm trang thiết bị và căn cứ để đánh giá, kiểm tra và đào tạo
  • Cần có hệ thống chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề đào tạo làm căn cứ cho đánh giá, nghiệm thu chất lượng đào tạo, làm căn đặt hàng đào tạo.
  • Cần có chính sách cụ thể về thu hút, đãi ngộ Giảng viên, giáo viên và nghệ nhân tham gia hoạt động GDNN
  • Cần có chính sách Đào tạo, bồi dưỡng Giảng viên phù hợp, sát với thực tế để tăng cường năng lực cho đội ngũ Giảng viên

KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GDNN

  1. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, UBND các tỉnh, thành phố triển khai điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu sử dụng lao động trên toàn quốc và từng vùng, từng địa phương làm căn cứ để giao chỉ tiêu, đặt hàng hoặc khuyến cáo từng cơ sở GDNN trong các công việc: Phát triển ngành nghề đào tạo, tuyển sinh, đào tạo… tránh lãng phí nguồn nhân lực.
  2. Cần một hệ thống chính sách, pháp luật hoàn chỉnh để các cơ sở GDNN cả công và tư hoạt động có hiệu quả nhất. Đào tạo và đào tạo lại nguồn lực lao động là sự nghiệp chung của đất nước, do vậy cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và xã hội.
  3. Cần một sự điều hành linh hoạt của các cơ quan QLNN về GDNN để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở GDNN trong tất cả các khâu như đã nói ở trên Cụ thể là: (1) Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; (2) Đào tạo giảng viên/giáo viên; (3) Tuyển sinh (Theo qui mô được khuyến cáo); (4) Chương trình đào tạo; (5) Hợp tác Doanh nghiệp và Hợp tác Quốc tế trong đào tạo và Giải quyết việc làm…
  4. Cần kiên quyết sáp nhập các trường Cao đẳng, Trung cấp trên cùng một địa bàn cấp tỉnh, riêng với những thành phố lớn có thể duy trì một số lượng hữu hạn các trường. Tuy nhiên phải xây dựng các trường công lập có qui mô đủ lớn (Qui mô tối thiểu: 5.000 HSSV chẳng hạn). Các trường công lập này phải gắn chặt trách nhiệm chính trị trong đào tạo nghề tại địa phương.
  5. Đề nghị UBND các tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương triển khai nghiêm túc các chỉ thị của Ban Bí thư, các Chỉ thị của Thủ tướng về phân luồng học nghề, học đại học để tạo điều kiện thuận lợi cho người học và cho các cở GDNN tuyển sinh, đào tạo nghề.
  6. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và xã hội xây dựng hướng dẫn chi tiết nội dung chuyển đổi số trong GDNN làm căn cứ để các địa phương, các cơ sở GDNN triển khai thực hiện.

Ths. Hoàng Quang Đạt

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Giáo dục
  2. Luật Giáo dục nghề nghiệp
  3. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  4. Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệpthời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  5. Giải pháp đào tạo lại lao động trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Tp. Hồ Chí Minh – Tác giả: Đào Trung Thành. Lê Thanh Hải,…
  6. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập – Đỗ Thu Hương – ThS. Lê Thị Thu Trang – Đại học Lao động Xã hội.