Luôn bắt nhịp, đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, thầy giáo Đặng Văn Cường, Phó trưởng khoa Giáo viên, Phân hiệu Đào tạo Thanh Hóa, trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) vinh dự là 1 trong 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) xuất sắc, được gặp mặt Thủ tướng Chính Phủ.
“Mang thiết bị nhà máy” về làm trực quan tại lớp học
Muốn cho sinh viên hiểu rõ về tính chất của nghề Điện Công nghiệp, nhà trường thường phối hợp cùng các doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên tới tham quan, tìm hiểu tại các nhà máy, xưởng sản xuất để nắm bắt chi tiết, cụ thể từng bộ phận của hệ thống. Công việc đó đòi hỏi mất khá nhiều thời gian, bởi vậy thầy Cường đã sáng tạo ra mô hình đào tạo tự làm thu nhỏ làm công cụ giảng dạy trực quan tại chỗ cho học sinh, sinh viên.
Thầy quan niệm: “Năng lực sáng tạo của một thầy giáo dạy nghề chính là mang đến sự tiện tích, dễ hiểu nhất và phát triển kỹ năng nghề tốt nhất cho người học”. Sự tự tin đã giúp thầy làm nên những thành tích tại các kỳ hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh, cấp bộ, cũng như cuộc thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp (giải Ba Hội giảng Nhà giáo GDNN tỉnh Nghệ An – 2017; giải Nhì hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Thanh Hóa – 2019; Giải Nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI- 2019; giải C- giải thưởng Nguyễn Viết Xuân- Quân khu 4- 2019, giải Nhất Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021…)
Trong đó, thầy Đặng Văn Cường tâm đắc nhất thiết bị đào tạo tự làm với tên gọi “Mô hình trang bị điện cầu trục” giành giải Nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI- 2019.
Với mô hình này, thầy Cường đã và đang liên tục cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong mỗi giờ lên lớp, giảng dạy cho các em học sinh, sinh viên nghề Điện tử Công nghiệp.
Không cồng kềnh như thiết bị thật trong sản xuất, đây là một công cụ được thầy Cường thu nhỏ, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận trực quan ngay tại lớp học. Chính vì thế, giúp sinh viên “giải phẫu” cụ thể từng chi tiết, từng bộ phận một cách tường minh và sinh động. Thiết bị đào tạo tự làm của thầy Cường thực sự mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy, ưu việt nhất của công cụ này là giúp cho người học dễ hiểu, tiếp thu kiến thức nhanh hơn khi phải mất công tới tận doanh nghiệp để tìm hiểu.
Hệ thống “Mô hình trang bị điện cầu trục” cũng là công cụ hỗ trợ, giúp các em học sinh, sinh viên được học, tiếp cận gần nhất với thực tế vận hành. Các thao tác thực hiện kỹ năng trong từng mô-đun môn học trở nên dễ dàng đối với các em sinh viên. Có thể kể đến các kỹ năng ứng dụng trong kết nối, lắp ráp, bảo dưỡng và đặc biệt phát hiện lỗi thường gặp, cách khắc phục của hệ thống cầu trục một cách thành thạo…
Thiết bị công cụ dạy học đó mang tính tích hợp, rút ngắn được rất nhiều thời gian cho cả giáo viên, học sinh, sinh viên cũng như các doanh nghiệp. Điều này đã giải quyết được những tồn tại, vướng mắc đó là điều kiện của nhà trường chưa thể đáp ứng được hết các bài tập của chương trình và ứng dụng ngoài thực tế.
Không những vậy, “mô hình trang bị điện cầu trục” có thể sử dụng giảng dạy ở nhiều mô-đun khác nhau, rất linh động. Người học có thể thực hành nhiều lần (tháo, lắp, phát hiện lỗi, đấu nối, sửa chữa…), 100% không tiêu tốn thêm nguyên vật liệu. Mô hình được sử dụng trong rất nhiều bài học ở nhiều mô-đun khác nhau và được khai thác, có tính lâu dài, kế thừa khóa học, giúp giảm chi phí đào tạo. Mặt khác việc tích hợp nhiều bài tập thực hành trên một hệ thống cũng sẽ giảm được chi phí so với việc đầu tư các thiết bị thực hành đơn lẻ.
Kỹ năng nghề sát với thực tế sản xuất
Trước đây, khi chưa có mô hình trực quan này, học sinh, sinh viên thực hành trên các mô hình đơn lẻ, dàn trải từ nhiều mô-đun, panel nhỏ lẻ khác nhau. Việc thực hành lại sử dụng các rắc cắm thông qua các cầu đấu trung gian, cơ cấu chấp mạch được mô hình hóa bằng đèn, còi báo. Điều này thiếu thực tiễn nên học sinh sẽ khó có cái nhìn tổng quát. Do vậy trong quá trình đào tạo người học chưa được thực hành lắp ráp, phát hiện và khắc phục lỗi một cách thành thạo trên thiết bị thật, chưa hình thành được kỹ năng nghề. Khi ra trường HS –SV thao tác chưa thành thạo, chưa thực hiện ngay được được những tình huống công việc liên quan .
Còn khi có mô hình thu nhỏ ứng dụng tích hợp vừa bài giảng lý thuyết, thực hành rất trực quan, người học có điều kiện để nghiên cứu kỹ cấu tạo. Việc lắp đặt, gia công kết cấu và thi công kết cấu thép của phần cơ khí, vận hành, kiểm tra, phát hiện lỗi thường gặp của phần điện trở nên thuận tiện.
Cùng đó, mô hình trang bị điện cầu trục cho phép người học tiếp cận, bộ điều khiển từ xa, cài đặt và sử dụng biến tần, lập trình PLC, HMI, truyền thông giữa HMI- PLC, truyền thông giữa biến tấn – PLC và truyền thông công nghiệp. Các thiết bị trên mô hình phù hợp, thuận tiện cho người học quan sát và thực hành.
Thầy Cường cho biết, mô hình mô phỏng được tương đối đầy đủ các tính năng của một cầu trục trong thực tế sản xuất. Màu sắc hài hòa, đường nét cân xứng, kích thước hợp lý đã đem lại nguồn cảm hứng cho người học khi tham gia học tập.
Bên cạnh vai trò là một người thầy, nhà giáo Đặng Văn Cường được biết đến là một kỹ sư nhiệt huyết với các doanh nghiệp. Ngoài thời gian lên lớp truyền thụ cho các em kiến thức, kỹ năng, thầy Cường còn là “sứ giả” của nhà trường thường xuyên tham gia xử lý sự cố, tư vấn giải pháp hệ thống điện công nghiệp- tự động hóa cho một số phân xưởng, công ty trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngay cả sinh viên của thầy Cường, sau khi tốt nnghiệp cũng được các doanh nghiệp này nhận vào làm việc, đúng với vị trí việc làm được học là phát huy thế mạnh trong lĩnh vực cầu trục và bắt bệnh, sửa lỗi liên quan, bảo trì, bảo dưỡng khắc phục sự cố của loại thiết bị này.
Có thể nói, sự tương tác giữa nhà giáo Đặng Văn Cường với doanh nghiệp đã tạo nên nền tảng gắn kết thực hành, thực học, thực nghiệp hiệu quả. Đó cũng là thương hiệu, khẳng định chất lượng đào tạo nghề của trường CĐN số 4/BQP.
Thu Thủy