19/11/2023 8:55:44

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Giảng viên bếp nóng Đặng Đình Thiết và hành trình 20 năm gắn bó với lửa nghề

Trời nắng như đổ lửa, trong gian bếp nóng của trường hướng nghiệp Á Âu, giảng viên Đặng Đình Thiết và nhiều học viên của mình vẫn miệt mài chế biến, trình bày những món ngon đầy màu sắc. Những đôi tay thoăn thoắt, những động tác thuần thục hòa quyện cùng hương thơm của các món ăn tạo nên một giảng đường hết sức đặc thù, đặc trưng của nghề bếp. Ở đó, giảng viên Đặng Đình Thiết không chỉ truyền nghề mà còn truyền lửa đam mê ẩm thực Việt cho biết bao thế hệ học viên của mình.

Cứ vào bếp, giảng viên Đặng Đình Thiết như hóa thân thành một nghệ sĩ biểu diễn đầy năng lượng

Trót yêu nghề bếp vì mê  ăn ngon

Đam mê làm bếp đã có trong thầy giáo dạy nghề Đặng Đình Thiết từ nhỏ. Bắt đầu từ việc yêu thích những món ăn ngon của ẩm thực truyền thống Việt Nam, đam mê nghề đã thôi thúc anh tự mày mò học bếp để nấu cho chính mình, cho người thân trong gia đình.

Càng về sau, anh càng say với nghề và theo học các khóa đào tạo bếp từ cơ bản đến nâng cao để tay nghề thêm vững vàng và trở thành bếp trưởng. Với anh ngày đó, hình ảnh bếp trưởng vừa rất ngầu vừa có một tương lai rộng mở, giúp anh tự tin hơn bước vào sân chơi lớn của văn hóa ẩm thực.

Giảng viên Đặng Đình Thiết (thứ hai từ trái sang) làm BGK trong một cuộc thi tay nghề ngành ẩm thực

Năm 2003, khi anh bắt đầu chuyên tâm với nghề bếp, lĩnh vực này ở Việt Nam chưa thực sự lớn mạnh như hiện nay. Hình ảnh những người bếp trưởng hiếm hoi lúc ấy cũng tạo động lực cho anh gắn bó hơn với nghề và trải qua rất nhiều vai trò bếp trưởng, quản lý bếp ở nhiều nhà hàng, trung tâm tiệc cưới quy mô tại TPHCM.

Tinh thần học tập không ngừng, kiên trì với đam mê nghề bếp đã thúc đẩy anh tham gia nhiều chương trình thi thố tay nghề đẳng cấp thời ấy. Anh chia sẻ, mỗi cuộc thi, trận đấu đã cho anh rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu để làm nghề tốt hơn và có thể chia sẻ với học viên về sau để góp phần xây dựng những thế hệ người làm bếp tinh thông tay nghề, linh hoạt với yêu cầu thực tiễn đời sống.

Đến đam mê ‘truyền lửa’

Nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các vị trí khác nhau nên anh Thiết đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm nấu ăn và kỹ năng quản lý bếp. Đến năm 2014, anh Thiết đã về tham gia đào tạo nghề bếp tại trường Hướng nghiệp Á – Âu.

Giảng viên Đặng Đình Thiết (đứng giữa) cùng học viên trong gian bếp giờ thực hành
Giảng viên Đặng Đình Thiết (đứng giữa) đang hướng dẫn học viên thực hành

Gần chục năm gắn bó với công tác đào tạo, anh Thiết chia sẻ: “Vừa làm việc tại nhà hàng vừa trực tiếp giảng dạy cho học viên, tôi luôn tạo ra không gian học tập như một gian bếp thực thụ. Ở đó, tôi thường đóng vai nhân viên phụ việc cho bếp trưởng, nhân viên ghi phiếu yêu cầu món ăn để học viên quen với môi trường làm việc thực tế, học được cách phản xạ tốt, xử lý thành thục mọi công đoạn chế biến món, ra món. Trong quá trình giảng dạy, tôi xem học viên của mình là những bếp trưởng nên luôn tạo ra những áp lực phải có của nghề để các em làm quen. Một đầu bếp khi đứng ở gian bếp của mình phải chịu được và xử lý tốt áp lực về nhiệt độ, tốc độ, thời gian chuẩn trong chế biến và phải đảm bảo được chất lượng cao nhất cho từng món ăn”.

Nhận mặt học trò cũ bằng hương vị khó quên, bằng kỷ niệm mắm muối

Gần mười năm gắn bó với gian bếp truyền nghề, giảng viên Đặng Đình Thiết không nhớ nỗi mình đã đào tạo cho bao nhiêu học viên nên chuyện nhớ tên, nhớ mặt học viên với anh luôn cần có bí quyết. Đó là hương vị khó quên và “kỷ niệm mắm muối” giữa thầy và trò.

Để dạy tốt, giảng viên Đặng Đình Thiết (bên phải) luôn tự học, tự nâng cao tay nghề qua thực tế làm nghề, qua trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp

Với anh, gặp lại học viên cũ tình cờ là một trong những điều thú vị của việc đi dạy. Nhiều lần đi công tác ở tỉnh, thành phố khác, vào ăn ở nhà hàng, quán ăn, anh lại bắt gặp hương vị khó quên hay còn gọi là bí quyết của nghề, bí quyết mà chỉ có anh và học viên học từ anh nắm được. Lần hỏi ra thì bếp trưởng là học viên cũ của mình, cảm xúc gặp gỡ ấy thực sự là món quà vô giá cho hành trình dạy nghề, truyền lửa của anh.

Đáng nói hơn là thầy trò gặp lại nhau, câu chuyện hàn huyên rất nhanh sẽ trở lại kỷ niệm mắm muối ngày nào, học viên cũ luôn báo cáo thành tích với anh bằng những kết quả gặt hái được với nghề, hay việc đã gia giảm muối, đường ở công thức được học để phục vụ thực khách tốt hơn.

Mong muốn góp công nâng tầm ẩm thực Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên về trăn trở với nghề và những gửi gắm đến học viên của mình, giảng viên Đặng Đình Thiết cho biết, mong muốn đầu tiên chính là học viên nghề bếp luôn trung thực với từng món ăn mình chế biến ra. Làm nghề gì cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, nghề đầu bếp cũng không phải ngoại lệ.

Biểu hiện trước tiên của đạo đức nghề đầu bếp là trung thực với từng món ăn do mình chế biến, từng món ăn phải chứa đựng lòng yêu nghề. Người đầu bếp luôn xác định món ăn mình nấu ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe của chính mình thì mới đủ tiêu chuẩn phục vụ thực khách. Đồng thời, học viên theo nghề bếp phải có đam mê và dành thời gian, tâm tư, công sức của mình với đam mê này. Bởi làm việc trong bếp nóng bức suốt cả ngày dài, nếu không có lòng đam mê thực sự với bếp núc, người đầu bếp khó có thể duy trì sức sáng tạo và tình yêu với việc chế biến món ăn.

Đối với anh Thiết, đầu bếp không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một niềm đam mê, một tình yêu cháy bỏng. Thế nên, ngoài mong muốn truyền tải niềm đam mê đó cho những người trẻ, anh còn kỳ vọng học viên qua đào tạo, ra nghề có thể cùng anh góp phần nâng tầm ẩm thực Việt Nam.

Anh chia sẻ, ẩm thực Việt Nam không chỉ độc đáo, đa dạng mà còn có thể xứng tầm so vai sánh bước với ẩm thực của nhiều quốc gia nổi tiếng trên bản đồ thế giới. Ngoài việc đồng bộ về tiêu chuẩn của ẩm thực Việt Nam, đội ngũ người làm nghề bếp cần được đầu tư, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bài bản. Thời gian qua, việc nhiều món ăn Việt Nam được thế giới ghi nhận, vinh danh và được du khách, thực khách nước ngoài yêu thích đã cho thấy sự hấp dẫn, thú vị của việc kết hợp giữa văn hóa ẩm thực với phát triển du lịch.

Để dạy tốt, giảng viên Đặng Đình Thiết (đội mũ đầu bếp) luôn tự học, tự nâng cao tay nghề qua thực tế làm việc, qua trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp

Thế nên, anh luôn vừa học, vừa làm, vừa bền bỉ chia sẻ bí quyết, rèn luyện tay nghề cho học viên để góp phần nâng tầm ẩm thực Việt Nam. Anh Thiết bộc bạch: “Với tôi, bí quyết trong nghề là điều cần được nhân rộng trong học viên, tôi không có quan niệm giấu bí quyết cho riêng mình mà càng nhân rộng, càng áp dụng hiểu quả, ẩm thực Việt Nam sẽ theo chân học viên đi khắp muôn nơi. Tôi rất vui khi không ít học viên của mình mang ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài phát triển thành các cơ sở kinh doanh F&B. Đó là cách món ngon Việt Nam hiện diện nhiều hơn, thường xuyên hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới”.

Tạm biệt gian bếp – lớp học đặc thù không bảng đen, phấn trắng mà thơm lừng mùi vị của món ngon, phóng viên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống vẫn cảm nhận được sức nóng hầm hập phía sau lưng. Nơi đó, thầy Đặng Đình Thiết và học viên vẫn say sưa với những món ăn sắp hoàn thành. Dù giáo dục nghề nghiệp có những đặc thù, khác biệt song người thầy dạy nghề vẫn là những người lái đò đáng kính. Họ luôn cần mẫn truyền lửa, truyền nghề cho học viên để làm thay đổi những cuộc đời bằng tri thức, bằng tay nghề, để góp phần tạo ra lực lượng lao động chất lượng ngày càng cao cho xã hội. Chính vì thế, nghề giáo xưa và nay vẫn luôn có một vị thế đặc biệt, luôn nhận được sự kính trọng của mọi giai tầng xã hội./.

Trần Quyền