Để đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, qua đó khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo của nhà trường, tiếp tục đóng góp đáng kể cho nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.
Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo
Trải qua gần 40 xây dựng và phát triển, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn; thu nhập của giáo viên rất thấp, trong khi đó nghĩa vụ lại rất cao; yêu cầu đổi mới GDNN hiện nay đòi hỏi người giáo viên phải thay đổi từ dạy tiếp cận nội dung sang thực hành tay nghề, nhưng người giáo viên vốn từ môi trường giáo dục trước đây không có tay nghề mà chỉ có kiến thức nên việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều công sức,….
Với tâm huyết xây dựng Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà nói riêng và khu vực nói chung, NGƯT – TS Trần Công Chánh, Hiệu trưởng nhà trường, đã đề ra nhiều chiến lược, giải pháp khắc phục khó khăn, không ngừng nỗ lực, năng động, đổi mới, sáng tạo để tạo ra đột phá. Trong đó, với sự nhạy bén trước xu thế phát triển của ngành, NGƯT – TS Trần Công Chánh đã lãnh đạo nhà trường thực hiện chuyển đổi năng lực nhà giáo đáp ứng yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bằng việc đưa thầy cô đến nhà máy, xí nghiệp để thực hành, thực tập, giúp nhà giáo có tay nghề vững vàng. Đây được xem là điểm đột phá lớn nhất mà Trường đã làm được. Ngoài ra, Thầy còn hướng tới xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng “mỗi người giỏi một nghề nhưng biết nhiều nghề, giỏi một việc nhưng biết nhiều việc” để thay đổi nhận thức, cũng như nâng cao năng lực, chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường còn đổi mới phương thức đào tạo bằng việc tổ chức các hình thức đào tạo thông qua sự tập hợp từ nguồn lực của xã hội, đó là xây dựng đội ngũ cộng tác viên gồm các nghệ nhân, các nhà khoa học, nhà giáo, các cán bộ chuyên môn giỏi để đồng hành với nhà trường mở rộng nhiều lĩnh vực mới. Đồng thời, tăng cường hợp tác, ký kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập. Hướng đi này không chỉ khắc phục được hạn chế về cơ sở vật chất của Trường mà còn tạo ra môi trường tốt, giúp học sinh, sinh viên có tay nghề vững vàng sau khi ra trường.
Nhà trường cũng đã và đang có mối quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong khu vực; chủ động tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học trong giảng dạy, quản lý, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho người học theo hướng “học tập suốt đời”. Đặc biệt, nắm bắt được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Lãnh đạo nhà trường còn tích cực triển khai chiến lược liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, nhằm góp phần đào tạo ra hàng ngàn cử nhân, kỹ sư đáp ứng nhu cầu đội ngũ nhân lực có trình độ cao cho các sở, ngành, doanh nghiệp, địa phương và các vùng lân cận.
Mặt khác, thầy Trần Công Chánh cho biết, trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu của Trường. Vì vậy, trong 3 năm liền (2019, 2020, 2021), nhà trường đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tự đánh giá, không ngừng cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng. Nhà trường đã không ngừng đầu tư, xây dựng và phát triển các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng các hoạt động GGNN; tiến hành xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng; tập trung xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng và tự đánh giá chất lượng GDNN theo các văn bản quy định và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động. Kết quả, đến nay, nhà trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên của Bạc Liêu đạt chuẩn về chất lượng GDNN.
Theo Hiệu trưởng Trần Công Chánh, không chỉ đào tạo ra một công nhân lành nghề, người kỹ sư thực hành tốt mà đạo đức nghề nghiệp cũng phải được đào tạo. Do đó, song song với giáo dục kiến thức, thực hành nghề nghiệp, nhà trường còn chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, hướng tới xây dựng thương hiệu đào tạo trên nền tảng văn hóa chất lượng, lấy chất lượng làm đầu.
Với việc triển khai các chiến lược phát triển mang tính đột phá của thầy Trần Công Chánh và Ban Giám hiệu, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể nhà giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu đã từng bước trở thành địa chỉ đào tạo, liên kết đào tạo tin cậy của tỉnh và khu vực. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã thành đạt, giữ những vị trí, trọng trách trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương. Trong đó, có những người thông qua đào tạo nghề nay trở thành những chủ doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt, qua đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương và khu vực.
Phấn đấu trở thành trường chất lượng cao
Cùng với chất lượng đào tạo đã được khẳng định, thời gian qua, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất dạy và học để áp ứng các yêu cầu về đào tạo. Nhà trường đã được lãnh đạo tỉnh, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở mới với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh với tổng diện tích sàn xây dựng là 20.740m2. Cơ sở mới của Trường hiện đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình và được đưa vào sử dụng với đầy đủ các phòng chức năng cần thiết phục vụ dạy học, thực hành, thực tập, sinh hoạt, học thuật, vui chơi, giải trí,…
Nhà trường đã không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới quản lý, nhất là chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện nhà trường đã có 5 phòng chức năng, 5 khoa và một trung tâm thực nghiệm – sản xuất với đội ngũ cán bộ, viên chức, nhà giáo, người lao động trên 70 người. Trong đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên sau đại học đạt gần 50%.
Tất cả những điều kiện trên là nền tảng quan trọng để Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2030 đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao. Đảm bảo là cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực và các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp với nhiều cấp độ, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, tay nghề đa dạng thuộc các lĩnh vực kinh tế – dịch vụ, kỹ thuật – công nghệ, văn hóa – nghệ thuật. Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động GDNN theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển chương trình đào tạo và đổi mới phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với yêu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp, nhất là những nghề trọng điểm quốc gia và những nghề phục vụ cho 5 lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chuẩn bị đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, đăng ký bổ sung hoạt động GDNN các nghề: quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Tăng cường phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, thu hút nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm theo định hướng chiến lược phát triển nhà trường. Đổi mới quản lý hoạt động đào tạo gắn với đảm bảo chất lượng hướng đến đáp ứng nhu cầu xã hội. Tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Gắn đào tạo với giải quyết việc làm, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tăng cường tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đổi mới quản lý theo phương thức quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo.
Chí Cường