09/07/2023 10:34:08

Từ ngày 01/8/2023 Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù tại TP. HCM sẽ có hiệu lực

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, hiện nay, TP đang tập trung để triển khai rất nhiều cơ chế chính sách về phát triển Đông Nam Bộ và phát triển TP từ nay đến năm 2030.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành NQ 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh có hiệu lực từ ngày 01/8/2023 và trong nghị quyết này có rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù gắn liền với các nhóm quản lý đầu tư, nhóm quản lý tài chính ngân sách, nhóm quản lý về đất đai tài nguyên môi trường nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tổ chức bộ máy thành phố cũng như về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và tiếp tục sẽ được cụ thể hóa vào trong các chương trình hành động và kế hoạch trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường

“Chúng tôi cũng kỳ vọng rất nhiều vào trong thời gian tới để phát triển thành phố, tuy nhiên trong thời gian qua đứng trên góc độ về chính quyền thành phố khi tập trung giải quyết trong phát triển về hạ tầng, phát triển về kinh tế xã hội cũng như là hỗ trợ các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy môi trường để các nhà đầu tư hoạt động ngày càng phát triển hơn và yên tâm đầu tư hơn tại TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ cũng như ở Việt Nam, đặc biệt trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đánh giá các kênh thông tin, giữa nhà đầu tư với chính quyền, cần có những kênh thông tin để thể hiện sự công khai, minh bạch cơ chế chính trị. Chính quyền cũng sẽ tiếp tục có sự quan tâm, ưu tiên các nhà đầu tư hiện nay đã đến và đầu tư trong thời gian qua, nếu còn khó khăn vướng mắc thì ưu tiên tháo gỡ, ưu tiên kênh thông tin chia sẻ trong đó có phát triển hạ tầng kỹ thuật, có kênh cơ chế đối thoại với các nhà đầu tư không chỉ với chính quyền thành phố mà còn với chính quyền quận huyện và trong đó có tổ chức gắn chính quyền với các nhà đầu tư, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để cụ thể hóa hơn trong thời gian tới” – Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nói.

Từ lâu, TP. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đã trở thành điểm đến lý tưởng cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế, kỹ thuật, nhân lực…, thành phố luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI. Theo bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chia sẻ, vốn FDI vào TP.HCM “bật tăng” trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của TP.HCM có sự khởi sắc trong quý II sau khi giảm sâu ở quý I/2023. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng câu hỏi đặt ra là thành phố cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI nhất là khi chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024, sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không tính đến ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Và một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới là đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại thành phố, nhằm tạo một môi trường pháp lý lành mạnh và trong sạch, để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài.

Cũng với những nhận định này, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì theo ông, “với biến động kinh tế hiện nay sau đại dịch Covid – 19, chúng ta nhận thấy có chuỗi dịch chuyển rất lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới, tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng. Việt Nam là một trong các điểm đến hàng đầu, làm thế nào để tận dụng cơ hội này cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là cho những trung tâm kinh tế lớn như Tp. Hồ Chí Minh thì càng đòi hỏi chúng ta có tầm nhìn chiến lược, có những quyết sách rất đột phá cho sự phát triển. Vừa qua, quốc hội đã thông qua nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh và kỳ vọng rằng thành phố sẽ trở thành phòng thí nghiệm cho những cải cách thể chế ở Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục với vai trò là đầu tàu dẫn dắt cho nền kinh tế Việt Nam”.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ông cho rằng, đối với TP. HCM vấn đề đặt ra không phải là vấn đề cạnh tranh đối với các địa phương khác mà vấn đề là giữ vai trò dẫn dắt, giữ vai trò trung tâm của các chuỗi cung ứng. Có thể nói rằng với đặc thù này, TP. HCM sẽ có điều kiện có thể tạo nên bước đột phá trong thời gian tới nhưng muốn tạo ra bước đột phá thì điều quan trọng là phải tập trung vào 3 mô hình mấu chốt : thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong vấn đề thể chế thì có vấn đề chính sách và các vấn đề pháp lý. Các bước đột phá trong lĩnh vực này sẽ tạo sự phát triển trong thời gian tới. Có thể nói rằng, trong quá trình phát triển của TP. HCM và cả nước thì vấn đề pháp lý là vấn đề quan trọng hàng đầu. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, 70% các dự án hiện nay liên quan chính đến các vấn đề pháp lý. Các vấn đề thủ tục, hỗ trợ cho TP. HCM và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao các vấn đề pháp lý là một trong những vấn đề quan trọng, nếu chúng ta muốn thành công trong nghị quyết về cơ chế đặc thù của TP. HCM, mường tượng sẽ có những xung đột, những cái chưa phù hợp với cơ chế đặc thù với tiếng nói chung về pháp lý. Vậy thì phải xử lý như thế nào là vấn đề lớn trong tương lai, làm thế nào để giải quyết tốt trong vấn đề phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cơ chế trực tiếp cho từng dự án, từng chương trình để phát triển cho TP. HCM, hỗ trợ giải pháp là nỗ lực đột phá là vô cùng quan trọng. Nếu với sự yểm trợ của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho TP. HCM trong việc thúc đẩy các pháp lý cho chương trình phát triển. Ông hy vọng đây là hoạt động thiết thực triển khai cho nghị quyết của quốc hội, hỗ trợ cho chính quyền và lan tỏa trong cả nước. Hướng tới một diễn đàn, mạng lưới hỗ trợ pháp lý cho các nhà đầu tư trong cả nước bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh là nơi có năng lực cạnh tranh cao với các nước Asean và trên thế giới.

Khung pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, khiến cho các chính sách ưu đãi của Chính phủ mặc dù rất hấp dẫn nhưng vẫn khó đủ sức thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng.

Để thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mới đây Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cũng đã có Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025 tầm nhìn 2030. Đề án được xây dựng bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương về nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Hiện nay, tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó đoán trước với nhiều vấn đề chưa từng xảy ra trước đây. Nhiều thách thức đang đặt ra cho các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, như suy thoái kinh tế, an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu. Điều này tác động mạnh mẽ đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua đề án, các mục tiêu, nhiệm vụ được chỉ đạo rõ ràng – là một lộ trình nhằm hướng tới mục tiêu lớn tăng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, phát triển thành phố.

Bên cạnh đó, còn có một số các trở ngại mà ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đề cập đến là có những đánh giá về một số trở ngại điển hình liên quan đến quy định pháp luật đối với hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, khung pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, khiến cho các chính sách ưu đãi của Chính phủ mặc dù rất hấp dẫn nhưng vẫn khó đủ sức thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng. Không thể phủ nhận rằng, môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh liên tục được cải thiện với thái độ và trách nhiệm tích cực của địa phương, tuy nhiên, tình trạng vướng mắc về mặt thủ tục, áp dụng quy định pháp luật vẫn đang là một trong những thách thức lớn với doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Điểm vênh giữa quy định và thực tiễn áp dụng là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt, các cơ quan có thẩm quyền cần nỗ lực hết sức để cải thiện và loại bỏ tình trạng này. Theo ông Tuấn, sự đổi mới trong khung pháp lý về đầu tư mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, tuy nhiên, cần đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản sửa đổi, nhất là sự đồng bộ giữa các Luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu,…

Theo thống kê của VIAC, tỷ lệ tranh chấp có yếu tố FDI trong năm 2022 chiếm khoảng 40%, trong đó, hầu hết là các tranh chấp phức tạp, gắn với các dự án đầu tư, công trình lớn. Theo đó, mô hình Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý Đầu tư sẽ giải quyết những vấn đề còn nổi cộm thông qua hình thức đối thoại và phản hồi những phản ánh của cộng đồng các nhà đầu tư liên quan đến việc áp dụng quy định pháp luật. Trên cơ sở nhận diện các rủi ro pháp lý và thiệt hại mà nhà đầu tư có thể đối mặt dưới góc nhìn thực tiễn, Diễn đàn hướng đến cung cấp giải pháp cho nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề pháp lý trong ngắn hạn và dài hạn cùng với đó là kinh nghiệm xử lý đối với các vấn đề pháp lý mà nhà đầu tư đang vướng phải.

Trong một cuộc đối thoại gần đây có sự tham gia của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh,  đại diện các Hiệp hội đã đưa ra nhiều vấn đề trong đó những khó khăn mà doanh nghiệp thành viên đang đối mặt, nổi cộm nhất liên quan đến vấn đề về cập nhật và áp dụng quy định pháp luật. Các đại diện cho biết các cơ quan chuyên trách tích cực lắng nghe và ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình nghiên cứu giải pháp chưa thực sự kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ thực tiễn trên, các đại diện thống nhất quan điểm rằng nên có một Diễn đàn pháp lý doanh nghiệp thường niên nhằm tạo môi trường trao đổi chuyên sâu, định hướng những giải pháp cụ thể và trọng tâm liên quan đến pháp lý doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, bởi lẽ thành phố là thị trường năng động và có những đặc trưng riêng biệt, việc áp dụng quy định pháp luật của nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có những nét khác hơn so với những địa phương khác. Việc triển khai Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư thường niên giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài cập nhật các thông tin mới về những thay đổi trong thủ tục, quy định pháp luật có chi phối đáng kể đến hoạt động, trên cơ sở đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược hoạt động an toàn, hiệu quả, tiên lượng được sự thay đổi của pháp luật để nắm bắt và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch, giảm thiểu tối đa rủi ro và các tranh chấp.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý cho NĐTNN tại TP. Hồ Chí Minh sẽ xử lý kịp thời những vướng mắc liên quan về cơ chế và vận dụng chính sách pháp lý đối với nhà đầu tư bằng việc đưa ra những giải pháp thiết thực, cập nhật sát sao thông qua mô hình dự kiến bao gồm 2 diễn đàn/năm. Từ các ý kiến này, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kỳ vọng Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong thời gian tới.

Uyển Nhi