08/07/2023 3:39:34

Có tên mới, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM hướng đến đào tạo đa ngành, đa bậc học

Sáng ngày 8/7/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng về đổi tên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đến dự và trực tiếp trao Quyết định của Thủ tướng cho tập thể Nhà trường.

Trước đó, ngày 1/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ký Quyết định số 789/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Như vậy, tên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (HUFI) đã trở thành một giai đoạn lịch sử, tên mới là Trường Đại học Công Thương TP HCM (HUIT) sẽ được sử dụng chính thức từ ngày 1/7/2023. Đây là mốc son đánh dấu bước phát triển mới trong đào tạo đa ngành và đa bậc học, thực hiện mục tiêu chiến lược của Trường trở thành trường Đại học ứng dụng, đổi mới sáng tạo hàng đầu trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Các đại biểu đến tham dự lễ công bố Quyết định đổi tên của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM thành Trường ĐH Công Thương TP HCM (Ảnh – Quang Trung

Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công Thương TP HCM nhấn mạnh: “Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 23/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Trường là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức, tri thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của xã hội; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công Thương TP HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh – Quang Trung)

Việc đổi tên trường đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trường. Với tầm nhìn đến 2045, HUIT trở thành cơ sở giáo dục đại học ứng dụng, đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của quốc gia, có vị thế trong khu vực châu Á, tiên phong một số ngành trong lĩnh vực công thương.

Trong giai đoạn 2010 đến 2023, Trường đã và đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 13 khóa đại học chính quy, 6 khóa thạc sĩ, 2 khóa đào tạo tiến sĩ. Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2023, Trường đã đào tạo được gần 60.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ… phục vụ cho yêu cầu nguồn nhân lực của các địa phương, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%. HUIT đang phát triển và đa dạng hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại. Thực tế hiện nay nhà trường đang đào tạo 33 ngành trình độ đại học, 10 ngành trình độ thạc sĩ, và 3 ngành trình độ tiến sĩ. Trong đó không chỉ lĩnh vực công nghiệp thực phẩm mà đào tạo đa ngành, gồm có tất cả lĩnh vực về Công Thương.

Những trường có tên gọi mang tính chất đơn ngành nhưng không còn đào tạo đơn ngành nữa thì cần có sự chuyển đổi để phù hợp xu hướng mới. Dù đổi tên nhưng nhà trường vẫn có định hướng phát triển ngành mũi nhọn, ngành tiên phong là công nghệ thực phẩm. Trường cũng thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, do đó tên gọi Trường Đại học Công Thương sẽ phù hợp hơn” – PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường chia sẻ.

Các sinh viên đang theo học các Khoa của Trường ĐH Công Thương TP HCM (Ảnh – Quang Trung)

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông HUIT cho rằng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, HUIT đang dần khẳng định vị thế của một cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học trong nước và khu vực. năm nay việc xét tuyển đại học bằng điểm thi sẽ “khốc liệt” hơn năm ngoái vì các trường chủ yếu tập trung vào điểm thi Tốt nghiệp PTTH để xét tuyển. Theo đó, mức điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5 – 1 điểm ở nhiều trường đại học ở mức trung bình, còn các trường đại học tốp trên điểm chuẩn cao vẫn như năm 2022. Các ngành thế mạnh của trường là ngành công nghệ thực phẩm, marketing, quản trị kinh doanh, thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin…

Cụ thể, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ II lớp 12) dao động 20-24 điểm. Ngành có điểm cao nhất là Công nghệ thực phẩm, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc. Kế đến là Marketing, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ thông tin lấy 23,5 điểm. Ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, 25 trong tổng số 33 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn 600/1.200. Ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Marketing, Quản trị kinh doanh có điểm chuẩn cao nhất với 700 điểm, các ngành còn lại lấy 650 điểm” – Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ về điểm chuẩn của trường Đại học Công Thương TP HCM đã được công bố vào chiều 6/7/2023.

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, nhiều sự kiện đã được tổ chức, các nội dung hướng đến mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp các nhóm dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp có cơ hội giao lưu, giải đáp vướng mắc đang gặp phải cũng như hiểu rõ vai trò của sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi gia nhập thị trường Quốc tế, kỹ năng gọi vốn đầu tư…

Toạ đàm “Thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm”, một trong nhiều hoạt động nổi bật của chuỗi sự kiện (Ảnh- Quang Trung)

Mục tiêu trên được các tham luận đề cập và giải quyết hiệu quả, thông qua các vấn đề thực tế được các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quan tâm như: sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng. Các vấn đề khác như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hiện đang được người tiêu dùng quan tâm và xem như lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, và vấn đề vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo….

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đánh giá cao các thành tựu mà HUIT đạt được trong những năm qua, trong đó có các thành tựu của hoạt động đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của giáo dục khởi nghiệp cũng như các hoạt động đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, luôn quan tâm, khuyến khích và tạo các điều tốt nhất để phát triển phong trào đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh với Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – TECHFEST Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee và Công ty Cổ phần King Attorney trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ; hỗ trợ nền tảng phần mềm tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, kết nối chuyên gia về các lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong quản lý doanh nghiệp, kinh doanh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hệ thống bán hàng tự động, tài trợ, đầu tư…; hỗ trợ nhóm dự án khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên thương mại hoá sản phẩm dịch vụ.

Quang Trung