Khẳng định có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong đào tạo nghề hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đã cùng 63 tỉnh, thành tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực…
Ngày 6/6, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã bắt đầu tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với 3 nhóm nội dung cơ bản về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, thực trạng việc làm cho người lao động và khắc phục bất cập trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến việc thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%.
Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có đánh giá về quá trình triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động và đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới có thể tiệm cận được với các nước trong khu vực…
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Dung cũng thẳng thắn thừa nhận, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,4% tính đến quý I/2023. Các nước trên thế giới họ không đánh giá qua chỉ số lao động qua đào tạo không có chứng chỉ mà chủ yếu đánh giá qua tiêu chí lao động được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp.
Nếu nhìn lại, tỷ lệ của Việt Nam không phải quá thấp, nhưng thấp hơn so với các nước đang phát triển. Đó là vấn đề cần phải quan tâm. “Điều quan trọng là trong thị trường lao động của chúng ta, cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp hơn. Vấn đề này cần phải điều chỉnh trong thời gian tới”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thực tiễn khi các nhà đầu tư đến Việt Nam thường đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất là hạ tầng của chúng ta như thế nào; thứ 2 là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng không. Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi Việt Nam lại thiếu hụt nguồn nhân lực này.
Đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu thị trường
Cùng trong nhóm vấn đề, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí.
Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay. Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai gần.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua cũng đã có bước tiến bộ nhất định. Cách đây hơn 1 tháng, Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Ban Bí thư, tổng kết 10 năm công tác giáo dục nghề nghiệp và ngày 4/5 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Trong báo cáo có đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo mặc dù có tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới có rất nhiều bất cập. Hiện nay, cùng trên một địa bàn, có nhiều trường nghề khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau, dẫn đến số học sinh vào không đáp ứng. Và đào tạo ra thì khó tìm việc”, Bộ trưởng cho biết.
Nhấn mạnh điều Bộ, Chính phủ quan tâm trong thời gian tới là đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, phải làm quyết liệt hơn vấn đề dự báo cung cầu và chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần tiến hành liên kết, kết hợp cũng như đặt hàng được với doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có như vậy. khi học sinh, sinh viên được đào tạo ra mới có việc làm.
Về tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong đào tạo nghề, trên cương vị tư lệnh ngành lao động, ông Dung khẳng định là có. Trước thực tế này, trong thời gian qua, 63 tỉnh thành cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tiến hành quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sáp nhập lại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc 3 trong 1, 2 trong 1 và một trường cao đẳng ở địa phương có thể đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau… theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.
Cùng với đó là việc tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực…
Tuấn Việt