Trước chất vấn của các đại biểu về vấn đề thu bảo hiểm xã hội sai đối tượng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc 4.240 hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều năm mà nay bị treo lương hưu là sai nhưng… chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực, trục lợi.
Như tin chúng tôi đã đưa, ngày 6/6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn dành cho 4 bộ trưởng và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, diễn ra trong 2,5 ngày. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhiều vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội… tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, đại dịch COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ bão phức tạp; không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, sản xuất, kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn; vấn đề đời sống, lao động và việc làm cũng nảy sinh nhiều vấn đề phải đối mặt.
“Một bộ phận người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đòi hỏi thời gian tới chúng ta phải dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới với các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội – những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau với nguyên tắc chung là: “Nhìn xa – Chủ động sớm – Hành động mau lẹ – Ứng xử kịp thời”, ông Dung khẳng định.
Thu bảo hiểm xã hội sai hơn 4.000 hộ, nhưng chưa phát hiện tiêu cực
Tại nghị trường, nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc thu bảo hiểm bắt buộc sai đối với chủ hộ kinh doanh cho thấy cơ quan bảo hiểm đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người dân.
“Việc thu sai đối tượng trong thời gian quá dài, có người đóng 20 năm. Vậy có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội không? Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc cơ quan nào, hướng xử lý sai phạm”, đại biểu này nêu lên câu hỏi.
Còn đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) phản ánh thực trạng, thời gian qua, nhiều người lao động mất việc làm. Trong bối cảnh đó nhiều người lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì cần tiền để chi tiêu trang trải trong cuộc sống. Theo đại biểu, tình trạng trên tạo sức ép đến hệ thống an sinh xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Vì vậy, vị đại biểu nêu lên câu hỏi: “Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên?”.
Trước nhóm vấn đề này, trước hết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc là sai về chủ trương.
“Tôi đã báo cáo rất rõ là trách nhiệm thuộc về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đặc biệt Bảo hiểm Xã hội các địa phương”, ông Dung nói và cho biết Bộ đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị chấn chỉnh.
Theo ông Dung, 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ đến các địa phương, có nơi báo cáo 62 trường hợp, nhưng khi kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp. Như vậy, đã giải quyết về căn bản.
“Chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi, nhưng sai là có”, ông Dung nói.
Về biện pháp giải quyết đối với hơn 4.000 trường hợp đã thu sai kể từ năm 2003 tới nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đang đề xuất tới đây nếu Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp không muốn hoặc không có nhu cầu thì có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện.
“Quan điểm của cá nhân tôi một lần nữa là đặt quyền lợi, lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Thứ hai là nên khuyến khích và điều chỉnh chính sách chuyển sang bảo hiểm xã hội bắt buộc là tốt nhất cho người lao động, đảm bảo về già có lương hưu, có cuộc sống ổn định”, người đứng đầu ngành lao động khẳng định.
Sẽ tăng chế tài xử phạt chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Về vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp được một số đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, tính đến năm 2022, tổng số chậm đóng bảo hiểm xã hội cộng cả gốc và lãi là 8.560 tỷ đồng. So với năm 2021, số tổng phí bảo hiểm xã hội chậm đóng tăng khoảng 2,69%. Trong đó, có 26.670 doanh nghiệp và đơn vị chậm đóng và một bộ phận trốn đóng. Điều này đã gây ảnh hưởng tới 206.000 lao động.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết có 4 vấn đề chính. Thứ nhất là doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt có trường hợp cố tình chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội. Thứ hai là cơ quan quản lý chưa quản lý hết đối tượng. Thứ ba là việc quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội còn thiếu hiệu quả. Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể dựa trên nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.
“Trường hợp người lao động bị ngắt quãng đóng bảo hiểm xã hội khoảng 2-3 năm thì ghi thu đến đó nhưng vẫn phải giải quyết chế độ cho người lao động. Do đó, 206.000 người lao động bị chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được giải quyết chế độ, chỉ còn khoản nợ phải làm tiếp tục tính toán để người lao động không bị thiệt thòi.
“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng. Cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản”, ông Dung thông tin.
Còn về lâu dài, người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10. Trong đó, sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Qua đó, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.
“Vì chưa quy định rõ nên đến nay chưa xử lý được trường hợp nào. Ví dụ như TP.HCM đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra nhưng không xác định rõ nên không xử lý được. Vì vậy, tiến tới cần áp dụng chế tài mạnh hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tuấn Việt