Dự báo trong năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng ít nhất 2% so với năm 2022. Kiều hối không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn là nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển kinh tế Thành phố.
Đó là một trong những nội dung của chương trình “Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành tài chính thuộc các viện, trường, ngân hàng lớn, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế” vừa được diễn ra vào chiều 22/5/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố”, với chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” theo quyết định số 200 – Quyết định về giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoài Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế và Khoa học công nghệ, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN cho biết, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đánh giá cao và chúc mừng Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh và các cơ quan, ban, ngành thành phố đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần huy động nguồn lực kiều hối và thực hiện các nhiệm vụ phát triển chiến lược của đất nước từ nay đến 2045.
Ông đánh giá cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn có những đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước luôn chủ trương đẩy mạnh vận động, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và huy động các nguồn lực từ kiều bào “ích nước, lợi nhà” cho mục tiêu phát triển của đất nước. Đại bộ phận người Việt trên thế giới đều mang tình cảm hướng về quê hương, đất nước, cội nguồn, có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ gia đình, người thân, cao hơn nữa là đóng góp cho sự phát triển của quê hương và đất nước, thể hiện qua các sáng kiến, dự án…
Từ nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động để thu hút nhiều hơn nữa nguồn kiều hối. Đây được xem là nguồn vốn đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội nói chung của TP. Hồ Chí Minh.
Thành phố cũng đã và luôn tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước, cụ thể như cải thiện thủ tục thu hút kiều hối thông thoáng hơn, triển khai thêm các phương thức thanh toán bằng công nghệ, thực hiện các giao dịch chi trả… Chính vì thế, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh luôn tăng trưởng khả quan.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 10 năm (2012-2021), nguồn kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng đều đặn (từ con số 4,1 tỷ USD năm 2012 lên con số 6,6 tỷ USD), trong khi đó tổng số kiều hối của Việt Nam tăng tương ứng là 10 tỷ USD năm 2012 và 18,1 tỷ USD vào năm 2021.
Riêng năm 2022, TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD và trong Quý I năm 2023 lượng kiều hối về Thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.
“ Đảng và Nhà nước ta ngày càng khẳng định rõ tầm quan trọng nguồn lực của kiều bào, từ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004 đánh giá “cộng đồng NVNONN có tiềm lực kinh tế nhất định”, Chỉ thị 45 năm 2015 coi “NVNONN là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; đến Kết luận số 12 năm 2021 đã khẳng định “NVNONN là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc” và khẳng định cần “phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước”. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết 169 tháng 12/2021 nhằm đưa ra Chương trình hành động triển khai các văn kiện quan trọng nói trên. Bộ Ngoại giao, các ban, bộ ngành đang phối hợp chặt chẽ triển khai các chủ trương lớn này. Trong đó nguồn lực kiều hối đã và đang trở thành một nguồn lực có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài” – Ông Nguyễn Hoài Anh nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư là một trong những điểm nhấn nhằm thu hút nguồn vốn trực tiếp tiềm năng này.
Theo ông Lệnh, việc môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng không chỉ lĩnh vực ngân hàng, mà cần có thêm các ban ngành khác cùng tham gia, góp ý kiến. Trong hoạt động ngân hàng, cơ chế chính sách riêng của TP. Hồ Chí Minh và Trung ương luôn đồng hành, đáp ứng các hoạt động gửi nhận kiều hối. Trong đó, người thụ hưởng nhận hiện nay không phải trả thuế thu nhập và có thể nhận đa dạng các nguồn ngoại tệ chứ không chỉ VND bằng nhiều hình thức dịch vụ ngân hàng nhanh gọn.
Bên cạnh đó, nhiều học giả cũng đề xuất thêm các nhóm giải pháp mới, như việc tăng xuất khẩu lao động. Theo Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn – Giảng viên ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Quốc gia Australia thì “việc thu hút kiều hối cũng như xây dựng trang trại, trồng cây, chờ hái quả, đề xuất của tôi cũng như là trồng thêm nhiều cây, sau đó chăm sóc và suy nghĩ làm như thế nào để sử dụng hiệu quả thu được”. Dẫn chứng ở một số quốc gia có tỷ lệ lao động xuất khẩu cao tại Nam Á và Đông Nam Á, bà Nhàn cho rằng việc tăng tỷ lệ xuất khẩu lao động hoàn toàn có khả năng thu về kiều hối mạnh hơn nữa, đặc biệt là xuất khẩu lao động trong lĩnh vực y tế và công nghệ thông tin.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút nguồn kiều hối hiệu quả, ngoài việc tập trung thu hút cũng cần chứng minh việc sử dụng nguồn kiều hối đã về hiệu quả, có sức lan tỏa trong nền kinh tế, sẽ là động lực thu hút nguồn kiều hối về nước nhiều hơn. Một khi chứng minh được hiệu quả sử dụng dòng vốn này sẽ ngược lại là động lực gia tăng kiều hối về hơn nữa.
Tại hội thảo, cũng dự báo cộng đồng NVNONN sẽ tiếp tục phát triển về quy mô, vị thế chính trị, kinh tế, xã hội. Cùng với sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và các nước, thế hệ trẻ mong muốn gắn bó với cội nguồn, tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng kiến nghị, trong thời gian tới, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó xác định nguồn lực kiều bào là một nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài cần được tranh thủ. Nhiệm vụ đặt ra là cần đồng bộ hóa, triển khai toàn diện, nhất quán, thông suốt, có hệ thống các chủ trương, chính sách, biện pháp về tranh thủ nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài từ Trung ương đến địa phương; tạo động lực, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo lập hạ tầng tài chính vững mạnh, giải quyết những vướng mắc trong các lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, thiết thực của người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Trần Đức Hiển – Phó Chủ nhiệm phụ trách Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động để thu hút nhiều hơn nữa nguồn kiều hối.
Sau hội thảo, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố sẽ tổng hợp những ý kiến, giải pháp để sớm hoàn thành đề án về chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn.
Uyển Nhi