Khi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế khiến hàng vạn người mất việc thì Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội (BHXH)… trở thành cứu cánh của người lao động. Thời gian vừa qua, các trụ sở BHXH của quận, huyện ngoại thành TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải người đến rút BHXH một lần.
BhXH quận huyện ngoại thành liên tục quá tải hồ sơ
Nguyên nhân chính là do người lao động ồ ạt rút BHXH 1 lần, đặc biệt là tình trạng này diễn ra không phải lần đầu ở TP.HCM.
Ghi nhận từ 5h sáng đã có rất đông người tập trung trước cổng BHXH huyện Hóc Môn để kịp có số thứ tự vào đăng ký thủ tục hưởng BHXH một lần.. Thậm chí từ chiều tối hôm trước đã có nhiều người còn trải chiếu, giăng võng nằm chờ đơn vị mở cửa. Mấy ngày trước, dại diện BHXH huyện Hóc Môn đã có hướng dẫn người dân làm thủ tục bằng hình thức online nhưng mỗi lần vào làm là trang đăng ký báo lỗi và “bị sập” vì quá tải lượng truy cập nên người dân mới quyết định đến đây để ngồi chờ.
Thống kê của BHXH huyện Hóc Môn cho thấy từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 18.000 hồ sơ các loại, trong đó có trên 2.000 hồ sơ là rút BHXH 1 lần (trung bình khoảng 184 hồ sơ/ngày). Điều này đã dẫn đến sự quá tải, người lao động muốn nộp hồ sơ sớm nên đã tranh thủ xếp hàng giữ chỗ từ tối hôm trước dẫn đến tình trạng như đã nêu.
Là quận vùng ven, đông dân lại nhiều người nhập cư, bà Đoàn Thị Mỹ Hiệp – Giám đốc BHXH huyện Hóc Môn cho biết, BHXH các quận, huyện hiện nay phải thực hiện các nghiệp vụ thu BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN tương tự như BHXH TP.HCM. Do đó, ngoài việc tiếp nhận hồ sơ hưởng BHXH một lần, BHXH huyện Hóc Môn còn phải tiếp nhận và xử lý các hồ sơ nghiệp vụ khác. Do đó, cơ quan thường xuyên quá tải vì hồ sơ quá nhiều, đơn vị này đang cố gắng tuyên truyền, mong người dân qua các quận nội thành thường vắng người hơn để làm thủ tục.
Ông Nguyễn Vĩnh Hy (44 tuổi) chia sẻ: “Tôi bị mất việc 1 năm nay, mặc dù đã dành thời gian đi tìm việc nhưng thật sự quá khó vì đã quá tuổi. Để sống qua ngày, tôi tham gia chạy xe ôm công nghệ, các bạn bè, đồng nghiệp cũ của tôi cũng chuyển sang nghề này. Do có quá nhiều người chạy xe ôm công nghệ nên thu nhập của tôi khá bấp bênh, không ổn định như trước đây. Hôm nay tôi quyết định đi từ 3 giờ sáng ngồi canh cho kịp lấy số, hy vọng sẽ rút được trong ngày. Mong rằng rút được mấy chục triệu rồi cùng vợ về quê dưới Đồng Tháp mở quán giải khát nhỏ sống qua ngày.”
Vì có nhiều người cùng đến rút BHXH một lần nên khi đến giờ cơ quan BHXH mở cửa làm việc, tình hình khá mất trật tự và ảnh hưởng xấu tới an ninh.
“Người lao động rút BHXH một lần rất bất lợi, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác vì cần một khoản tiền để lo cho cuộc sống trước mắt. Thời điểm này là đến ngày tôi rút tiền bảo hiểm. Nhà xa nên tôi ngủ lại để lấy số thứ tự vì rất đông người đi rút tiền như tôi. Ở thành phố mà không có việc làm thì không chịu nổi tiền ăn, tiền thuê trọ nửa năm đâu” – chị Phạm Thị Loan (quê Tiền Giang) tâm sự.
Chị Loan cho biết đã đóng bảo hiểm được 9 năm, công ty chị chủ yếu làm quần áo ấm xuất khẩu nhưng thời gian qua gặp khó khăn, phải giải thể. Nhiều người phải chuyển nghề, còn bản thân chị do lớn tuổi nên khó xin việc ở những công ty có chế độ bảo hiểm, chị đành quyết định rút một lần để tìm sinh kế khác.
Nhiều thiệt thòi khi hưởng BHXH một lần
Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Hiện tại, với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm, tổng mức đóng BHXH của mỗi người lao động là 2,64 tháng lương.
Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014, và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014, và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Do đó BHXH Việt Nam khuyến cáo, việc rút BHXH một lần chỉ là giải pháp tránh cái lợi trước mắt nhưng sẽ thiệt thòi lâu dài.
Cụ thể, người lao động không có lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống khi về già; mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục; mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời.
Giải pháp khắc phục tình trạng rút BHXH 1 lần
Có thể nhận thấy với những khó khăn trước mắt, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH. Khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia trước đó để hưởng chế độ hưu trí.
Ngoài ra, cần có chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động tham gia BHXH, giảm dần số năm đóng tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Bởi vì theo Luật BHXH, người lao động phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và bảo đảm tuổi đời theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí. Thời gian này được đánh giá còn khá dài, dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho người lao động. Theo đó, tiền lương phải bảo đảm đời sống người lao động và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro.
Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Quang Trung