BHXH tỉnh Phú Thọ cho biết, trên địa bàn có 59 doanh nghiệp “quên” đóng BHXH cho người lao động từ 3 tháng trở lên.
Ngày 14/3 vừa qua, BHXH tỉnh Phú Thọ chính thức công bố danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 3 tháng trở lên, trên 50 triệu đồng tính đến tháng 2/2023.
Đứng đầu trong danh sách nợ là Công ty TNHH 1 TV chè Phú Bền, địa chỉ tại Thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, nợ 16 tháng với số tiền lên đến gần 21 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, Công ty TNHH 1 TV chè Phú Bền từng bị UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định xử phạt vì vi phạm liên quan hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động.
Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, có trụ sở chính tại thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, được thành lập từ năm 2007, với ngành nghề kinh doanh là trồng và chế biến chè xuất khẩu. Hơn 15 năm hoạt động, Công ty đã từng được BHXH tỉnh tặng giấy khen, BHXH Việt Nam tặng bằng khen do thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chè Phú Bền luôn đứng tốp các doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên địa bàn.
Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, địa chỉ tại Lô số 10, KCN Thụy Vân, xã Thụy Vân, TP Việt Trì đứng thứ 2 với số tiền nợ là 4,8 tỷ đồng.
Tiếp đến là Công ty TNHH TexMart – Vina, Khu Liên Minh, phường Minh Phương, TP Việt Trì 30 tháng “quên” đóng BHXH cho người lao động với số tiền 3,4 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xi Măng Phú Thọ cũng “quên” đóng phúc lợi cho 155 lao động 5 tháng qua với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp này tiền thân là Nhà máy xi măng Đào Giã, thành lập năm 1967, thời kỳ tỉnh Vĩnh Phú. Cty được cổ phần hóa từ năm 2007 và hoạt động tới nay với cái tên Công ty cổ phần Xi Măng Phú Thọ. Người đại diện theo pháp luật là ông Triệu Quang Thuận, Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tuấn Đạt, Tổng Giám đốc. Hiện nay cổ phiếu của Công ty đang niêm yết và giao dịch trên sàn Upcom – Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Doanh nghiệp nợ BHXH dai dẳng nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là Công ty Cổ phần Phú Thanh, 116 tháng với số tiền 209 triệu đồng.
Trước tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng nhức nhối, cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký công văn yêu cầu BHXH các địa phương tăng cường thực hiện giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2023.
Trong đó, đối với đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý.
Thu Quỳnh