13/03/2023 6:30:27

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023: Cơ hội giao lưu, học hỏi cho DN và người nông dân

Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước và cà phê là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản.

Đây là phát biểu của ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 8 – năm 2023 (từ ngày 10/3 đến 14/3/2023), tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Theo Bộ Công Thương, ngành cà phê cần tạo ra những sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao có giá trị gia tăng trên thị trường, trong đó, chú trọng khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê của Việt Nam để xuất khẩu và bán sản phẩm ra hệ thống phân phối của nước ngoài bằng thương hiệu cà phê mang chính tên mình.

Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 4 tỉ USD. “Mặc dù vậy, thương mại quốc tế về cà phê vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam” – ông Vũ Bá Phú nhận định.

Theo tổng kết năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả vượt bậc, rất đáng khích lệ: Xuất khẩu cà phê cả nước đạt 1,777 triệu tấn với kim ngạch 4,055 tỉ USD, trong đó, riêng tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu được 380 ngàn tấn (chiếm 21,4%), kim ngạch đạt 812,570 triệu USD (chiếm 20%).

Cũng tại sự kiện, ông Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột – Vững bước hội nhập”, Hội chợ triển lãm chuyên ngành Cà phê năm 2023 có quy mô 400 gian hàng với các sản phẩm cà phê, sản phẩm phụ trợ trong ngành cà phê.

Sự kiện nhằm thúc đẩy sự phát triển xuất khẩu cà phê Việt Nam, đồng thời, quảng bá hình ảnh Đắk Lắk với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư về công nghệ chế biến sâu, nhằm làm gia tăng giá trị xuất khẩu góp phần đưa cà phê Việt Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới, đồng thời, nâng cao thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình hội nhập với kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) diễn ra Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê với sự tham gia của hơn 50 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Sản phẩm hoàn thiện phải được ghép từ 6 thân gốc cà phê trở lên, hoặc có nhiều sản phẩm rời theo chủ đề được chế tác từ 6 thân gốc cà phê trở lên.

Nội dung sản phẩm mô tả hình ảnh sinh hoạt, văn hóa tâm linh hoặc về thế giới tự nhiên, đồ dùng sinh hoạt, trang trí và các hình tượng khác trong đời sống vật chất, tinh thần của người Tây Nguyên.

Để tôn vinh những người nông dân cần mẫn, chia sẻ hành trình sản xuất cà phê từ nông trại đến sản phẩm cuối cùng, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cũng đã mời hơn 700 nông dân đến tham dự “Simexco Coffee Tour” diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Tại sự kiện, người nông dân có cơ hội hoà mình vào không gian trải nghiệm cà phê đặc sản, chiêm ngưỡng các phần pha chế từ các Barista chuyên nghiệp đến từ cuộc thi Amazing Cup 2022. Đồng thời được lắng nghe những chia sẻ quý báu về hành trình cà phê đặc sản Việt Nam từ nông dân đến rang xay, cũng như con đường hội nhập cà phê Việt Nam vào xu thế cà phê thế giới.

Chương trình là nơi để nông dân giao lưu, học hỏi lẫn nhau không chỉ ở việc canh tác cà phê mà đó còn là nét văn hoá của từng dân tộc, từng vùng miền…

Ngoài ra, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cũng đã khai mạc Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023 (Viet Nam Amazing Brewing Master 2023). Đây là một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023.

Cuộc thi được tổ chức với quy mô quốc gia với 33 thí sinh là các nghệ nhân pha cà phê chuyên nghiệp (Barista) tham gia. Các thí sinh sẽ tranh tài ở hai nội dung: pha phin truyền thống (24 thí sinh), pha Pour V60 – pha bằng kỹ thuật sử dụng bộ lọc giấy của Nhật Bản trên nền nguyên liệu cà phê Việt Nam (27 thí sinh). Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê. Hoạt động này nhằm tạo động lực cho người pha chế cà phê không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng và sự sáng tạo. Đây cũng là nơi hội tụ những người yêu thích, nhiệt tình, tâm huyết với cà phê chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra không gian kết nối có sức thu hút đối với cộng đồng cà phê.

Trong khuôn khổ cuộc thi còn có một số hoạt động như: trưng bày sản phẩm và trang thiết bị pha chế cà phê, phục vụ cà phê đặc sản và thức uống sáng tạo, biểu diễn pha chế, nói chuyện với diễn giả trong ngành cà phê, qua đó hứa hẹn cuộc thi là không gian thú vị kết nối, giao lưu, tìm hiểu, trải nghiệm.

Buôn Ma Thuột đã được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Quang Trung