01/03/2023 12:57:46

Doanh nghiệp CNTT tập trung vào khách hàng hiện tại, tối ưu chi phí để vượt khó

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, các doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng hiện tại và coi tối ưu chi phí là ưu tiên trong việc tìm kiếm khách hàng mới; đồng thời xây dựng quy trình dưa trên hành trình của người mua hàng chứ không phải ý muốn chủ quan của doanh nghiệp.

Chiều 28/2, mở đầu chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm Giải thưởng Sao Khuê – giải thưởng uy tín, tiêu biểu nhất của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam tròn 20 năm tuổi, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội thảo: “Doanh nghiệp CNTT: Duy trì nhịp tăng trưởng trong khó khăn” để chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm về bán hàng của một số doanh nghiệp công nghệ thành công tới cộng đồng doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho biết: Hiện nay, từ Chính phủ tới các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cho đến tư nhân đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội rất lớn và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp CNTT.

Ở thị trường quốc tế, chúng ta cũng đang đứng trước cơ hội, trong đó, kết quả kinh doanh của FPT tại thị trường Mỹ là một minh chứng khi Nhật Bản vốn được coi là thị trường chính nhiều năm của FPT thì đến năm 2022, doanh thu từ thị trường Mỹ đã ngang bằng thị trường Nhật Bản…

Phó chủ tịch kỳ vọng, qua các sự kiện này sẽ có thể chia sẻ các câu chuyện, giải pháp giúp các doanh nghiệp CNTT phát triển bền vững, nắm bắt thời cơ để thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng thương hiệu, niềm tin với khách hàng…

Theo ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc thường trực CTCP MISA, trước sự thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh, việc xây dựng đội ngũ bán hàng và chiến lược tăng trưởng doanh thu bền vững luôn là thách thức lớn đối với mỗi doanh nghiệp.

Ông Quang cho rằng khi mà hành vi mua sắm của khách hàng ngày càng phổ biến qua smartphone và thiết bi công nghệ thì doanh nghiệp phải chú trọng hơn tới trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số.

Với doanh nghiệp, cần xây dựng được mô hình kinh doanh phù hợp từ cơ cấu tổ chức tới đội ngũ kinh doanh, bán hàng. Trong đó, cần chú trọng quy trình bán hàng dựa trên hành trình mua hàng của khách hàng mục tiêu. Đặc biệt là phải xây dựng được “chân dung khách hàng” để có giải pháp phù hợp.

Với quy trình kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng dưa trên hành trình của người mua chứ không phải ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Từ đó để xây dựng nên những kịch bản tiếp cận khách hàng phù hợp và đưa ra các giải pháp.

Ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc MISA chia sẻ tại sự kiện. Ảnh Tuấn Việt

Ở tầm vĩ mô, theo ông Quang, năm 2023, cơ hội với các doanh nghiệp công nghệ vẫn rất lớn khi chuyển đổi số được Chính phủ xem là một trong những trọng tâm để duy trì tăng trưởng giai đoạn 2021-2030. Và trọng bối cảnh  khó khăn vẫn luôn hiện hữu thì doanh nghiệp cần trú trọng hơn và chăm sóc các khách hàng cũ cũng như chính đội ngũ nhân viên của mình.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Trung Thiên Vương, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Marketing của Nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn cũng cho rằng: Trong bối cảnh thị trường khó khăn, các doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng hiện tại và tối ưu chi phí là ưu tiên trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên trao đổi, nói chuyện với khách hàng để có chiến lược đúng đắn.

Bên cạnh đó, theo ông Vương, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng các chỉ số cần phải cải thiện và đưa ra các hành động cụ thể để giải quyết và đo lường hiệu quả. Đồng thời, trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp cần đặc biệt tập trung vào thế mạnh của mình để phát triển và tối ưu nó.

Tuấn Việt