Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa tiến hành gia hạn bản thỏa thuận hợp tác với Visa về phát triển và ứng dụng thanh toán điện tử trong giao thông đô thị. Sau khi kết thúc 3 năm của Giai đoạn hợp tác đầu tiên, thành phố đã triển khai hình thức thanh toán không tiếp xúc trên 50 xe buýt…
Sự hợp tác này nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng của thành phố theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV cho phép người dùng “chạm” thẻ thanh toán, ví di động và các thiết bị đeo thông minh khác để thanh toán chi phí di chuyển trên các phương tiện công cộng, mua vé điện tử, sạc xe điện, trả phí cầu đường và đỗ xe ô tô.
Cũng theo bản ghi nhớ hợp tác mới, ở giai đoạn 2, đôi bên đang hướng tới mục tiêu tăng gấp 20 lần, đạt mức 1.000 xe buýt ứng dụng thanh toán không tiếp xúc, kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của giao thông công cộng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: Di chuyển thông minh là mục tiêu chiến lược quan trọng trong quá trình chuyển đổi của thành phố. Trong đó, sự hợp tác với Visa sẽ mang đến cho người dân nhiều tiện ích hơn thông qua những đổi mới công nghệ liền mạch và hiện đại.
Theo ông Lâm, TP.HCM đang triển khai các giải pháp xây dựng đô thị thông minh, trong đó có nội dung hình thành hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng. Theo kế hoạch, 100% tuyến xe buýt thành phố sẽ sử dụng vé điện tử vào năm 2025. Cùng với hoạt động của tuyến metro số 1 vào năm 2024, phát triển thanh toán không tiền mặt đối với phương tiện giao thông công cộng sẽ tiếp tục được quan tâm.
“Chúng tôi rất vui khi Visa đồng hành, góp phần đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt trong ngành giao thông vận tải. Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Visa sẽ tiếp tục phối hợp, nghiên cứu các giải pháp áp dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ người dân tiết kiệm thời gian di chuyển trong thanh toán các dịch vụ”, ông Lâm nói.
Đại diện Visa, bà Đặng Tuyết Dung Giám Đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ: ”Dựa vào kinh nghiệm quản lý của chúng tôi trong những dự án giao thông đô thị trên hơn 640 thành phố trên toàn cầu và 50 thành phố ở châu Á – Thái Bình Dương, Visa sẽ hỗ trợ Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp cận những phương thức tốt nhất về di chuyển thông minh”.
Bà Dung cho biết, để mở rộng phạm vi trên ứng dụng trên toàn cầu, Visa sẽ mang đến nền tảng dịch vụ Cybersource hàng đầu thế giới của hãng để giúp tăng cường hạ tầng thanh toán số. Điều này giúp cải tiến bảo mật và sàng lọc gian lận cho các giao dịch được xử lý, giúp giao thông thông minh trở nên an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người.
Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến
Hậu COVID-19, ở Việt Nam, “bình thường mới” đã thay đổi cuộc sống con người ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến bước nhảy vọt từ thói quen dùng tiền mặt hay thẻ vật lý sang thanh toán không tiếp xúc và không dùng tiền mặt.
Theo nghiên cứu “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2022” của Visa, Việt Nam ghi nhận xu hướng nhận biết về thanh toán không tiếp xúc trong lĩnh vực giao thông đang gia tăng, với 83% người tiêu dùng biết cách sử dụng loại hình thành toán thông minh này, qua ứng dụng thiết bị di động, thẻ trả trước và thẻ ghi nợ.
Cụ thể, có 4 trên 5 người tham gia khảo sát cho biết họ đã sử dụng thanh toán không tiếp xúc ít nhất 1 lần 1 tuần, hầu hết là nhóm người ở độ tuổi trung niên (Gen X, Boomers) và có thu nhập khá . Những người tham gia cho rằng lợi ích của phương thức này bao gồm quy trình thanh toán nhanh hơn so với truyền thống và an toàn hơn so với việc mang theo tiền mặt.
Báo cáo nhấn mạnh yếu tố tốc độ, bảo mật và sự dễ dàng của thanh toán kỹ thuật số đã giúp thay đổi sở thích thanh toán của người tiêu dùng toàn cầu. Có tới 91% những người được khảo sát kỳ vọng các phương thức thanh toán không tiếp xúc sẽ khả dụng trên phương tiện giao thông công cộng. Trong đó, có tới 45% số người được hỏi thích thanh toán không tiếp xúc khi sử dụng phương tiện công cộng.
Tuấn Việt