08/02/2023 9:48:31

Hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của chậm, trốn BHXH

Trong đó, chỉ tính riêng một số tổng công ty ngành xây dựng đã nợ lương người lao động với số tiền 269 tỷ đồng, nợ tiền BHXH 435 tỷ đồng; một số tổng công ty ngành Giao thông vận tải nợ lương gần 205 tỷ đồng, nợ BHXH 750 tỷ đồng…

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam diễn ra mới đây.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho biết, trong năm 2022, các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, ông Khang cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và một số bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, chưa được thường xuyên, dẫn đến một số kiến nghị chậm được giải quyết.

Trong đó, ông Khang đặc biệt lưu ý một số vấn đề cần quan tâm như chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng việc tập thể có dấu hiệu tăng lên, hoạt động cho vay “tín dụng đen” diễn ra tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu tập trung đông công nhân lao động diễn biến phức tạp chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu… Nhất là tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại nhiều doanh nghiệp.

Vì vậy, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.

Cụ thế là cần có giải pháp để xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ kể cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đơn cử, theo báo cáo nhanh, Tổng LĐLĐ cho biết, một số tổng công ty ngành Xây dựng nợ lương người lao động với số tiền 269 tỷ đồng, nợ tiền BHXH 435 tỷ đồng; một số tổng công ty ngành Giao thông vận tải nợ lương gần 205 tỷ đồng, nợ BHXH 750 tỷ đồng.

Ộng Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Còn theo ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, cơ quan này cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng trên song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm với người lao động. Tuy nhiên, Thứ trưởng Dũng cho rằng, về lâu dài, cần rà soát lại cơ chế chính sách để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho người lao động.

Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, trong đó có vấn đề chậm đóng BHXH và rút BHXH một lần; việc tuân thủ chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng liên đoàn phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật BHXH sửa đổi; chủ động đánh giá những vướng mắc để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Tuấn Việt