Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi gặp chị là sự ái ngại cho một nữ hiệu trưởng có thân hình nhỏ nhắn, gương mặt hiền dịu lại “cầm lái” một “con tàu khổng lồ” có bề dày truyền thống nhưng đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, lại vào đúng lúc đại dịch Covid-19 bắt bắt đầu càn quét Hà Nội và các địa phương trong cả nước, mọi hoạt động phải ngừng trệ. Chị là Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC), “nữ tướng” của con tàu đổi mới HNIVC.
Bước nhảy tự chủ
Nhận nhiệm vụ hiệu trưởng đúng lúc khó khăn, cô Hường cho biết, “điều tôi nghĩ tới đầu tiên chính là tiên phong ‘vượt rào’ dám đổi mới, quyết tâm đổi mới”. Có 2 câu hỏi lớn đặt ra với tôi lúc đó là làm thế nào để chèo lái con thuyền tự chủ được thuận buồn xuôi gió; làm thế nào để tăng tuyển sinh đầu vào, thu hút học sinh đến với nhà trường. Không làm tốt công tác tuyển sinh không thể tự chủ tốt, ngược lại tự chủ không tốt, không đảm bảo đời sống cán bộ giáo viên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo dẫn đến tuyển sinh giảm sút. …
Lời giải đầu tiên cô và các cán bộ trong Ban giám hiệu đưa ra, trước hết đó là sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất cao ý chí quyết tâm đổi mới của từng thành viên trong Ban giám hiệu và toàn thể cán bộ, giáo viên và HSSV trong toàn trường.
Nhiều giải pháp để mở rộng nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi được áp dụng. Từ ban giám hiệu cho đến cán bộ, giảng viên của trường đều phải thực hiện công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó là quyết tâm thực hiện cam kết “Sinh viên theo học tại trường được đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp hoàn toàn 100%, được hỗ trợ tìm việc làm thêm ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đúng ngành nghề theo học”. Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cô Hường đặc biệt chú trọng chỉ đạo gắn kết hợp tác đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện nhà trường có quan hệ với hàng trăm doanh nghiệp trên khắp cả nước, trong đó hơn 300 doanh nghiệp, tập đoàn như: Samsung, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty cổ phần Hyundai Thành Công, Công ty cổ phần Hyundai Đông Nam, VinFast đều đặt hàng trước số lượng sinh viên đang theo học của nhà trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, kiên đinh với mục tiêu lấy chất lượng làm thước đo phát triển
Nhờ những giải pháp trên, đến nay nhà trường đã tự chủ 100%, năm 2021 công tác tuyển sinh vượt 120% so với năm học trước 2019 – 2020, với hơn 2.000 học sinh, sinh viên đăng ký theo học; chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao với 3 cấp trình độ: 14 chuyên ngành đào tạo Cao đẳng, 12 chuyên ngành đào tạo Trung cấp và nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn, liên kết… đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Năm học 2021- 2022, với trên 1500 học sinh, sinh viên đăng ký nhập học. Điều đó cho thấy chất lượng và uy tín của nhà trường được xã hội ghi nhận. Trung bình hàng năm có trên 90% sinh viên ra trường có ngay việc làm tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Vinfast, Daikin, Vietel, Samsung, Huyndai và nhiều công ty, doanh nghiệp khu vực phía bắc phục vụ cho phát triển Thủ đô và đất nước. Trong đó, một số cựu sinh viên của nhà trường làm việc tại doanh nghiệp được vinh danh là công dân tiêu biểu. Điển hình như cựu sinh viên Nguyễn Hoài Ngọc (K42, Cắt gọt kim loại) làm việc tại công ty Canon là một trong mười công dân ưu tú tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Chất lượng đào tạo của nhà trường còn được khẳng định có nhiều sinh viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 2021, nhà trường có 10 thí sinh dự thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 19, có 4 thí sinh đạt Huy chương Vàng, 3 thí sinh Huy chương Bạc, 1 thí sinh đạt Huy chương Đồng và 1 thí sinh đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Hàng năm có 500-700 lượt sinh viên tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi, với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trong nước, nhà trường còn liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp ở nước ngoài để cử học sinh đi thực tập sinh tại các trường nghề của Nhật Bản, Hàn Quốc…..Số cán bộ giảng dạy chiếm 75% tổng số cán bộ. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học là 60%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt 10%, 100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực quản lý theo các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, tối thiểu 50% cán bộ quản lý sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc và giao tiếp”.
Năm 2022 Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội vinh dự đón nhận Cơ Thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho tập thể và 3 cá nhân trong đó có Hiệu trưởng Phạm Thị Hường. Chặng đường phát triển phía trước còn dài, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng của “người cầm lái” Phạm Thị Hường cùng ý chí quyết tâm và đoàn kết của tập thể CBNV và giáo viên của nhà trường, chắc chắn Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ trở thành đơn vị đào tạo kỹ năng chất lượng cao tiêu biểu của cả nước với nhiều ngành nghề đào tạo sánh tầm khu vực và quốc tế.
Hiệu trưởng Phạm Thị Hường: “Trong suốt chặng đường 48 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới của cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, nhà trường đã kiên định mục tiêu lấy chất lượng làm thước đo. Từng bước tiếp cận xu hướng giáo dục hiện đại, phát triển phẩm chất năng lực người học đáp ứng yêu cầu của thời kì hội nhập và phát triển đất nước. Thầy và trò nhà trường đã chung tay xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, sáng tạo bằng sự khích lệ, sẻ chia, vun đắp; tích cực áp dụng phương pháp giảng dạy mới lấy người học làm trung tâm, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, đào tạo theo nhu cầu và song hành cùng doanh nghiệp, xây dựng trường học số. Với tinh thần trách nhiệm, tự tôn nghề nghiệp, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã xứng đáng là đơn vị lá cờ đầu của thành phố Hà Nội và của ngành GDNN trong việc đào tạo cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”. |
Hải Dương