“Mình không lấy chồng, (lấy vợi) đâu, mình còn phải đi học cái nghề. Mình còn trẻ mà”. Đó là câu trả lời của nhiều nam, nữ học sinh, sinh viên dân tộc Mông, Dao, Thái, Cao Lan, Hà Nhì đang theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh Lào Cai, Yên Bái, nơi chúng tôi vừa có dịp gặp gỡ giao lưu. Học nghề đang là con đường mới mở ra nhiều tương lai hy vọng với “Mỵ và A Phủ”, những thanh niên dân tộc của những bản làng đang phát triển trên vùng núi cao phía Bắc của Tổ quốc..
Có việc làm ngay trên ghế nhà trường
Bỏ lại phía sau những tập tục ngàn đời của bản làng như bỏ học sớm, lập gia đình sớm, sinh con sớm, gắn với cuộc sống không nghề nghiệp, đói nghèo đeo bám từ đời này sang đời khác…, các nam nữ thanh niên dân tộc ngày nay đã và đang thay đổi tư duy, tìm kiếm tương lai bằng lựa chọn con đường học nghề. Cũng vì vậy các cơ sở GDNN miền núi đang thu hút nhiều thanh niên dân tộc đến học nghề.
Em Chảo Thùy Linh, dân tộc Dao Đỏ (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) vừa học hết lớp 9,đăng ký học lớp 10 theo chương trình 9+ tại Trường CĐ Lào Cai, học nghề Dịch vụ nhà hàng khách sạn cho biết: “Em rất thích học ở đây. Nhiều bạn đang học đã có việc làm, có tiền rồi. Em đang cố gắng học tiếng Anh và rèn kỹ năng nghề thật tốt để sớm có việc làm và thu nhập giúp đỡ bố mẹ.”
Với học sinh học hệ 9+, lại là người dân tộc thiểu số nên chính sách của Nhà nước có nhiều ưu đãi như được miễn 100% học phí chương trình học nghề, đồng thời được hỗ trợ 1.5 triệu đồng/tháng (học 10 tháng/ năm, nhưng được hỗ trợ 12 tháng/ năm). Học sinh ở xa được nhà trường tạo điều kiện chỗ ở miễn phí; tiền hỗ trợ của tỉnh hàng tháng là khoản giúp các em học sinh chi trả tiền ăn ngay tại căng tin của nhà trường, tiền dư thừa cuối tháng các em được mang về mà gia đình không phải lo lắng về các khoản học phí. Thậm chí, đối với học sinh hộ cận nghèo, hộ nghèo còn được giảm một phần học phí các môn văn hóa. Bên cạnh đó, các bạn học sinh ở xa trên 20 km còn được hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí sách vở học tập.
Vừa học văn hóa, vừa học nghề, em vui lắm
Em Vàng Thị La, dân tộc H’Mông, xã Hoàng Liên, huyện Sapa, học sinh năm thứ nhất hệ 9+ nghề hướng dẫn viên du lịch,Trường CĐ Lào Cai, cho biết: “Bố mẹ muốn em lấy chồng, không muốn em đi học. Nhưng được các thầy cô Trường CĐ Lào Cai về tận xã tư vấn, đi học nghề không mất tiền, thế là em đăng ký vào học. Vừa được học văn hóa, vừa được học nghề, em vui lắm”. “Ở lớp phổ thông của em có nhiều bạn đi học nghề như em không?” “Lớp có 30 bạn thì có 15 bạn đi học như em. Có khoảng 10 bạn ở nhà lấy vợ, lấy chồng”.
Em Trần Thị Ánh, dân tộc Thái học nghề Hướng dẫn viên Du lịch tại Trường trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Yên Bái tự tin bày tỏ: “Yên Bái quê em đang phát triển du lịch văn hóa nhiều lắm. Là người dân tộc Thái, em mong muốn sẽ trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có thêm tiếng Anh tốt để giới thiệu với du khách về nét đẹp di sản văn hóa điệu múa xòe của dân tộc Thái quê em…”.
Ông Dương Quang Huấn, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc về học nghề, những năm gần đây, tuyển sinh của trường luôn đạt 200 – 300% chỉ tiêu. Riêng học sinh học khối 10 vừa học nghề vừa học văn hóa tại trường đã có tới 500 em.
Trung bình lưu lượng học sinh toàn trường duy trì mỗi năm khoảng 1.500- 1.700 em. Nhà trường đã chủ động liên kết với nhiều cơ sở GDNN dưới xuôi, phối hợp đào tạo nghề đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ cho các em. Có thể nói, chính sách hỗ trợ người học nghề đã giúp các em học sinh, các bậc phụ huynh người dân tộc thiểu số giảm bớt nỗi lo, gánh nặng về kinh tế để trang trải học hành… Từ đó cũng thu hút các em học nghề.
Tương lai rộng mở
Em Nông Văn Dũng (huyện Bát Xát, Lào Cai), sinh viên cao đẳng năm thứ 2 nghề Vận hành nhà máy thủy điện, Trường CĐ Lào Cai cùng các bạn trong lớp vừa kết thúc 6 tháng học tập tại Nhà máy thủy điện Mường Hum được đào tạo theo mô hình gắn kết nhà trường với nhà máy. “Đây là ‘thời gian vàng’ chúng em được học tập, trải nghiệm, đưa kiến thức học ở trường ứng dụng với thực tế. Chắc chắn chúng em sẽ có việc làm đúng nghề đã học”, Dũng cho biết.
Sinh viên Quàng Văn Trợ, dân tộc Khơ Mú (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cùng lớp học nghề Vận hành nhà máy thủy điện cho biết: “Học ở đây chúng em được thầy giáo hướng dẫn tận tình. Em tin mình sẽ vững tay nghề để ổn định việc làm, thu nhập ngay tại nhà máy thủy điện của Lai Châu”.
Tại trường trung cấp dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Yên Bái, trên 80% học sinh ra trường có việc làm ngay. Trong đó, nghề May và Hàn luôn “đắt khách” bởi doanh nghiệp đã đón đầu tuyển dụng ngay khi các em đang học năm cuối.
Em Giàng Thị Thích, dân tộc Mông học nghề May thời trang tại trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ bày tỏ: “Em rất thích nghề may thời trang và ước mơ đang thành hiện thực, em mong muốn ba năm tới, em sẽ được đi làm tại Công ty may để có thu nhập ổn định 6- 8 triệu đồng/ tháng”.
Trang Nhung