Đây là chủ đề của buổi hội thảo khoa học quốc tế vừa được diễn ra mới đây tại trường Đại học Văn Lang (TP.HCM) do báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đồng tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Minh Triết – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung Ương Hội Sinh viên Việt Nam, TS. Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, Phó GS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, ông Võ Anh Tài – Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, nhà sử học Dương Trung Quốc…
Chương trình còn có sự góp mặt của các khách mời là chuyên gia ẩm thực, đầu bếp quốc tế, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học.
Trong đó có sự góp mặt của bà Judy Koh – Hiệu trưởng trường Creative Culinarie, thành viên Hiệp hội Bánh mì và bánh ngọt Châu Á, ông Gunther Koerffer – Chủ tịch Liên đoàn Bánh mỳ và bánh ngọt thế giới, ông Trần Lê Thanh Thiện – Đại sứ gia vị, siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam, ông Kao Siêu Lực – Kỷ lục gia về Bánh mỳ Việt Nam…
Hội thảo với mục đích nghiên cứu, sưu tập tư liệu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về tiến trình lịch sử Bánh mỳ Việt Nam – Hành trình giao thoa văn hoá, góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mỳ Việt so với bánh mỳ các nước trên thế giới, tôn vinh văn hoá ẩm thực Việt Nam nhằm góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình cũng nhằm góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố gắn với sự tham gia của các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới và đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, TS.Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng hội thảo lần này là cơ hội để sinh viên đang theo học tại Khoa Du lịch của trường ĐH Văn Lang và cả một số trường ĐH khác trên địa bàn TP.HCM được gặp gỡ, giao lưu và truyền cảm hứng từ những đầu bếp, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng, được lắng nghe và chia sẻ, từ đó nâng cao lòng tự hào, yêu quý văn hóa ẩm thực Việt Nam, tạo động lực tốt đẹp cho hành trang học tập và lập nghiệp sau này của mình.
Hội thảo trình bày tham luận theo 4 chủ đề gồm: “Lịch sử bánh mỳ Việt, sự du nhập từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa” , “Sự giao thoa văn hóa và sáng tạo trong chế biến của bánh mỳ Việt”, “Bánh mỳ Việt hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu”, “Sức hút hấp dẫn của bánh mỳ Việt với thế giới”.
“Tôi rất yêu thích bánh mỳ Việt Nam. Đồng thời, tôi cũng tin rằng không chỉ có tôi yêu thích món bánh mỳ Việt Nam mà còn rất nhiều người khác từ các quốc gia khác trên thế giới thích thú với món ăn này của các bạn. Chúng ta có thể thấy bánh mỳ Việt Nam hiện nay có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và vang danh như NewYork, Hongkong, Anh, Cộng hòa Czech, Đức, Hàn quốc, Nhật Bản…”, ông Gunther Koerffer – Chủ tịch Liên đoàn Bánh mỳ và bánh ngọt thế giới nói.
Cũng tại buổi hội thảo, các khách mời, đại biểu và các bạn sinh viên cũng đã được lắng nghe câu chuyện về cách học nghề đầy ấn tượng của Kỷ lục gia Bánh mỳ Việt Nam Kao Siêu Lực – Tổng Giám đốc Công ty CP bánh kẹo Á Châu và sự ra đời của bánh mỳ làm từ nguyên liệu trái thanh long, sản phẩm từ câu chuyện sau đại dịch Covid 19 nhằm “giải cứu thanh long”.
Ngoài ra, các chuyên gia và nhà nghiên cứu cũng đưa ra ý kiến chọn ngày 24/03 hàng năm xác lập là ngày bánh mỳ Việt Nam. Được biết, đây là hội thảo lần đầu tiên về một món ăn được sự quan tâm và quy tụ 300 đầu bếp chuyên nghiệp, hơn 100 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nguyên liệu làm bánh, nhân bánh, lãnh đạo các Chi hội siêu đầu bếp thế giới các tỉnh, thành, nghệ nhân ẩm thực…
Uyển Nhi