03/10/2022 9:31:02

Nghề nghiệp & Cuộc sống đạt giải C cuộc thi viết “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam””

Chiều ngày 3/10, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trao giải cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. 

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày kỹ năng lao động Việt Nam – 4/10”.

Cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” được phát động ngày 28/4/2021, thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 ở 4 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng tác phẩm dự thi không được nhiều (trên 300 tác phẩm ở cả 4 loại hình báo chí), tuy nhiên cuộc thi đã huy động được sự tham gia  đông đảo thành phần tham dự, từ các nhà báo chuyên nghiệp, cộng tác viên, các thầy cô giáo và cả học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các tác phẩm dự thi hầu hết đã được các báo, đài, tạp chí đăng tải hoặc phát hành.

Theo đánh giá của Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi, chủ đề của cuộc thi viết về kỹ năng lao động là đề tài khó tiếp cận nếu như người viết không hiểu về kỹ năng nghề nghiệp, do vậy số lượng tác phẩm tham gia chưa nhiều. Một số tác phẩm đã không phản ánh được nội dung của kỹ năng lao động hoặc đề cập đến thì chưa làm nổi bật được giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống xã hội, chưa tạo được sự lan tỏa cao. Đối với các tác phẩm có chiều sâu, phản ánh được nội dung kỹ năng lao động đều là các tác phẩm của các nhà báo đã tìm hiểu sâu về kỹ năng lao động hoặc là từ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, trong bối cảnh thời kỳ dân số vàng, những tác động với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập quốc tế và di cư lao động, chất lượng và trình độ kỹ năng của người lao động đóng vai trò rất quan trọng và mang ý nghĩa then chốt cho sự phát triển của Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu tại Lễ trao giải.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Việc chăm lo phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

“Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, với sứ mệnh cung cấp phần lớn nguồn nhân lực trực tiếp cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ chính trị hàng đầu là: “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”. Thực hiện nhiệm vụ đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện phát triển theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, chất lượng đào tạo đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục của các nước phát triển”, ông Trương Anh Dũng cho biết.

Sau 2 vòng đánh giá, Ban tổ chức đã thống nhất các tác phẩm đạt giải với 4 giải A; 4 giải B; 8 giải C và 14 giải Khuyến khích.

Cụ thể:

  • Báo in gồm Giải A: tác phẩm “Làn sóng mới trong đào tạo nhân lực”, Giải B: tác phẩm “Nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao với nền sản xuất 4.0, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Giải C: tác phẩm “Nâng cao chất lượng tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn Tây Nguyên” và “Thiếu ngoại ngữ khó cạnh tranh việc làm lương cao”.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao giải A cho các tác giả.
Ban tổ chức trao giải B cho các tác giả.
  • Báo điện tử gồm Giải A: tác phẩm “Nhất nghệ tinh” trước ngưỡng cửa 4.0”, Giải B: tác phẩm “Để kỹ năng lao động Việt Nam cất cánh”, Giải C: tác phẩm “Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “Kỹ năng lao động – Chìa khóa mở cửa tương lai” – loạt bài 3 kỳ (Câu hỏi của người thợ hồ và đáp án từ kỹ năng nghề; Kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng; Nâng “giá” kỹ năng lao động Việt) trình bày dưới hình thức E-Magazine của Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống của PV Hải An. Ngoài ra, tác phẩm “Cao đẳng Lào Cai: Linh hoạt phương thức đào tạo thời Covid” của nhóm tác giả Phạm Đức Bình – Phó Hiệu trưởng và Trần Thị Hồng Hoa – Phó trưởng phòng Đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trường Cao đẳng Lào Cai đăng trên Tạp chí điện tử Nghề nghiệp & Cuộc sống cũng giành được giải khuyến khích. 
Các tác giả, nhóm tác giả nhận giải C từ Ban tổ chức
  • Loại hình phát thanh gồm Giải A: tác phẩm “Lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp”, Giải B: tác phẩm “Nuôi trồng thủy hải sản – nghề cần lao động được đào tạo”, Giải C: tác phẩm “Xuất khẩu lao động – Đi làm thuê về làm chủ” và “Từ nhà làm phim đến cô giáo dạy nghề chăm sóc sắc đẹp”.
  • Loại hình Truyền hình gồm Giải A: tác phẩm “Hiệu quả từ chương trình đào tạo kép”, Giải B: tác phẩm: “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì khát vọng Việt Nam thịnh vượng”, Giải C: tác phẩm: “Kỹ năng nghề – Con đường dẫn đến thành công” và “Giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh thực hành khi sinh viên trở lại”.

Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, thành công của cuộc thi chính là qua các tác phẩm đã phần nào lan tỏa được giá trị của kỹ năng lao động giúp cho xã hội hiểu hơn về kỹ năng nghề nghiệp, yếu tố quyết định đến năng suất lao động, tăng sự cạnh tranh của nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia các chuẩn cung ứng nhân lực tạo ra giá trị cao./.

Bảo Minh