Việc bùng nổ kinh doanh qua mạng các loại dược phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam vốn đã bùng nổ lại càng phát triển mạnh kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, khó kiểm soát về mặt chất lượng, tràn lan hàng giả, kém chất lượng.
Với hình thức bán hàng online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box…, chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển…, người kinh doanh không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn.
Việc giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán hàng qua điện thoại và sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ…) để quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe – nhìn và phương tiện truyền thông đại chúng.
Chính vì vậy, mới đây, trong buổi hội thảo “Thuốc – Thực phẩm chức năng – giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp” do Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức vào ngày 20/07/2022 vừa qua đã nêu rõ các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học – công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo…
Hội thảo cũng nhằm mục tiêu giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và thực phẩm chức năng nắm vững các quy trình đăng kí của doanh nghiệp, sự quản lý của nhà nước và các quy định xử lý khi doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình, quy định của nhà nước.
Trong bài phát biểu của PGS.TS Lê Văn Truyền- Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc cũng đã nhấn mạnh: Ngành công nghiệp dược và sản phẩm bảo vệ sức khỏe thế giới, quan hệ trực tiếp đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và đặc biệt hoạt động phòng chống dịch đang đứng trước những thách thức lớn chưa từng có trước đây.
Nghiên cứu của OECD về “Khung quản lý chống thương mại bất hợp pháp” đã xác định ba lĩnh vực khẩn cấp cần nâng cao năng lực thể chế chống buôn lậu và thương mại bất hợp pháp kể cả việc buôn bán dược phẩm và sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa hạ nhiệt trên toàn cầu. Ba lĩnh vực đó là: Nâng cao hiệu quả của các chế tài trừng phạt; Nâng cao khả năng sàng lọc, nhận diện việc tăng số lượng và kích cỡ các gói hàng nhập lậu; Loại trừ các hoạt động tội phạm liên quan đến buôn lậu ở các khu vực thương mại tự do. Những khuyến nghị của OECD rất có ích cho các nhà quản lý dược phẩm và y tế nước ta trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, các nước trong khu vực, các nước láng giềng và ngay ở Việt Nam trong thời gian gần đây để có thể chủ động trước mọi tình huống.
Tuy nhiên, những nhà sản xuất chân chính cũng cần biết cách tự bảo vệ mình. Do giới tội phạm đã sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, các nhà quản lý và sản xuất cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ”.
Theo ý kiến của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQLATTP) TP.HCM, nhiệm vụ của BQLATTP là làm sao để sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng (NTD). Những cơ sở làm giả sẽ không chịu trách nhiệm gì để bảo vệ đối với NTD, tất cả vì mục tiêu lợi nhuận.
Hàng gian, hàng giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, lợi nhuận chính đáng của các công ty, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người dân, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm chức năng là một mặt hàng thiết yếu. Dù cơ quan nhà nước đã có những công cụ chế tài để xử lý vi phạm nhưng các sai phạm ngày càng xảy ra hết sức tinh vi.
Sự tham gia của riêng cơ quan quản lý nhà nước là không đủ mà cần có sự phản hồi, sự hợp tác tích cực từ cộng đồng, là những người sử dụng trực tiếp phải ủng hộ hàng thật, nói “không” với mua hàng giả, hàng nhái…
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày bổ sung cho doanh nghiệp thêm nhiều kiến thức hữu ích trong quản lý, điều hành cũng như cách thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình khi giới tội phạm buôn lậu và hàng giả, với lợi nhuận kếch sù của các hoạt động này, không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm, nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tại TP.HCM đã giới thiệu các giải pháp chống giả như: Giải pháp chống giả ACT và giải pháp chống giả Truedata. Nhằm để doanh nghiệp áp dụng cho việc bảo vệ sản phẩm của mình làm ra không bị làm giả, sự đồng hành của các cơ quan quản lý khi phát hiện hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả, sự trao đổi giữa doanh nghiệp và các chuyên gia nhằm làm sáng tỏ những thắc mắc của doanh nghiệp.
Uyển Nhi