Khai thác than khoáng sản là ngành sản xuất nặng nhọc, ấn chứa nhiều nguy cơ rủi ro tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ). Làm thế nào để người lao động được giảm bớt sự nặng nhọc vất vả và rủi ro nguy hiểm để gắn bó lâu dài với nghề than là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo ngành than trong nhiều năm qua. Và một trong những giải pháp quan trọng để ngành than phát triển bền vững được lãnh đạo ngành này kiên trì thực hiện đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo tốt đời sống người lao động.
Không ngừng đổi mới, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh
Ông Phan Xuân Thủy – Phó TGĐ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh cho biết, để ngành than có sự khởi sắc như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu của nhiều thế hệ lãnh đạo và người lao động, sự kiên trì thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững trong ngành than.
Cùng với việc sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không ngừng đổi mới, hiện đại hoá công tác SXKD, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển KHCN theo hướng cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá và sản xuất an toàn hơn, hiệu quả hơn và sạch hơn ở các đơn vị.
Trong khai thác hầm lò đã sử dụng vì chống thuỷ lực, giá khung di động, một số mỏ hầm lò đã áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong khai thác; đầu tư hệ thống vận tải liên tục, vận tải người và vật liệu bằng Monoray Diezen, tời vô cực; đào lò bằng máy liên hợp (AM-45, AM-50); chống lò bằng vì neo (chất dẻo, bê tông)…
Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới có công suất lớn như ôtô 96 tấn, máy khoan đường kính lớn, máy khoan thuỷ lực, máy xúc điện 10m3, máy xúc thuỷ lực gầu ngược, hệ thống vận tải liên hợp ôtô – băng tải, ôtô khung mềm.
Các nhà máy tuyển được cải tạo nâng công suất, thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật do vậy luôn đạt năng suất cao, tăng tỷ lệ thu hồi than. Sử dụng các phần mềm chuyên ngành và tích hợp đa chức năng vào mô hình hoá và tính toán, xử lý dữ liệu thuận tiện, nhanh chóng, chính xác.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid- 19, hiện TKV đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo đời sống cho công nhân.
Trong đó, nhóm giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị nhằm cải thiện môi trường làm việc cho CBCN, tăng năng suất lao động, làm việc trong hầm lò được xác định là giải pháp ưu tiên số 1. Để nâng cao mức độ cơ giới hoá trong việc khai thác, các đơn vị ngành Than đã ứng dụng thành công vì chống thuỷ lực (cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động và khung giá di động), lò chợ cơ giới hoá đồng bộ sử dụng máy khấu combai vào sản xuất. Qua đó, năng suất lao động tăng từ 7,5 đến 14,1 tấn/công/ca.
Công ty Than Vàng Danh phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ nghiên cứu thành công dự án đầu tư áp dụng công nghệ cơ giới hoá khai thác lò chợ hạ trần than nóc tại vỉa 8 – khu Giếng Vàng Danh. Đồng bộ thiết bị cơ giới hoá khai thác gồm máy combai khấu than, giàn chống tự hành Vinaalta, máng cào và đồng bộ thiết bị phụ trợ.
Thành công của Công ty CP Than Vàng Danh được mở rộng áp dụng tại Công ty Than Nam Mẫu đưa sản lượng khai thác có tháng đạt tới 29.000 tấn, năng suất lao động từ 9 đến 14,9 tấn/công-ca. Ngoài ra, công nghệ khai thác bằng các lỗ khoan đường kính lớn (máy khoan BGA-2M) cũng đã được triển khai áp dụng tại Công ty Than Hồng Thái, Đồng Vông… để khai thác các vỉa mỏng, dốc có chiều dài theo phương không ổn định nhằm huy động tối đa tài nguyên vào khai thác.
Chăm lo đời sống người thợ
Bên cạnh ứng dụng công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, công tác chăm lo đời sống cho người lao động được cá doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Công nhân đi làm có xe ca đưa đón, thợ lò và những nghề có tiếp xúc với các hoá chất độc hại được trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ.
Vào công trường, thợ lò được ăn tự chọn ngay đầu và cuối các ca sản xuất. Giữa ca được ăn bồi dưỡng. Mức thu nhập bình quân của một thợ lò các đơn vị khi làm đủ ngày công đều đạt từ 10 – 20 triệu đồng/tháng. Hiện đa số thợ mỏ được ưu tiên về chỗ ở, nhiều công ty xây dựng những khu tập thể khang trang, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho CBCN như Cty than Hà Lầm, Hòn Gai, Nam Mẫu, Mạo Khê, Dương Huy, Quang Hanh…
Các khu tập thể được phục vụ ăn cả 3 bữa, có sân chơi thể thao. Hàng năm trên 90% CBCN trong các doanh nghiệp được đi tham quan, du lịch, và khám sức khoẻ định kỳ, đặc biệt TKV còn đầu tư thiết bị rửa bụi phổi cho công nhân.
Hiện TKV đang phấn đấu mục tiêu trí thức hoá công nhân, xây dựng một lực lượng thợ mỏ có tri thức, kỹ năng nghề vững mạnh, các trường dạy nghề, các công ty trực thuộc Tập đoàn đang tích cực chăm lo công tác giáo dục nghề nghiệp, tuyên truyền, giáo dục ý thức kỷ luật, xây dựng tác phong công nghiệp, làm việc đúng quy trình kỹ thuật AT-VSLĐ.
Tiếp tục chuẩn hóa lại hệ thống công nghệ trong các khâu khai thác, đào lò, vận tải tiến tới đồng bộ hóa thiết bị, công nghệ tại tất cả các đơn vị trong Tập đoàn; rà soát, bổ sung các thiết bị công nghệ liên quan nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng hệ số an toàn cho CNLĐ; tăng cường, đổi mới hình thức huấn luyện an toàn tạo hiệu quả sát thực với điều kiện công việc của công nhân; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CNLĐ đối với công tác AT-VSLĐ.
Việt Hùng